Thạc sĩ Ngô Thị Ngọc Thủy - Trưởng Phòng Bệnh và Môi trường, Phân viện Nghiên cứu thủy sản Nam Sông Hậu cho biết, nguyên nhân gây nghêu chết tại Bến Tre không phải là hiện tượng bất thường hay do dịch bệnh. Vào tháng 3 đến tháng 4 dương lịch hàng năm, nghêu đang trong mùa sinh sản, chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố môi trường bất lợi như nhiệt độ cao, độ mặn cao.
Cụ thể, nghêu chết đã diễn ra vào thời điểm có thời gian phơi bãi kéo dài, đặc biệt là thời gian phơi bãi vào ban ngày và nhiệt độ bãi trong thời gian này cao, hàm lượng Vibrio tổng trong nước, trong bùn cao, mật độ nuôi quá dầy. Về kết quả đã xác định chỉ có biến đổi độ mặn, nhiệt độ trung bình của không khí và thời gian phơi bãi có liên quan đến hiện tượng nghêu chết.
Theo Thạc sĩ Ngô Thị Ngọc Thủy, tình hình nghêu chết thường xảy ra vào mùa nắng nóng từ tháng 1 đến tháng 3 âm lịch hàng năm. Để tránh rủi ro, các vùng nuôi nghêu nên thu hoạch nghêu đạt kích cỡ thương phẩm trước tháng 1 âm lịch hàng năm. Khi nghêu chưa đạt kích cỡ thương phẩm nên được san thưa phòng thiệt hại.
Trước mùa nghêu thường chết, nên di chuyển nghêu thương phẩm xuống vùng hạ triều, không nuôi vùng cao triều để tránh bãi nghêu bị phơi nắng trong thời gian dài. Ngoài ra, khi nghêu nuôi có dấu hiệu bất thường hoặc chết, phải báo ngay cho các ngành chức năng để có thể phát hiện các nguyên nhân hay tác nhân gây bệnh ở giai đoạn sớm nhất để giảm thiểu tổn thất.
Theo số liệu thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh Bến Tre, toàn tỉnh hiện có khoảng 4.000ha nuôi nghêu, tập trung tại 9 hợp tác xã thuộc 3 huyện biển là Ba Tri, Bình Đại và Thạnh Phú. Sản lượng khai thác hàng năm trên dưới 4.700 tấn nghêu thịt, 300 tấn nghêu giống. Trong những tuần qua, các hợp tác xã xảy ra tình trạng nghêu chết hàng loạt, tổng sản lượng thiệt hại khoảng 218 tấn, giá trị thiệt hại khoảng 5,6 tỷ đồng.