“Bẻ ghi” để tránh “vết xe” ô nhiễm không khí kéo dài: Cải thiện nhờ “tác động kép”

Tuyết Chinh| 21/04/2020 10:56

(TN&MT) - Hai năm trở lại đây, cứ đến độ tháng 3 tới giữa tháng 4 (thời điểm thời tiết miền Bắc giao mùa, thường xảy ra sương mù dày đặc), thông tin về chỉ số chất lượng không khí (AQI) tại Hà Nội luôn làm cộng đồng quan ngại, lo lắng vì mức độ cảnh báo ô nhiễm ảnh hưởng sức khỏe người dân, năm nay, đã có những chuyển biến rõ rệt.

Ông Phạm Hải Dương - Trung tâm Quản lý điều hành dữ liệu quan trắc môi trường (Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội) cho biết, theo kết quả quan trắc, trong 2 tuần thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, tại trạm nền đô thị Trung Yên 3 (đại diện cho khu vực dân cư), nồng độ bụi không chênh lệch nhiều so với 2 tuần trước. Trong khi đó, tại trạm giao thông Minh Khai nồng độ PM10, PM2.5 giảm 10 - 27% thể hiện rõ sự chênh lệch, cho thấy mối tương quan khá rõ nét với lưu lượng giao thông.

Sau khi thực hiện Chỉ thị 16, các nguồn phát sinh khí thải khói bụi giảm mạnh nên chất lượng không khí khu vực nội đô đã được cải thiện hơn, tuy vậy, do điều kiện khí tượng không thuận lợi nên chất lượng không khí trung bình ở đầu tháng 4/2020, vẫn khá đồng đều so với cuối tháng 3, không có nhiều sự thay đổi rõ nét. Còn ở giai đoạn này, điều kiện khí tượng thời tiết diễn biến khá phức tạp, bất lợi hơn, nếu không thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg, nhận định chất lượng không khí sẽ xấu hơn so với thời gian cuối tháng 3.

Chất lượng không khí Hà Nội dần được cải thiện. Ảnh minh họa

Theo ông Dương, những ngày thời tiết sương mù, nhiều mây hạn chế đối lưu không khí, chỉ số AQI dù xuất hiện ở mức kém nhưng không có xấu như trước đây, cụ thể ngày 3/4, AQI dao động từ 107 - 141. Duy có buổi sáng 8 và 9/4, do lưu lượng người tham gia giao thông tăng đột biến so với mấy ngày trước đó, cộng với sương mù đặc quánh, trưa có hửng nắng nên AQI lại chạm mức xấu.

So sánh tỷ lệ AQI vào thời điểm quý I trong 3 năm liên tiếp 2018, 2019 và 2020, ông Dương cho biết, năm 2020 chỉ số AQI đạt mức tốt chiếm tỷ lệ cao nhất trong 3 năm (với từ 12 - 18% số ngày chỉ số chất lượng không khí tốt). Trong khi đó, năm 2019, các trạm giao thông như Phạm Văn Đồng, Hàng Đậu, tỷ lệ những ngày ở mức tốt chỉ đạt 1,1%.

Năm 2018 có tỷ lệ thấp nhất khi 4/10 trạm quan trắc đều không có ngày nào chất lượng không khí ở mức tốt, các trạm khác có tỷ lệ không cao, dao động từ 3 - 9% số ngày tốt trong quý.

“Vào tháng giáp Tết Nguyên đán Canh Tý, chỉ số AQI nhiều khu vực trong nhiều ngày ở mức xấu và kém. Nguyên nhân một phần do thời tiết nhưng phần nhiều do thời gian này lưu lượng tham gia giao thông trên đại bàn thành phố quá cao, cùng đó các công trình xây dựng lại gấp rút tiến độ, hoạt động sản xuất khác cũng tăng cường nhiều hơn nên ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng không khí" - ông Dương lý giải.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Bẻ ghi” để tránh “vết xe” ô nhiễm không khí kéo dài: Cải thiện nhờ “tác động kép”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO