(TN&MT) - PGS Nguyễn Thị Minh Thái không hề biết mình bị bệnh. Khi bà bị đau bụng, phải vào bệnh viện cấp cứu, sau khi mổ xong mới biết là ung thư.
Mới đây, tại buổi chia sẻ với sinh viên trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn về vấn đề “Ung thư, ghép tạng và những thách thức với truyền thông y tế”, PGS Nguyễn Thị Minh Thái đã chia sẻ về câu chuyện điều trị ung thư của mình.
Với PGS Thái, mọi người chỉ nghe đến từ ung thư, những con số báo động về ung thư đã thấy khủng khiếp, nhưng khi trở thành bệnh nhân ung thư rồi thì sự khủng khiếp đó còn lớn hơn rất nhiều.
PGS Thái không hề biết mình bị bệnh. Khi bà bị đau bụng, phải vào bệnh viện cấp cứu, sau khi mổ xong mới biết là ung thư.
Theo chia sẻ của PGS, khi xuống Bệnh viện K, bác sĩ không thể điều trị cho bà vì vừa hậu phẫu, hóa trị và thêm tiểu đường, bà được bác sĩ khuyên về uống thuốc. Bà về và uống thuốc đến tháng thứ 4. “Sau đó, tôi điều trị hóa trị 12 đợt. Trong suốt đợt điều trị vừa tiêm thuốc và đeo thuốc tôi vẫn vừa đi làm, tham gia sự kiện như lên chương trình Giai điệu tự hào, mà không ai hay biết”, PGS. Thái kể lại.
PGS Nguyễn Thị Minh Thái biết bị ung thư sau ca mổ đau bụng |
Là bệnh nhân ung thư, PGS Thái cho rằng, bệnh ung thư cần phải được kiểm soát và những người bị bệnh phải được giải thích và điều trị.
GS. Trịnh Hồng Sơn cũng cho biết, PGS. Nguyễn Thị Minh Thái bị ung thư biểu mô tuyến đại tràng và đã làm phẫu thuật điều trị. Tại Việt Nam bệnh nhân phát hiện ung thư đại trực tràng giống như PGS Thái không phải hiếm, chỉ đến khi tắc ruột, đau bụng mổ cấp cứu mới phát hiện ra ung thư.
Theo một khảo sát mới đây, mỗi năm Việt Nam có thêm vài chục ngàn người mắc bệnh ung thư đại trực tràng, trong số đó chỉ có khoảng 1/3 được chẩn đoán sớm, còn lại hơn một nửa trong số đó tử vong. Theo thống kê, Việt Nam chi tới gần 9 nghìn tỷ đồng hàng năm để điều trị cho căn bệnh này, chưa kể những bệnh nhân tự đi nước ngoài chữa bệnh.
Ung thư đại trực tràng dù là căn bệnh nguy hiểm, nhiều người mắc, nhưng nếu phát hiện sớm, điều trị kịp thời thì chỉ 11% tái phát trong năm đầu tiên. Nhiều bệnh nhân đã sống khỏe mạnh hơn 20 năm sau khi phát hiện bệnh, hiện đã ngoài 80 tuổi.
Vì vậy, việc phát hiện sớm bệnh ung thư đại trực tràng là điều hết sức quan trọng, ảnh hưởng tiên quyết đến kết quả điều trị. Tuy nhiên, nhiều người đã bỏ lỡ cơ hội được chữa khỏi hoàn toàn bệnh hoặc khả năng kéo dài sự sống chỉ vì… sợ đi khám bệnh, trong đó sợ nhất là nội soi đại tràng.
Mặc dù người dân được khuyến cáo là cần quan tâm đến các dấu hiệu như rối loạn tiêu hóa (tiêu chảy, táo bón không rõ nguyên nhân), phân có máu, đau bụng không rõ nguyên nhân, chán ăn, sụt cân…, nhưng đây vẫn là những dấu hiệu khá muộn.
Trên thực tế, y học hiện đại đã có những biện pháp giúp phát hiện sớm nguy cơ mắc các bệnh ung thư, đặc biệt là ung thư đại trực tràng.
Theo các nhà khoa học kháng nguyên carcinoembryonic (CEA) có thể tìm thấy trong nhiều tế bào khác nhau của cơ thể, nhưng thường liên kết với các khối u nhất định và sự phát triển của thai nhi. CEA có thể tăng trong nhiều bệnh lý như các bệnh ác tính, đặc biệt là ung thư đại tràng và người hút thuốc lá cũng có thể làm tăng lượng CEA.
Những bệnh ung thư khác như ung thư tuyến tụy, dạ dày, vú, phổi, buồng trứng và tuyến giáp hay hút thuốc, nhiễm trùng, bệnh viêm ruột, viêm tụy, xơ gan và một số khối u lành tính cũng có thể có nồng độ CEA tăng cao.
Một bác sỹ ở Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC, xét nghiệm CEA được thực hiện hàng ngày trên hệ thống máy Cobas 8000 và miễn dịch Architect của Abbott. Mẫu bệnh phẩm có thể là huyết thanh, huyết tương và không liên quan đến bữa ăn. Định lượng nồng độ CEA được khuyến cáo chỉ định trước và 3 tháng/ lần trong vòng 2 năm đầu sau phẫu thuật cắt bỏ ung thư đại trực tràng.
Tâm Lợi