Nhu cầu nhân lực ngành Bất động sản rất lớn
Thực tế cho thấy, quản lý và kinh doanh bất động sản là một lĩnh vực đã và đang nhận được sự quan tâm rất lớn từ các thành phần khác nhau trong xã hội và cũng là một lĩnh vực có tính bao quát rộng.
Hiện nay cũng như trong tương lai, nhu cầu nhân lực ngành Bất động sản tại các doanh nghiệp, tổ chức xã hội và các sở, ban, ngành, các cơ quan nhà nước từ trung ương đến địa phương, các trường đại học và cao đẳng, nhất là tại các văn phòng, trung tâm tư vấn và môi giới bất động sản là rất lớn.
Năm 2019, trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã mở ngành Bất động |
Theo đánh giá chung của các chuyên gia trong và ngoài nước, thị trường nhân lực cho lĩnh vực bất động sản ở Việt Nam hiện nay vừa yếu và vừa thiếu trong khi thị trường bất động sản đang rất nóng bỏng và hấp dẫn. Tình trạng thiếu hụt diễn ra ở tất cả các khâu, từ các cơ quan quản lý bất động sản đến các chuyên gia kỹ thuật, các chuyên gia kinh doanh, định giá, môi giới...
Nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng thiếu hụt là do thị trường bất động sản đã phát triển quá nhanh so với sự phát triển của công tác đào tạo nhân sự cho lĩnh vực này. Có thể thấy đầu tư vào bất động sản đang là một kênh đầu tư hấp dẫn. Chính vì vậy, sự ra đời và lớn mạnh của hàng loạt các công ty bất động sản trong nước, cùng với những đơn vị từ lĩnh vực khác mở rộng hoạt động kinh doanh sang lĩnh vực này, tạo nên một mức “cầu” nhân lực quá lớn, dẫn đến sự thiếu hụt.
Có nhiều vị trí việc làm cho sinh viên tốt nghiệp ngành Bất động sản
Trong điều kiện thị trường bất động sản hiện nay còn quá khan hiếm nguồn nhân lực có chuyên môn vững vàng thì lợi thế nổi bật của sinh viên ngành Bất động sản chính là nền tảng kiến thức bài bản, có tư duy hệ thống và có thể xây dựng các chiến lược để khai thác bất động sản hiệu quả nhất.
Tuy nhiên hiện nay có rất ít trường đại học cung cấp nhân lực phục vụ cho ngành này. Năm 2019, trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã mở ngành Bất động sản đáp ứng nhu cầu khát nhân lực về quản lý, vận hành bất động sản theo nhu cầu xã hội.
Có rất nhiều vị trí việc làm mà sinh viên tốt nghiệp ngành Bất động sản có thể tham gia, đó là: Chuyên viên làm việc tại các cơ quan quản lý nhà nước về đất đai và bất động sản như: Tổng cục Quản lý đất đai, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Phòng Tài nguyên và Môi trường, Phòng Xây dựng - Quản lý đô thị, cán bộ địa chính tại các xã, phường, thị trấn.
Nghiên cứu viên tại các Viện nghiên cứu; giảng viên tại trường Cao đẳng; trường nghề; trợ giảng tại các trường Đại học có nhiệm vụ nghiên cứu, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực ngành Bất động sản.
Viên chức tại các đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường; Sở Xây dựng.
Cán bộ kỹ thuật làm việc tại các công ty, các tổ chức tư vấn hoạt động trong các lĩnh vực đo đạc lập bản đồ, quy hoạch sử dụng đất, định giá bất động sản; Các dự án liên quan đến đất đai và bất động sản; Trung tâm khai thác và kinh doanh bất động sản. Chuyên viên thẩm định giá, chuyên viên môi giới, tư vấn, kinh doanh bất động sản, chuyên viên quản lý đất đai và bất động sản.
Ngoài ra sinh viên tốt nghiệp ngành Bất động sản có thể tự hoạt động như một trung gian môi giới Bất động sản, hoặc ứng cử vào vị trí nhân viên, quản lý của các văn phòng giao dịch, các công ty về Bất động sản.
Vị trí cụ thể gồm: Nhân viên môi giới, nhân viên phòng giao dịch bất động sản, nhân viên phòng dự án - kế hoạch, dịch vụ khách hàng...; nhân viên kinh doanh; quản lý, huấn luyện nhân viên bán hàng; trợ lý giám đốc dự án; quản lý văn phòng giao dịch Bất động sản; quản lý dịch vụ hậu mãi, chăm sóc khách hàng; chuyên viên quy hoạch và phát triển kinh doanh; chuyên viên tư vấn đầu tư bất động sản; chuyên viên thẩm định giá trị bất động sản; nhà quản lý và phát triển bất động sản; nhà đầu tư bất động sản
Có rất nhiều cơ hội việc làm và mức thu nhập hấp dẫn chính là điểm thu hút mạnh mẽ đối với các tân sinh viên ngành Bất động sản.