Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Bến Tre, bà Nguyễn Thị Thúy cho biết: Bến Tre có địa bàn chăn nuôi phân bổ đều khắp các địa phương trong tỉnh như: chăn nuôi bò tập trung ở Ba Tri; chăn nuôi gia cầm tập trung ở các huyện Mỏ Cày Bắc, Giồng Trôm, Châu Thành; chăn nuôi heo tập trung ở các huyện Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc, Giồng Trôm, Châu Thành... Về quy mô chăn nuôi heo trên địa bàn tỉnh ở mức vừa và nhỏ chiếm tỷ lệ khá cao, từ 70 - 80% tổng số cơ sở chăn nuôi, đông nhất là tại xã Cẩm Sơn, huyện Mỏ Cày Nam.
Cũng theo bà Nguyễn Thị Thúy, tình hình ô nhiễm môi trường ở nông thôn ngày càng tăng do chất thải phát sinh từ hoạt động chăn nuôi, chủ yếu là heo, bò và vịt. Các chất thải này nếu không được xử lý triệt để sẽ trở thành một trong những nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí ảnh hưởng đến tính bền vững của nghề chăn nuôi, đồng thời sẽ đe dọa đến môi trường sống và sức khoẻ của cộng đồng.
Trước tình hình ô nhiễm môi trường do thực trạng chăn nuôi diễn biến theo chiều hướng ngày càng phức tạp hơn, tỉnh Bến Tre đã phê duyệt Kế hoạch nhân rộng các mô hình chăn nuôi kiểm soát ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh. Theo đó, từ năm 2018 - 2019, triển khai hỗ trợ mô hình xử lý chất thải ứng với từng quy mô nuôi, đánh giá hiệu quả các mô hình và đề xuất giải pháp nhân rộng mô hình.
Kế hoạch đến năm 2020, sẽ tổ chức tuyên truyền, hội thảo, hội nghị, ứng dụng nhân rộng mô hình trên địa bàn tỉnh. Thời gian này, phấn đấu 80% các hộ chăn nuôi có diện tích chuồng trên 50m2 thực hiện đúng, đầy đủ các thủ tục về bảo vệ môi trường và có hệ thống xử lý chất thải đảm bảo đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường hiện hành, các hộ chăn nuôi còn lại phải có giải pháp xử lý chất thải. Qua đó, hình thành các vùng chăn nuôi trọng điểm gắn với bảo vệ môi trường và an toàn sinh học.
Bà Thúy cho hay, với những mục tiêu đặt ra, các cấp, các ngành và địa phương Bến Tre ban hành nhiệm vụ xây dựng một số mô hình sinh học xử lý chất thải chăn nuôi quy mô nông hộ trên địa bàn tỉnh để làm căn cứ thực hiện. Cụ thể, huyện Mỏ Cày Nam và huyện Mỏ Cày Bắc chọn 3 xã/huyện có mức độ chăn nuôi nhiều nhất, ở mỗi xã tập trung vào 3 quy mô chăn nuôi heo với quy mô nhỏ, có số lượng đầu heo nhỏ hơn 20 con heo; quy mô trung bình nuôi từ 20 đến dưới 30 con heo và quy mô lớn nuôi từ 30 đến dưới 50 con heo.
Kết quả triển khai 3 mô hình túi biogas-chế phẩm sinh học và 6 mô hình biogas-cá cho thấy, tất cả các mô hình tỏ ra hiệu quả đối với hộ chăn nuôi có ít đất hoặc không có mương vườn; đã góp phần thúc đẩy phát triển đa dạng các mô hình cải thiện sinh kế hộ do bởi không tốn tiền mua chất đốt, giảm ô nhiễm môi trường và thu được lợi nhuận từ nuôi cá và sử dụng nước từ các hố tưới cho vườn cây.
Bà Nguyễn Thị Thúy cũng cho rằng, Bến Tre có tiềm năng rất lớn về năng lượng sinh khối, các loại sinh khối chính là: phế thải - phụ phẩm từ cây trồng, chất thải chăn nuôi, các chất thải hữu cơ khác. Khả năng khai thác bền vững nguồn sinh khối cho sản xuất năng lượng ở Bến Tre hoàn toàn thực hiện được trong điều kiện quy mô nông hộ.
Theo bà Thúy, trong bối cảnh nhu cầu năng lượng sạch ngày một gia tăng, thì khả năng cung cấp năng lượng biogas cho đun nấu quy mô nông hộ ở nông thôn càng được quan tâm không chỉ giải quyết ô nhiêm môi trường trong chăn nuôi góp phần phát triển nghề chăn nuôi bền vững, mà còn đảm bảo các tiêu chí về môi trường ở các xã nông thôn mới.
“Từ thực hiện nhiệm vụ xây dựng một số mô hình sinh học xử lý chất thải chăn nuôi quy mô nông hộ trên địa bàn tỉnh Bến Tre, kết quả mang lại thiết thực nhất là giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với xâm nhập mặn và biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh và các vùng có điều kiện tương tự”, bà Nguyễn Thị Thúy khẳng định.