Bến Tre: Người dân vùng biển bức xúc vì bị ảnh hưởng bởi công trình điện gió

Bạch Thanh| 19/11/2021 17:33

(TN&MT) - Trong quá trình thi công các trụ tuabin của công trình nhà máy điện gió đã làm ảnh hưởng đến nguồn nước ngọt, nhà cửa, cây trồng… của nhiều hộ dân vùng ven biển Bến Tre. Mặc dù suốt nhiều tháng dài người dân kiến nghị, yêu cầu được bồi thường, hỗ trợ nhưng chưa được giải quyết dứt điểm, thì nay chủ đầu tư lại khởi kiện một cá nhân ra Tòa “buộc” bồi thường thiệt hại vì hành vi cản trở việc thi công, xây dựng.

Người dân phản ánh về ảnh hưởng của công trình điện gió

Người dân bức xúc vì bị ảnh hưởng

Phản ảnh đến Báo TN&MT, nhiều người dân tại khu vực Cồn Lợi, thuộc ấp Thạnh Thới B, xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú (Bến Tre) cho biết: Dự án Nhà máy điện gió Thanh Phong (của Công ty CP năng lượng Ecowin) suốt nhiều tháng qua tổ chức xây dựng công trình các trụ tuabin đã làm nguồn nước nhiễm mặn, đặc biệt là trong quá trình ép cọc dẫn tới tường nhà bị nứt, gây hư hại đến nhiều tài sản có giá trị nhưng chưa được hỗ trợ, bồi thường thỏa đáng.

Về nguyên nhân, theo người dân, Nhà máy điện gió Thanh Phong thuê đất của ông Bùi Văn Trình tại Cồn Lợi diện tích 5.000 m2, trong đó có 01 cái ao sâu chứa nước biển mặn. Vào giữa tháng 5/2021, dự án điện gió cho bơm cát từ nơi khác vào phần đất của ông Trình làm nước mặn xâm nhập, ảnh hưởng đến cây trồng xung quanh. Cùng với đó, gần khu vực trụ tuabin số 3 có nhiều hộ dân cũng bị nhiễm mặn, do trong quá trình thi công đào hố móng đã bơm nước ngọt tầng nông bỏ ra biển nên làm cạn kiệt nguồn nước ngọt, khô chết hoa màu.

Người dân cho rằng, trước đây, khi tiến hành xây dựng công trình, chủ đầu tư chỉ thỏa thuận về đất đai, hoa màu tại mặt bằng xây dựng trụ tuabin. Còn đối với việc thi công ảnh hưởng bởi độ rung chấn, phạm vi ảnh hưởng như thế nào thì chưa được trao đổi bàn bạc, không có thống nhất để bồi thường, hỗ trợ. Vì yêu cầu nhiều lần nhưng không được giải quyết dứt điểm, nên người dân tập trung cản trở thi công. Đỉnh điểm là đến ngày 15/7 vừa qua, công trình vẫn tiếp tục xây dựng có sự hỗ trợ khá đông của lực lượng “bảo vệ thi công” dẫn đến xô xát, gây thương tích…

Trao đổi với phóng viên, nhiều bà con nơi đây tỏ ra khá bức xúc và cho biết: “Rất đồng tình với việc thu hút đầu tư và dự án điện gió để đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Tuy nhiên, từ khi dự án xây dựng, làm ô nhiễm, mất nguồn nước ngọt phục vụ trong sinh hoạt và sản xuất, đã có hộ phải mua nước ngọt vận chuyển từ nơi khác tới sử dụng; năng suất thu hoạch cây sắn mùa vụ này đã giảm đáng kể; tường nhà ở cách xa hơn trăm mét vẫn bị xé rách, sụp lún… thiệt hại khá nhiều nhưng vẫn chưa được thống nhất hỗ trợ, bồi thường”.

Người dân bức xúc vì công trình thi công gây ảnh hưởng nhưng không được bồi thường, hỗ trợ thỏa đáng

Tập thể làm, cá nhân bị kiện

Chị Phan Thị Ngọc Giàu (sinh năm 1986), ngụ ấp Thạnh Thới B, xã Thạnh Hải (Thạnh Phú) được cha mẹ chồng cho mượn 7 công đất để trồng sắn. Trong quá trình thi công trụ tuabin số 3 cho rằng gây thiệt hại đến tài sản, chị Giàu cùng với nhiều hộ dân nơi đây cùng nhau ngăn cản, đồng thời có đơn yêu cầu Dự án tạm ngưng thi công và xem xét mức hỗ trợ bồi thường thiệt hại. Tuy vậy, dự án không thực hiện theo yêu cầu nên người dân lại tiếp tục ngăn cản thi công.

Mới đây, chị Giàu nhận được giấy triệu tập của TAND huyện Thạnh Phú đến tham gia giải quyết vụ án “Tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng”. Tại đây, chị Giàu mới vỡ lẽ biết rằng cá nhân mình đã bị Công ty CP Năng lượng Ecowin khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết buộc chị Giàu: “Chấm dứt hành vi vi phạm, hành vi cản trở thi công, xây dựng (do bà Giàu thực hiện hoặc/và lôi kéo người khác thực hiện) tại dự án”, đồng thời “Bồi thường thiệt cho Công ty CP Năng lượng Ecowin do dự án tạm ngừng thi công 5 ngày, với số tiền là 5,955 tỷ đồng”.

Chị giàu bức xúc: “Tôi không lôi kéo ai để cản trở thi công. Việc không đồng ý cho công trình thi công là việc làm của cả tập thể bà con có đất nơi đây, chứ không phải là của một cá nhân hộ gia đình nào. Ở đây, vấn đề thương lượng với các hộ dân chưa được thống nhất nên mới xảy ra sự việc bức xúc của người dân trong suốt thời gian qua. Dự án khởi kiện tôi yêu cầu bồi thường thiệt hại là không có cơ sở, tôi phản đối, không đồng ý”.

Khi được hỏi về việc dự án điện gió khởi kiện chị Giàu ra Tòa, nhiều bà con có đất khu vực này đều thẳng thắn: “Chúng tôi bị ảnh hưởng bởi công trình xây dựng nhưng không được thỏa thuận bồi thường thỏa đáng nên mới đứng ra ngăn cản, không ai lôi kéo, kích xúi. Chúng tôi có cả một tập thể người lớn tuổi, trong khi cô Giàu còn trẻ sao lôi kéo chúng tôi được. Rồi việc Công ty khởi kiện cô Giàu buộc bồi thường thiệt hại cũng là đều bất hợp lý, hoàn toàn vu khống, không đúng sự thật”.

Trụ tuabin số 3 của Dự án Nhà máy điện gió Thanh Phong gây nhiều bức xúc

Kiến nghị đánh giá ảnh hưởng

Làm việc với phóng viên về vấn đề phản ảnh của người dân, bà Nguyễn Thị Hoa - Chủ tịch UBND xã Thạnh Hải (Thạnh Phú) cho biết, Dự án Nhà máy điện gió Thanh Phong trong quá trình thi công 9 trụ tuabin có xảy ra các sự việc do phía địa phương và cả người dân chưa có kinh nghiệm về điện gió như thế nào, nên dẫn đến mâu thuẫn giữa người dân và chủ đầu tư, như: về nguồn nước bị nhiễm mặn, bị rung chấn khi đóng cọc ảnh hưởng nứt nhà… Theo bà Hoa, từ phản ảnh của người dân, UBND xã Thạnh Hải đã làm trung gian làm việc trực tiếp giữa người dân và đơn vị thi công, chủ đầu tư. Tuy nhiên, qua nhiều lần làm việc, cả hai bên vẫn chưa đi đến thống nhất và dẫn đến những việc không hay. 

Còn ông Mai Văn Hùng - Phó Chủ tịch UBND huyện Thạnh Phú cho rằng, trong quá trình thi công các trụ tuabin gió của Nhà máy điện gió Thanh Phong, UBND xã Thạnh Hải đã tiếp nhận các ý kiến kiến nghị của hộ dân để báo cáo huyện. Cụ thể, khi lắp đặt, vận hành đưa vào sử dụng cánh quạt trụ tuabin có ảnh hưởng đến nhà ở, nguồn nước, trồng trọt, chăn nuôi và sinh hoạt của người dân không? Do địa hình gần biển nên có hiện tượng nước mặn bốc hơi xảy ra sương muối, khi vận hành cánh quạt có làm cho hạt sương muối rớt xuống và ảnh hưởng đến trồng trọt, chăn nuôi và sinh hoạt của người dân không? Và việc đưa vào sử dụng công trình điện gió có ảnh hưởng đến nuôi chim yến không?

Theo ông Hùng, với nội dung kiến nghị của các hộ dân, huyện không có đủ điều kiện trả lời, mà thẩm quyền trả lời thuộc các Sở, ngành tỉnh. Qua đó, UBND huyện Thạnh Phú đã có Tờ trình gửi Sở Công Thương, Sở TN&MT, Sở NN&PTNT và Sở KH&CN Bến Tre cho ý kiến đánh giá mức độ ảnh hưởng khi thi công trụ tuabin dự án Nhà máy điện gió Thanh Phong, để trả lời những nội dung trên cho người dân biết.

Ngày 15/11, thông tin với phóng viên, một vị lãnh đạo Sở TN&MT Bến Tre cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, mặc dù qua nhiều tháng triển khai thi công, Dự án Nhà máy điện gió Thanh Phong thuộc Công ty CP Năng lượng Ecowin vẫn chưa có Quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác môi trường theo quy định.

Tuy vậy, vào ngày 18/11, làm việc với phóng viên, ông Lê Thiên Thịnh - Phó Giám đốc Công ty CP Năng lượng Ecowin cho rằng, dự án này đã được Sở TN&MT Bến Tre có văn bản cho phép "miễn" đánh giá tác động môi trường(?).

Báo TN&MT sẽ tiếp tục theo dõi và thông tin đến bạn đọc về sự việc này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bến Tre: Người dân vùng biển bức xúc vì bị ảnh hưởng bởi công trình điện gió
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO