Ông Trần Ngọc Tam - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre phát biểu khai mạc |
Đến tham dự Hội thảo có: đại diện Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, Bộ Tư lệnh Quân khu 9, Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân, Bộ Chỉ huy Lữ đoàn Hải quân 125, Ban Liên lạc Đoàn tàu Không số, Bộ Chỉ huy Lữ đoàn 692 Quân khu 9, Viện Khoa học xã hội vùng Nam bộ; cùng đại diện Tỉnh ủy, Ban Tuyên giáo các tỉnh, thành: Cà Mau, Trà Vinh, Bà Rịa - Vũng tàu, Phú Yên, TP.HCM…
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Trần Ngọc Tam - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho biết: “Cách nay 75 năm, trong kháng chiến chống Pháp, từ vùng ven biển xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú (Bến Tre), đầu năm 1946, theo sự chỉ đạo của Khu ủy, Tỉnh ủy Bến Tre đã tổ chức thành công chuyến vượt biển đầu tiên đưa đoàn cán bộ Khu 8 ra miền Bắc báo cáo với Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh về tình hình kháng chiến ở Nam Bộ, đồng thời xin Trung ương chi viện vũ khí cho miền Nam.
Đến giữa năm 1946, theo lệnh của Trung ương, đồng chí Nguyễn Thị Định, với tư cách là Thuyền trưởng chỉ huy con tàu không số đã vượt trùng dương từ Phú Yên mang chuyến hàng quân sự đầu tiên từ miền Bắc về đến Bến Tre khoảng giữa tháng 12/1946 giao cho Khu 8”.
Theo ông Trần Ngọc Tam, tuy chưa có những tư liệu lịch sử khẳng định chính chuyến vượt biển đó góp phần hình thành cơ sở cho Trung ương đề ra chủ trương về mở đường Hồ Chí Minh trên biển trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, nhưng thực tế đã có chuyến chở vũ khí đầu tiên từ Bắc vào Nam về đến bến Thạnh Phong, Thạnh Phú, Bến Tre.
Chuyến đi này đã mở ra con đường vận chuyển, tiếp tế vũ khí của Trung ương từ miền Bắc cho chiến trường miền Nam là một thực tế lịch sử. Đó là một sự kiện đáng tự hào, thể hiện tinh thần tiên phong, sáng tạo mở đường, mở bến để đưa vũ khí từ Bắc vào Nam của Đảng bộ, quân và dân Bến Tre trong những ngày đầu kháng chiến chống Pháp.
Toàn cảnh buổi Hội thảo |
Gần 14 năm hình thành và phát triển trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta, con đường vận tải chiến lược này là cầu nối giữa hậu phương lớn miền Bắc, chi viện trực tiếp đến những chiến trường xa nhất, khó khăn nhất như Nam Bộ, Nam Trung Bộ và vùng ven biển Khu 5, trở thành con đường huyết mạch với bao kỳ tích anh hùng.
Ông Trần Ngọc Tam nhấn mạnh, Hội thảo hôm nay đồng thời là dịp để chúng ta đi sâu phân tích tìm hiểu tiềm năng, thế mạnh và vai trò, vị thế của kinh tế biển trong hiện tại và tương lai, nhất là với địa phương Bến Tre với thế mạnh 65 km đường bờ biển để xoay trục phát triển về hướng Đông, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng và tình hình xâm nhập mặn ngày càng sâu vào đất liền để phát triển bền vững quê hương trong trung và dài hạn.
Tham luận tại Hội thảo, Thiếu tướng Đoàn Thanh Xuân - Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh Quân khu 9 thông tin: Sau thắng lợi của phong trào Đồng khởi đầu năm 1960, đã mở ra bước ngoặt mới cho cách mạng miền Nam, từ thế giữ gìn lực lượng chuyển sang thế tiến công, nhu cầu về vũ khí, trang thiết bị quân sự là vấn đề đặt ra hết sức cấp bách. Tuyến vận tải chiến lược xuyên Trường Sơn tuy đã đi vào hoạt động, nhưng vẫn chưa thể chi viện được tới chiến trường Nam Bộ. Để đáp ứng yêu cầu của cách mạng miền Nam, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định tiếp tục mở tuyến vận tải chiến lược bằng đường biển chi viện cho chiến trường Nam Bộ đánh Mỹ.
Đường Hồ Chí Minh trên biển là tên gọi của tuyến đường vận tải quân sự do Hải quân nhân dân Việt Nam và Quân giải phóng miền Nam Việt Nam thực hiện bí mật bằng những Đoàn tàu không số trên Biển Đông trong chiến tranh, để vận chuyển vũ khí, cán bộ từ miền Bắc vào chi viện cho Quân giải phóng miền Nam. Đó không chỉ là phương thức chi viện mới hết sức quan trọng, trực tiếp cho các chiến trường ven biển miền Nam mà còn là một sáng tạo chiến lược, một biểu tượng sáng ngời về tài thao lược, nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh nhân dân, một quyết định chiến lược sáng suốt của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh, góp phần quan trọng cho sự toàn thắng trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Thiếu tướng Đoàn Thanh Xuân - Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh Quân khu 9 tham luận tại Hội thảo |
Thiếu tướng Đoàn Thanh Xuân khẳng định, đường Hồ Chí Minh trên biển là một kỳ tích - chiến công đã trở thành huyền thoại trường tồn trong lòng dân tộc, để lại những bài học vô giá trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thạnh Phú, Ba Tri, Bình Đại được mặc định nơi đầu sóng ngọn gió, đứng ở vị trí tiên phong hướng ra biển và đã được quy hoạch xây dựng tuyến đường động lực và hành lang kinh tế ven biển với cảng nước sâu, trung tâm logistics, cụm công nghiệp, năng lượng sạch, nuôi trồng, chế biến thủy hải sản, du lịch, dịch vụ… nhiều tiềm năng phát triển trong tương lai không xa.
Còn theo ông Nguyễn Trúc Sơn – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bến Tre, tỉnh nằm cuối nguồn sông Cửu Long với chiều dài bờ biển trên 65 km và vùng biển đặc quyền kinh tế gần 20.000 km2 đã tạo lợi thế lớn trong phát triển kinh tế biển. Trong thời gian qua, Bến Tre đã tận dụng và khai thác, phát huy hiệu quả kinh tế khu vực biển, đóng góp lớn vào tăng trưởng chung của cả tỉnh, nhất là trên lĩnh vực thủy sản, du lịch.
Với mục tiêu “phát huy sức mạnh đoàn kết, tinh thần Đồng khởi, ý chí, khát vọng vươn lên của người Bến Tre”, trong giai đoạn mới, tỉnh Bến Tre sẽ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp trọng tâm, đột phá để phấn đấu trở thành tỉnh phát triển khá của khu vực ĐBSCL vào năm 2025 và của cả nước vào năm 2030; đặc biệt định hướng phát triển về hướng Đông sẽ mở ra không gian phát triển trên thực địa về hướng biển, tạo ra động lực mới để Bến Tre phát triển nhanh và bền vững.
Dâng hương, dâng hoa tại Khu di tích lịch sử quốc gia đầu cầu tiếp nhận vũ khí Bắc – Nam, đường Hồ Chí Minh trên biển tại Bến Tre |
Ông Nguyễn Trúc Sơn cho rằng, bên cạnh việc tăng cường liên kết với các tỉnh trong Tiểu vùng để triển khai các hoạt động đã ký kết, tỉnh Bến Tre cũng tiếp tục tăng cường liên kết, hợp tác với các địa phương khác trong khu vực để khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh về kinh tế biển của từng địa phương, nhất là trong lĩnh vực hạ tầng giao thông thủy/bộ, logistics, du lịch, năng lượng sạch, chế biến thủy sản, khai thác cảng biển…
Song song đó, UBND tỉnh Bến Tre cũng sẽ tích cực và chủ động tham gia các hoạt động liên kết vùng ĐBSCL với vai trò là thành viên Hội đồng điều phối vùng, nhằm góp phần cùng với các địa phương phát triển vùng ĐBSCL trở thành khu vực năng động và thịnh vượng trong thời gian tới
Trước đó, nằm trong chuỗi hoạt động của sự kiện, tỉnh Bến Tre đã tổ chức tham quan Bến A101 tại xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú; dâng hương, dâng hoa tại Khu di tích lịch sử quốc gia đầu cầu tiếp nhận vũ khí Bắc – Nam, đường Hồ Chí Minh trên biển tại xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú; họp mặt Ban Liên lạc Bến A101 và giao lưu với các nhân chứng lịch sử, tặng quà cho các gia đình chính sách…