(TN&MT) – Đó là một trong những ý kiến được đưa ra trong buổi Hội thảo “Giải pháp đẩy nhanh xây dựng sân bay Long Thành” được tổ chức vào ngày 28/3 tại TPHCM với sự tham gia của lãnh đạo tỉnh Đồng Nai, Bộ Giao thông Vận tải cùng nhiều chuyên gia và nhà khoa học.
Chủ trương xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành đã được Quốc hội thông qua tháng 6/2015, đây là dự án trọng điểm quốc gia, khi hoàn thành sẽ là cửa ngõ hàng không lớn nhất của cả nước. Dự án cũng được kỳ vọng trở thành cảng hàng không trung chuyển của khu vực mang lại nguồn thu lớn cho ngành hàng không, dần hình thành nên một thành phố sân bay, tạo động lực phát triển cho khu vực Nam Bộ và cả nước. Dự án cũng là lời giải triệt để cho tình trạng quá tải, ách tắc tại sân bay Tân Sơn Nhất.
Tuy nhiên, không ít ý kiến đã cho rằng, việc triển khai dự án ở thời điểm này bị chậm (việc xây dựng một sân bay tại Long Thành – Đồng Nai đã được đề cập từ trước năm 1975 và Chính phủ chính thức có quy hoạch từ năm 2005), làm đất nước ta vuột đi nhiều cơ hội. Vì vậy, việc sớm triển khai, hoàn thành dự án cũng là mong mỏi chung của cả nước; trước hết là người dân và chính quyền Đồng Nai, TPHCM.. Dự án có công suất dự kiến đạt 100 triệu hành khách và 5 triệu tấn hàng hoá mỗi năm.
Theo ông Nguyễn Ngọc Đông - Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, việc xây dựng sân bay Long Thành sẽ là một bước đệm to lớn đối với sự phát triển của lĩnh vực hàng không, nhất là theo dự báo Việt Nam sẽ là 1 trong 5 khu vực có tốc độ tăng trưởng hàng không cao nhất trong một thập kỷ tới.
Trên thực tế việc thực hiện giải phóng mặt bằng được triển khai từ chủ trương, dần đến triển khai chi tiết, được dành một nguồn vốn nhất định của nhà nước và được nghị quyết Quốc hội đã thông qua. Hiện tại dự án đã có vốn sẵn sàng, dự kiến 23.000 tỉ. Tuy nhiên, việc sân bay Long Thành được xây dựng vẫn đang đứng trước những thách thức cực kỳ lớn, trong đó việc giải phóng mặt bằng không phải lúc nào cũng là một công tác dễ dàng.
Về vấn đề này, Giáo sư Đặng Hùng Võ - nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, với dự án sân bay Long Thành, tỉnh Đồng Nai làm khá tốt trong hoàn cảnh việc giải tỏa mặt bằng khá khó khăn, kinh phí bồi thường tái định cư khá thấp chứ không cao như ở các thành phố lớn. “Tôi cho rằng nhà nước xây dựng theo khung tái định cư ở huyện Long Thành hiện nay là khá tốt, không có gì phức tạp. Ngoài ra, người bị nhà nước lấy đất thì bồi thường cùng giá trị khu đất hoặc tính ra bồi thường bằng tiền, làm hài lòng giá trị thu hồi đất đối với dân, đó cũng là một trong những mấu chốt để đẩy nhanh tiến độ xây sân bay Long Thành”, giáo sư Đặng Hùng Võ khẳng định.
Cũng theo giáo sư Đặng Hùng Võ, mô hình này Nhật Bản, Hàn Quốc áp dụng rất thành công. Nếu không thực hiện tốt thì có thể dẫn đến việc người dân khiếu kiện, chậm tiến độ thực hiện dự án. “Chúng ta cần tham khảo mô hình của Nhật Bản, Hàn Quốc mỗi khi xây dựng dự án. Chính quyền không chi tiền ngân sách vào dự án đó, mà họ lấy kinh phí sinh lời từ mảnh đất đó để thực hiện xây dựng. Ngoài ra, cơ chế và luật đất đai hiện hành ở nước ta cần chỉnh sửa lại để phù hợp với tình hình thực tế”, giáo sư Đặng Hùng Võ cho biết thêm.
Còn ông Võ Huy Cường – Cục phó Cục hàng không Việt Nam cho rằng, cần nhanh chóng xây dựng sân bay Long Thành bởi cũng như nhiều nước khác trên thế giới, việc quá tải sân bay đang diễn ra nhưng sân bay cũ không còn có dư địa để giải quyết. Ông cũng đưa ra nhiều dẫn chứng, việc sân bay Tân Sơn Nhất quá tải đã dẫn đến nhiều hãng hàng không rút tần suất bay như Nga, Etihad,...
Trước vấn đề cấp thiết này, ông Đỗ Tất Bình – Phó TGĐ Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam nhấn mạnh, cần xây dựng nhanh sân bay Long Thành vì ngoài việc đáp ứng vận tải thì giá thành xây dựng sân bay “cứ 5 năm tăng gấp đôi”. Ông dự kiến nếu lùi lại 5 năm (so với kế hoạch hoàn thành vào năm 2025) thì giai đoạn 1 của sân bay Long Thành có thể tăng lên 10 tỷ USD thay vì 5,4 tỷ như dự tính hiện nay.
Cùng quan điểm, đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc cho rằng, sân bay Tân Sơn Nhất đã quá tải, trong khi sân bay Long Thành đã “treo” 10 năm khiến người dân rất bức xúc. Chính vì vậy cần có cơ chế để đẩy nhanh xây dựng sân bay Long Thành. Điển hình như sân bay Vân Đồn cho tư nhân vào làm rất nhanh và hiệu quả. Cần có nghị quyết riêng để sớm có mặt bằng xây dựng sân bay Long Thành bởi nó chắc chắn sẽ mang lại lợi ích lớn cho TPHCM cũng như toàn khu vực.
Ông Nguyễn Ngọc Hưng – Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai cho biết, “Hiện tại đang thiết lập khu tái định cư. Trên thực tế tổng diện tích dự án sân bay Long Thành lớn hơn 5.000 ha. Đây là dự án lớn nhất từ trước đến giờ ở tỉnh Đồng Nai. Trong 5.000 ha xây dựng sân bay, có 1800 ha đất cao su. Việc di dời cũng diễn ra khá tốt vì người dân biết khu vực mình đang ở xây sân bay nên họ chủ động di dời, đối thoại với chính quyền để thống nhất giá bồi thường”.
Cũng theo ông Hưng, đất khu vực Long Thành cũng tăng giá theo kiểu tự do. Do đó, chính quyền tính tới phương án định giá lại sao cho đảm bảo lợi ích giữa nhà nước với dân, để cho dân không thiệt thòi. Hiện Đồng Nai đang thu hồi đất để làm khu tái định cư, tỉnh quan tâm đào tạo nghề cho người trong độ tuổi lao động; sắp xếp địa giới hành chính để ổn định dân cư.
Ghi nhận các ý kiến đóng góp tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết, Quốc hội đặt mốc 2025 đưa vào khai thác giai đoạn 1 sân bay Long Thành. Bộ Giao thông vận tải giao mốc thời gian cho các đơn vị liên quan thực hiện. Đây là mốc tiến độ làm cơ sở báo cáo cấp thẩm quyền, triển khai dự án. Cụ thể, nghiên cứu khả thi từ tháng 12/2017- 12/2019; năm 2020 sẽ tập trung thiết kế kỹ thuật, 2021 hoàn tất thiết kế kỹ thuật và thi công.