Biện pháp giảm ô nhiễm môi trường
Theo thống kê hiện nay, Việt Nam bình quân mỗi năm sản xuất ra hơn 40 triệu tấn thóc. Khối lượng vỏ trấu chiếm 20% trong thành phần hạt thóc nên mỗi năm có xấp xỉ 9 triệu tấn trấu thải ra môi trường. Đây là số lượng chất thải khổng lồ mà nếu không xử lý sẽ gây ô nhiễm môi trường và là một sự lãng phí lớn. Hiện có nhiều giải pháp để xử lý khối lượng phế phẩm nông nghiệp này, trong đó có việc ép trấu thành củi của anh Trần Đình Lai (xã Quảng An, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) là rất đáng chú ý. PV báo TN&MT đã có cuộc trao đổi với anh Trần Đình Lai để tìm hiểu về công nghệ độc đáo này.
Thưa anh, ý tưởng ép trấu thành củi của anh là một ý tưởng khiến chính các nhà khoa học bất ngờ. Vậy điều gì thôi thúc anh dám nghĩ, dám làm đến như vậy?
Quê Quảng Điền của tôi vốn là vùng thuần nông nên có lượng vỏ trấu rất dồi dào. Tôi thường thấy người ta đem đổ bỏ hoặc vun đống vào đốt. Mỗi lần đốt như vậy, khói bụi bay tứ tung, mùi khét lan tỏa làm ảnh hưởng tới môi trường sống cũng như sức khỏe của cộng đồng. Thời trước khó khăn, người dân coi trấu là nguyên liệu quan trọng để đun nấu nhưng giờ thì không còn ai sử dụng nữa. Nhìn thấy cảnh đó, tôi luôn đặt ra câu hỏi tại sao một nguyên liệu vừa rẻ, vừa có giá trị như vậy lại vứt đi? Tại sao mình không tìm một giải pháp để tận dụng nguồn nguyên liệu quý giá này? Ý tưởng ban đầu của chiếc máy ép củi trấu được hình thành như vậy.
Quá trình từ lúc hình thành ý tưởng cho tới khi cho ra đời sản phẩm hoàn thiện đầu tiên mất bao nhiêu thời gian, thưa anh?
Năm 2007, tôi bắt tay vào nghiên cứu và thử nghiệm chiếc máy ép củi trấu đầu tiên. Tuy nhiên trải qua gần 2 năm phát triển, hoàn thiện hệ thống kĩ thuật thì tôi mới cho ra đời được chiếc máy ép hoàn chỉnh. Trong gần 2 năm đó, tôi phải đối mặt với rất nhiều khó khăn mà chủ yếu nằm ở khâu kĩ thuật. Thế nên với tôi, đó là một khoảng thời gian thực sự rất dài.
Vậy khó khăn nào khiến anh phải hao tổn tâm sức nhiều nhất?
Ban đầu, do chưa nắm được hết nguyên lý hoạt động của chiếc máy nên sản phẩm không được như ý. Cụ thể là các hạt trấu kết dính với nhau lỏng lẻo nên không tạo thành củi. Tôi đã rất nhiều lần tháo ra, lắp vào chiếc máy để tìm nguyên nhân nhưng đều bất lực. Sau hơn 5 tháng làm biết bao thử nghiệm, tôi phát hiện ra nguyên nhân là do vỏ trấu ẩm quá nên làm ảnh hưởng tới quá trình tạo sự kết dính. Ấy nhưng khi khắc phục được nhược điểm này thì chính chiếc máy lại hoạt động không ổn định, lúc được, lúc không. Thành ra tôi phải mất thêm mấy tháng nữa để tiếp tục hoàn thiện.
Ngoài ra vỏ trấu có hàm lượng silic rất lớn nên quá trình tìm chất phủ bề mặt silic là rất quan trọng. Tôi thậm chí phải đặt hàng từ nước ngoài về để đưa vào thử nghiệm. Suốt gần 1 năm trời với biết bao lần thất bại, chiếc máy cuối cùng cũng hoàn thiện theo đúng ý định của tôi. Máy có độ bền và sản phẩm đạt chất lượng cao cũng như mẫu mã đẹp.
Biến trấu thành tiền tỷ
Quy trình sản xuất củi trấu hoạt động như thế nào? Liệu nó có thể được áp dụng trong sản xuất quy mô lớn?
Quy trình sản xuất củi trấu về cơ bản được tiến hành như sau: trấu nguyên liệu được đưa vào máy ép. Bộ phận sấy tự động sẽ sấy trấu để làm giảm độ ẩm xuống còn dưới 12%. Sau đó, trấu được ép thành dạng thanh củi cứng, có chiều dài từ 40-60cm, đường kính 85cm. Chỉ sau 1 phút khởi động và nạp nguyên liệu, củi trấu sẽ được ép thành công. Cứ 1kg trấu sẽ cho ra 1kg củi trấu thành phẩm. Do trong bản thân của vỏ trấu đã có chất kết dính nên trong quá trình sản xuất, dưới tác dụng của nhiệt ma sát và nhiệt từ khuôn ép đã tạo nên chất kết dính chắc chắn. Củi trấu có độ cứng, chắc tương đương với củi thông thường. Thế nên tôi cho rằng, chúng ta có thể áp dụng trong sản xuất củi trấu quy mô lớn.
Nhưng chất lượng củi trấu liệu có thay thế được các chất đốt thông thường khác, thưa anh?
Các nhà khoa học cho biết, 1kg củi khô cho nhiệt lượng 2100 kl. Trong khi đó, 1kg củi trấu cho nhiệt lượng khoảng 3900 kl, cao gấp gần hai lần so với củi thường. Giá củi trấu cũng rẻ hơn củi thường từ 200 – 400 đồng/kg. Hiện nay, nhiều công ty đã chuyển từ dùng than đá sang dùng củi trấu để hạn chế ô nhiễm, bảo vệ môi trường. Tôi xin dẫn ra một ví dụ là công ty cổ phần Prime Phong Điền. Công ty này đã thay thế việc sử dụng than đá bằng củi trấu trong quá trình sấy cát, sản xuất men gạch. Mỗi ngày công ty này tiêu thụ khoảng 3 tấn củi trấu.
Anh đã bao giờ nghĩ tới sản xuất những chiếc máy ép củi trấu với công suất lớn?
Hiện nay tôi sản xuất nhiều loại máy với công suất khác nhau. Có loại có công suất từ 250 – 300kg củi trấu/giờ hoặc có loại từ 550 –650kg củi trấu/giờ. Việc sản xuất này còn tùy thuộc vào thị trường tiêu thụ. Nếu nhu cầu thị trường lớn thì chắc chắn tôi sẽ sản xuất những chiếc máy có công suất lớn hơn.
Vậy anh đánh giá tiềm năng của loại máy này trong tương lai như thế nào?
Những năm qua, trung bình tôi bán ra thị trường khoảng 45 máy/năm (với doanh thu khoảng gần 3 tỷ đồng – PV). Sản phẩm của tôi cũng được bà con cũng như các cơ quan chức năng đánh giá cao. Năm 2012, sản phẩm được bình chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực miền Trung – Tây Nguyên. Năm 2013, sản phẩm được bình chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh Thừa Thiên Huế. Năm 2017, tôi đoạt danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc … Nói như vậy để thấy rằng, tiềm năng của chiếc máy ép củi trấu là rất lớn nếu chúng ta biết nắm bắt và tận dụng.
Dự định của anh trong thời gian tới là như thế nào?
Tôi sẽ tiếp tục cải tiến chiếc máy để chất lượng sản phẩm ngày càng cao. Song song với đó, việc quảng bá, giới thiệu chiếc máy tới người nông dân là vô cùng quan trọng. Tôi biết hiện nay vẫn còn nhiều vùng, nhiều tỉnh vẫn loay hoay trong việc xử lý vỏ trấu. Xa hơn nữa, tôi dự định sẽ xuất khẩu máy móc sang những nước lân cận có nền nông nghiệp giống như chúng ta như: Lào, Camphuchia …
Cảm ơn anh và chúc anh thành công!