Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, ông Trịnh Minh Khôi - Phó Giám đốc Sở TN&MT Bến Tre cho biết: Việc bảo tồn ĐDSH đã được tích hợp vào Quy hoạch vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định số 287/QĐ-TTg ngày 28/2/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Tại Bến Tre, các thế mạnh, tiềm năng phát triển kinh tế của tỉnh như nuôi trồng thủy sản, du lịch sinh thái, trồng trọt, hoa kiểng phát triển dựa trên các vùng đất ngập nước ven sông, ven biển, khu vực có ĐDSH cao.
Theo ông Trịnh Minh Khôi, quan điểm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bến Tre là phát triển kinh tế hài hòa với bảo vệ môi trường, thiên nhiên, không đánh đổi môi trường với lợi ích kinh tế. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có vùng đất ngập nước quan trọng “Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Thạnh Phú”. Bên cạnh đó, tỉnh còn các khu vực đất ngập nước giá trị khác như Sân chim Vàm Hồ, khu vực bãi bồi các vùng cửa sông và rừng ngập mặn ven biển.
Ông Trịnh Minh Khôi cho rằng, hiện nay, hiện trạng ĐDSH ở tỉnh đã thay đổi so với thời gian trước, môi trường sinh thái tự nhiên xáo trộn trước tác động của xâm nhập mặn, biến đổi khí hậu, các công trình đê bao kép kín, phát triển đô thị,... tác động có thể làm giảm số lượng loài bản địa, cũng có thể xuất hiện các loài mới, loài ngoại lai xâm hại do môi trường thay đổi. Do đó, tại Hội thảo, mong nhận được ý kiến thảo luận, đóng góp từ các cơ quan, đơn vị, địa phương và những người hiểu rõ về vùng đất, môi trường, cây cối, giá trị thiên nhiên của tỉnh Bến Tre để đề xuất, xây dựng các giải pháp bảo tồn ĐDSH trong thời gian tới.
Báo cáo tóm tắt nội dung, kết quả thực hiện công việc thực hiện đánh giá hiện trạng và đề xuất nhiệm vụ bảo tồn ĐDSH tỉnh Bến Tre giai đoạn năm 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, các chuyên gia thuộc Liên danh Viện Khoa học Môi trường & Biến đổi khí hậu và Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: Tỉnh Bến Tre được đánh giá là khu vực có tính ĐDSH cao, trong đó bao gồm cả các hệ sinh thái, một số hệ sinh thái được coi là đặc trưng cho khu vực ĐBSCL, tiêu biểu như cồn cát, vùng cửa sông, đồng muối, vườn cây ăn quả...
Theo các chuyên gia, hiện trạng ĐDSH ở tỉnh Bến Tre phản ánh kết quả của mối tương tác giữa con người và những quy luật tự nhiên trong một thời gian dài. Tuy vậy, hiện nay nhiều hệ sinh thái tự nhiên dần bị thay thế bởi các hệ sinh thái bán tự nhiên và nhân tác. Đã xác định được 8 hệ sinh thái cơ bản ở Bến Tre, gồm rừng, nông nghiệp trên cạn, vườn, thủy vực, đồng muối, khu dẫn cư, ao nuôi và đồng ruộng.
Trong mỗi hệ sinh thái, thảm thực vật luôn đóng vai trò quan trọng. Hệ thực vật tự nhiên tại Bến Tre đang dần bị thu hẹp về diện tích dưới những tác động của hiện tượng biến đổi khí hậu và tác động từ hoạt động của con người. Sự thu hẹp của các quần thể thực vật tự nhiên, đã làm cho môi trường sống của các loài động vật hoang dã bị suy thoái và thu hẹp. Kết quả của hiện tượng trên dẫn đến số lượng loài cũng như số lượng cá thể có chiều hướng suy giảm ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Bến Tre.
Các chuyên gia cho rằng, qua 2 đợt khảo sát, đánh giá năm 2021 và 2022, đến thời điểm hiện tại đơn vị tư vấn là Liên danh Viện Khoa học Môi trường & Biến đổi khí hậu và Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội đã bước đầu hoàn thành kết quả nghiên cứu, đánh giá, đề xuất cho ĐDSH tỉnh Bến Tre. Địa điểm nghiên cứu gồm toàn bộ địa bàn tỉnh Bến Tre. Khảo sát tại hầu hết các hệ sinh thái có trên địa bàn tỉnh, trong đó tập trung vào 9 hệ sinh thái cơ bản: đồng ruộng, nông nghiệp trên cạn, vườn, rừng, đồng cỏ, đồng muối, ao nuôi, khu dân cư, thủy vực.
Về xây dựng các nhiệm vụ bảo tồn ĐDSH tỉnh Bến Tre đến năm 2030, định hướng đến năm 2050, các chuyên gia đề xuất trong thời gian tới, tỉnh Bến Tre cần tập trung thực hiện 8 nhiệm vụ trọng tâm chủ yếu như: xây dựng các nhiệm vụ về tuyên truyền nâng cao nhận thức về bảo tồn ĐDSH; xây dựng các nhiệm vụ đầu tư thành lập hành lang ĐDSH và mở rộng khu bảo tồn; xây dựng các nhiệm vụ phát triển các khu nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nuôi trồng thủy sản.
Đồng thời, xây dựng các vườn thực vật, trại cứu hộ, thuần dưỡng, các loài vật nuôi, cây trồng bản địa và quý hiếm; xây dựng chương trình giám sát, quan trắc về ĐDSH; xây dựng các nhiệm vụ về bảo tồn ĐDSH trong bối cảnh biến đổi khí hậu; xây dựng các nhiệm vụ về tăng cường năng lực cho cơ quan quản lý ĐDSH; và xây dựng các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học về bảo tồn ĐDSH.
Tại Hội thảo, các đại biểu tham dự cũng đã tập trung thảo luận vào các nội dung như: kết quả điều tra, đánh giá so với thực tế hiện trạng của tỉnh Bến Tre, sát thực tế các cơ quan quản lý rừng, trên địa bàn các địa phương hay không? Có loài nguy cấp, quy hiếm nào hiện có trên địa bàn tỉnh chưa được tìm thấy trong báo cáo kết quả điều tra, đánh giá hay chưa?
Đồng thời, Hội thảo cũng làm rõ về công tác quản lý ĐDSH, việc phối hợp của các cơ quan, đơn vị, địa phương; nguồn gen cây trồng, vật nuôi của địa phương có giá trị kinh tế; việc kiểm soát loài ngoại lai xâm hại; những đề xuất cho bảo tồn ĐDSH của tỉnh trong thời gian tới; và các khó khăn, vướng mắc trong thực hiện nhiệm vụ, hoạt động bảo tồn ĐDSH...
Kết luận Hội thảo, ông Trịnh Minh Khôi - Phó Giám đốc Sở TN&MT Bến Tre cho biết, trên cơ sở kết quả hội thảo, Sở TNMT Bến Tre sẽ phối hợp với đơn vị tư vấn để hoàn thành báo cáo kết quả dự án, trình xin ý kiến Cục Bảo tồn thiên nhiên và ĐDSH, sau đó sẽ tổ chức Hội đồng cấp tỉnh nghiệm thu dự án, trình phê duyệt làm cơ sở tham mưu UBND tỉnh xem xét, ban hành kế hoạch hành động bảo tồn ĐDSH tỉnh Bến Tre đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Đồng thời, kết quả dự án cũng là cơ sở khoa học, thực tiễn cho việc đề xuất bảo tồn ĐDSH vào Quy hoạch tỉnh, Quy hoạch Bảo tồn ĐDSH Quốc gia.