Bất động sản kỳ vọng bứt phá nhờ gói kích cầu

Bài và ảnh: Thùy Linh| 05/05/2020 12:31

(TN&MT) - Ảnh hưởng của dịch Covid-19 không thể kìm hãm sự phát triển của các Doanh nghiệp bất động sản. Nhất là khi có các chính sách hỗ trợ đặc biệt từ phía Chính phủ như Nghị định số 41/NĐ-CP về việc gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất… Đây sẽ là những yếu tố thúc đẩy doanh nghiệp bất động sản bứt phá nhanh hơn.

Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp từ Chính phủ

Đại dịch Covid-19 đã làm đảo lộn mọi mặt đời sống xã hội và tác động rất nghiêm trọng đến nền kinh tế toàn cầu và nền kinh tế của nước ta, trong đó, có thị trường bất động sản vốn đang đóng góp 30% tổng hoạt động của nền kinh tế.

Hai tháng qua, hầu hết, các doanh nghiệp bất động sản đã phải hủy bỏ toàn bộ kế hoạch bán hàng, tiếp thị quảng cáo. Thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng (condotel) và cho thuê đã bị ảnh hưởng nặng nề…

Chính vì vậy, ngay trong tháng 3/2020, Chính phủ đã liên tiếp đưa ra 2 gói chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong dịch Covid-19 với quy mô chưa từng có tiền lệ. Đó là Nghị định 41 về gia hạn thuế và Nghị quyết 42 về hỗ trợ người dân, người lao động gặp khó khăn. Hầu hết, cộng đồng doanh nghiệp và giới chuyên gia đánh giá tích cực về nỗ lực của Chính phủ đẩy nhanh việc ban hành chính sách mang tính "hồi sức" cho doanh nghiệp. Đồng thời, cũng đưa ra những kiến nghị, đề xuất để các doanh nghiệp khó khăn sớm được hưởng lợi từ các chính sách này.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Tổng Giám đốc Tập đoàn Danko cho biết, với những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như việc gia hạn thời gian nộp thuế, tiền thuê đất từ phía Chính phủ, các doanh nghiệp bất động sản sẽ có cơ hội để bứt phá khi tình hình dịch Covid-19 được kiểm soát.

“Nhiều ngân hàng đã chủ động giảm lãi suất, giãn nợ, giảm lãi vay cho một số doanh nghiệp nhằm khai thông dòng vốn. Việc này sẽ tạo ra phản ứng tích cực dây chuyền, giúp các doanh nghiệp chấn chỉnh lại sản xuất, giải quyết nợ nần, ngân hàng giảm nợ xấu”, ông Hiệp nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, để tháo gỡ những khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, một loạt các chính sách ưu đãi của Chính phủ đã được ban hành như giảm thuế, gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi dịch…

Khủng hoảng đại dịch Covid-19 là cơ hội cho nhiều doanh nghiệp có tiềm lực kinh tế

Bên cạnh đó, để hỗ trợ doanh nghiệp và cải thiện môi trường kinh doanh, Chính phủ đã yêu cầu các cơ quan liên quan rà soát và cắt giảm các thủ tục hành chính và đẩy nhanh việc giải ngân vốn đầu tư… Đây là những trợ lực quan trọng giúp doanh nghiệp duy trì và phục hồi sau đại dịch. Bởi vậy, sẽ có nhiều nhà đầu tư nắm bắt cơ hội này.

“Chính sách của Nhà nước chính là giúp cho doanh nghiệp giữ được nội lực, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Sau khi kết thúc dịch, doanh nghiệp sẽ có nguồn lực để phát triển. Dịch Covid-19 cũng là phép thử đối với doanh nghiệp. Doanh nghiệp có quỹ đất sạch, tiền mặt dồi dào, không phụ thuộc vào đòn bẩy tài chính sẽ hưởng lợi nhiều nhất từ sự hồi phục của nền kinh tế” - ông Đính nhận định.

Liều Oxy để vực dậy nền kinh tế

Đánh giá về các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ, ông Matthew Powell - Giám đốc Savills Hà Nội cho rằng, các quốc gia hiện nay đều đưa ra các gói cứu trợ kinh tế khác nhau, Việt Nam cũng nằm trong xu hướng đó. Các bước đi của Chính phủ hiện nay trong ban hành chính sách là phù hợp với bối cảnh và đảm bảo cân bằng giữa hỗ trợ cho doanh nghiệp và hạn chế gánh nặng cho ngân sách. Hai gói hỗ trợ vừa qua của Chính phủ là một “liều Oxy” cần thiết để hỗ trợ nền kinh tế đang rất khó khăn hiện tại.

Trước mắt, doanh nghiệp có thể dùng chính dòng tiền hỗ trợ này để trang trải các chi phí trước mắt như trả lương cho người lao động để giữ bộ máy hoạt động, nếu không sẽ dẫn đến tình trạng cắt giảm lao động vì quá khó khăn.

Về lâu dài, doanh nghiệp bất động sản có thể kỳ vọng về việc Chính phủ và các Bộ, cơ quan liên quan thực hiện rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính, giảm chi phí cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương được yêu cầu đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư và cải thiện môi trường kinh doanh, giúp tăng tốc độ phát triển kinh tế và phát triển cơ sở hạ tầng. Đây thực sự là giải pháp vực dậy doanh nghiệp trong giai đoạn dịch bệnh, là thứ doanh nghiệp luôn cần.

Gói tín dụng 250.000 tỷ đồng được đưa ra nhằm đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, nâng cao khả năng tiếp cận vốn vay của khách hàng; kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí... đối với khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Đây thực sự là giải pháp để vực dậy doanh nghiệp sau đại dịch, trong đó, doanh nghiệp bất động sản cũng là đối tượng được hưởng lợi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bất động sản kỳ vọng bứt phá nhờ gói kích cầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO