Bèo bọt kinh phí khoán bảo vệ rừng

19/09/2017 00:00

Tỉnh Thanh Hóa có diện tích đất lâm nghiệp lớn, nhưng nhìn chung lợi ích từ vốn rừng mang lại chưa thể giúp người dân miền núi ổn định cuộc sống. Nhiều gia đình rơi vào thế khó, phải “bán rừng”.

Ông Lê Quốc Việt, Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa, chia sẻ: Thực hiện theo Nghị định số 02/1994/NĐ-CP và 163/1999/NĐ-CĐ, đến nay toàn tỉnh Thanh Hóa đã bàn giao được hơn 570.306/647.677ha đất lâm nghiệp, trong đó trên 337.000ha giao cho tổng cộng 78.975 hộ dân, chiếm 52% diện tích đất lâm nghiệp trên địa bàn. Do thiếu hụt kinh phí trầm trọng nên thực chất mới chỉ tiến hành giao đất lâm nghiệp là chính chứ chưa đi kèm với giao rừng, điều này dẫn đến tình trạng “cái sảy nảy cái ung”.

Ông Việt bày tỏ quan điểm: “Giao đất chưa giao rừng đồng nghĩa với việc không xác định được giá trị tài sản trên đất (lâm sản) và lượng tăng trưởng hàng năm để gắn trách nhiệm, quyền lợi chủ rừng”.

Đa phần cuộc sống của người dân miền núi còn khó khăn do lợi ích kinh tế từ rừng mang lại chưa tương xứng
Đa phần cuộc sống của người dân miền núi còn khó khăn do lợi ích kinh tế từ rừng mang lại chưa tương xứng

Chi tiết hơn, do chưa xác định được trữ lượng, sản lượng, chất lượng, giá trị tài nguyên rừng và tài sản cụ thể trên đất lâm nghiệp nên các chủ rừng dù có muốn cũng không thể tiến hành chuyển nhượng vì không có đầy đủ cơ sở pháp lý. Ngoài ra, đây cũng được xem là rào cản trong quá trình vay vốn và hưởng chính sách đền bù khi nhà nước tiến hành thu hồi…

Theo ông Lê Xuân Cải, Trưởng phòng Quản lý bảo vệ rừng (Chi cục Kiểm lâm), để thực hiện song hành thì kinh phí rơi vào khoảng 100 tỷ đồng (tiền thuê đơn vị tư vấn xác định hiện trạng rừng chiếm đến 85%), tính ra mỗi hecta tiêu tốn trên dưới 110.000 đồng, trước mắt tỉnh chưa thể cân đối được nguồn này. Trong bối cảnh phải “liệu cơm gắp mắm”, hiện chỉ mới triển khai thí điểm được 42.000ha tại địa bàn 5 xã của huyện Thường Xuân vào năm 2015.

Quá trình khảo sát thực tế PV nhận thấy, do đặc thù từng vùng nên tỷ lệ giao khoán đất không đồng đều; bà con miền rừng có chung một nhận định, kinh phí hỗ trợ èo uột chưa thể giúp họ ổn định cuộc sống.

Cụ thể, với định mức 300.000 đồng/ha/năm áp dụng cho rừng đặc dụng và phòng hộ (Quyết định 38/2016/QĐ-TTg); 400.000 đồng khoán BVR phòng hộ và sản xuất (Nghị định 75/2015/NĐ-CP) hay mức 200.000 đồng áp dụng với rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng tự nhiên là rừng sản xuất (Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP) tính ra mỗi gia đình chỉ nhận được tối đa… từ 2 - 3 triệu đồng/ha/năm, quá “hẻo” so với công sức bỏ ra.

Bèo bọt là thế nhưng người dân thường phải chờ dài cổ mới cầm được tiền trong tay, chưa kể số tiền thực nhận thường bị hao hụt đi nhiều. Chi tiết hơn, theo kế hoạch năm 2016 thì 7 huyện 30a trên địa bàn được hỗ trợ mức 300.000 đồng/ha nhưng rốt cuộc chỉ được chi trả 124.000 đồng, hay như năm nay nâng lên mức 400.000 đồng/ha nhưng con số thực nhận chỉ là 263.000 đồng. Chưa kể 20 huyện, thị xã, thành phố nằm ngoài vùng 30a đến nay còn chưa được phân bổ nguồn của năm 2017.

Riêng kinh phí chi trả dịch vụ môi trường rừng còn thảm hại hơn nhiều (343.304,67ha được chi trả), nơi cao nhất cũng chỉ đạt 65.000 đồng/ha/năm, còn thấp nhất chỉ… 2.000 đồng/ha/năm.

Nhận định về chính sách bảo vệ áp dụng đối với 3 loại rừng hiện nay, ngành lâm nghiệp tỉnh kết luận: Mức khoán thấp, chưa tương xứng với công sức của hộ nhận khoán BVR.

Không thể trông chờ vào từng đồng hỗ trợ ít ỏi nói trên, nhiều hộ đã tính đến phương án xin chuyển đổi, thế nhưng thủ tục rườm rà với quá nhiều công đoạn thực sự là rào cản.

Cụ thể tại điểm b, Điều 7 của Thông tư 23/2013/TT-BNNPTNT Quy định về cải tạo rừng tự nhiên nghèo kiệt thành rừng sản xuất nêu rõ: “Đối với chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư thôn, khi đề nghị cải tạo rừng phải nêu rõ địa chỉ, mục tiêu cải tạo rừng, địa điểm, vị trí, ranh giới và lô, khoảnh, tiểu khu rừng cải tạo, hiện trạng rừng, phương thức cải tạo, loài cây trồng, thời hạn hoàn thành”.

Thực tế khi đề cập đến vấn đề này đa phần bà con đều rất mù mờ, có hộ thắc mắc: “Hiện trạng là đất sản xuất, được cấp trích lục hẳn hoi nhưng chúng tôi không được phép trồng cây, trong khi cán bộ và công ty làm thì không vấn đề gì” (?!).

Theo Nông nghiệp VN

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bèo bọt kinh phí khoán bảo vệ rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO