Khách hàng quay lưng
Anh Cao Đông, Giám đốc một công ty môi giới BĐS chia sẻ: “Dịch Corona khiến khách hàng có tâm lý e ngại khi xuống tiền. Bởi họ có tâm lý ngại đến những nơi tụ tập đám đông. Điều này khiến các doanh nghiệp địa ốc không thể chào, mời, gom khách hàng đi thực tế xem dự án đất nền và tư vấn để chốt sản phẩm. Ngay cả nhân viên công ty cũng có người chủ động xin nghỉ phép thêm, thậm chí, có người xin nghỉ một tháng không lương để lưu trú lại quê nhà nhằm tránh dịch. Bao nhiêu hoạch định công ty soạn sẵn vào cuối năm 2019 đã tan thành mây khói. Khó khăn chồng chất khó khăn”.
Bãi biển Nha Trang vắng khách những ngày đầu năm mới |
Còn chị Thu Thủy, Trưởng phòng kinh doanh một công ty BĐS chuyên phân phối sản phẩm BĐS các tỉnh lân cận TP.HCM cho rằng: “Thời điểm cuối năm và đầu năm khách hàng thường xuống tiền sở hữu sản phẩm BĐS rất mạnh. Năm nay, tôi lên thành phố rất sớm để cùng lãnh đạo công ty triển khai phương án bán hàng nhưng mọi kế hoạch đã đổ “xuống sông xuống biển”. Phần lớn nhân viên môi giới báo về không thể tiếp cận được khách hàng. Họ từ chối thẳng thừng. Nhiều người chỉ trao đổi qua điện thoại, còn gặp thì họ khước từ. Hiện, chúng tôi tạm thời cho hơn phân nửa nhân viên môi giới nghỉ một tuần để cắt giảm chi phí. Đồng thời, công ty lên phương án điều chỉnh lại tiến độ dự án với hi vọng đón nhiều tín hiệu lạc quan.”
Theo ghi nhận, bệnh dịch Corona hoành hành khiến nguồn cung BĐS ở TP.HCM và lân cận tắc nghẽn. Hàng chục dự án bị “tê liệt” hoàn toàn, gần như “chết lâm sàn”, nguy cơ đẩy một số doanh nghiệp yếu tài chính đi đến bờ vực phá sản. Còn khách hàng có nhu cầu mua ở, giới đầu tư BĐS chủ động tiếp cận… đếm trên đầu ngón tay. Trước thực trạng khó khăn, nhiều nhân viên môi giới không muốn cuộc sống trôi theo nguồn dịch, họ chủ động chuyển sang mưu sinh bằng các nghề mới.
Khó chồng chất
Ông Trần Hiếu - Phó Tổng Giám đốc Công ty DKRA bày tỏ không mấy lạc quan khi khó khăn do tác động của dịch bệnh trong đầu năm 2020. Bởi kế hoạch kinh doanh bị trì truệ. Đặc thù của việc giao thương sản phẩm BĐS giao trực tiếp phòng kinh doanh, nhân viên môi phải đi chào mời sản phẩm với khách hàng một thời gian dài, rồi sau đó tập trung một ngày bán hàng.
“Tuy vậy, dịch bệnh chưa có dấu hiệu dừng lại đã dẫn đến việc bán hàng tập trung không có khả thi, người mua không đến chỗ đông người vì sợ lây bệnh. Công ty đã dời, hủy nhiều kế hoạch bán hàng tập trung vì không thể thuyết phục khách hàng đến tham dự. Hiện tất cả các kế hoạch kinh doanh đều phải hoãn lại hết”, ông Hiếu nói.
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) cho biết: “Dịch Corona trên thực tế phần nào gây ảnh hưởng đến thị trường BĐS đầu năm 2020, nhưng nguyên nhân khách quan này về lâu dài không thể kìm hãm sự phát triển của thị trường. Hiện tại, nguồn cung bị nghẽn có thể khiến những người có nhu cầu mua gom lại rồi tích trữ được một lượng lớn khách hàng trong thời gian tới. Khi nguồn dịch được kiểm soát, các chủ đầu tư bung hàng, lượng khách hàng cơ hữu rất nhiều. Nhìn tổng thể về bản chất thị trường hiện nay không xấu, chưa có nguy cơ bị khủng hoảng, tính thanh khoản vẫn tốt, còn nằm trong chu kỳ phục hồi và tăng trưởng trong thời gian tới”.
Gần một tháng dịch Corona bùng phát lây lan, khiến thị trường BĐS nghỉ dưỡng ven biển cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, giảm một lượng lớn khách quốc tế đến Việt Nam trong những ngày trước và sau Tết. Các địa điểm nghỉ dưỡng ven biển điển hình thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa vắng khách Trung Quốc, trong khi đó, lúc chưa có dịch, địa phương này chiếm hơn 70% tổng lượt khách quốc tế trong năm 2019 ghé tham quan. Các chuyên gia cho rằng, nếu không có phương án phòng, chống dịch Corona tốt, Việt Nam có khả năng phải đối mặt với sự sụt giảm du khách đến từ Châu Âu, Úc, Mỹ ghé thăm.
Ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels Châu Á Thái Bình Dương cũng vừa đưa ra một số nhận định về ảnh hưởng của đại dịch virus Corona tới thị trường nghỉ dưỡng du lịch tại Việt Nam. Theo ông Mauro Gasparotti, sự bùng phát của virus Corona ở Trung Quốc đã gây ra cú sốc lớn đối với ngành du lịch toàn cầu và dự kiến sẽ còn tiếp tục ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh khách sạn, dự án án nghỉ dưỡng trong thời gian tới.
“Việt Nam cũng đang phải đối mặt với những hậu quả tiêu cực gây ra từ đại dịch toàn cầu này. Đối với khách sạn và resort, đặc biệt là những nơi phục vụ lượng lớn khách hàng đến từ các khu vực bị ảnh hưởng của dịch bệnh, chúng tôi đặc biệt khuyến nghị tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về phòng chống dịch để đảm bảo sự an toàn và sức khỏe cho cả khách hàng và nhân viên làm việc”, ông Mauro Gasparotti cho hay.