Không những thế, với hàng loạt hiệp định thương mại được thông qua, Việt Nam đang được kỳ vọng là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư bất động sản lớn trên thế giới mà tâm điểm vẫn là các thành phố lớn như Hà Nội, Tp.HCM…
Giá bán không quá quan trọng
Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài, 6 tháng đầu năm 2019, tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tiếp tục đạt con số ấn tượng với tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm đạt 18,47 tỷ USD, trong đó Hà Nội tiếp tục là địa phương dẫn đầu trong thu hút vốn ngoại với giá trị đạt 5,3 tỷ USD.
Diễn biến này cũng đồng nghĩa lượng chuyên gia, doanh nhân nước ngoài đến Hà Nội công tác, làm việc và sinh sống sẽ có chiều hướng tăng lên trong tương lai và nhu cầu sở hữu bất động sản tại Hà Nội của họ theo đó cũng sẽ tăng nhanh.
Tổng giám đốc Công ty MIK Home - Ông Chu Thanh Hiếu cho hay, dự án chung cư cao cấp Imperia Sky Garden của doanh nghiệp này tại phố Minh Khai ban đầu được định vị hướng tới khách hàng chủ yếu là người Việt có thu nhập cao muốn sở hữu căn hộ cao cấp hạng sang và các tiện ích độc đáo chỉ có ở các khách sạn 5 sao như bể bơi vô cực, vườn chân mây, ... Tuy nhiên, từ đầu năm 2019 đến nay, lượng khách hàng là người nước ngoài, Việt kiều đăng ký mua lẫn tìm hiểu về dự án đã tăng khá mạnh.
Theo ông Hiếu, ở nhiều nước khác trong khu vực như Singapore, Hàn Quốc…để mua một căn nhà cao cấp thông thường phải chi ít nhất từ 1-1,5 triệu USD, trong khi số tiền đó sang Việt Nam có thể mua được vài sản phẩm bất động sản và nếu lựa chọn kỹ dự án thì có khả năng sinh lời cao.
Tuy nhiên, khách hàng nước ngoài khi mua nhà tại Việt Nam cũng có những đòi hỏi rất khác so với nhóm người Việt. Cụ thể, khách nước ngoài thường có những tiêu chuẩn khá cao khi lựa chọn căn hộ chung cư để ở, thuê hoặc đầu tư. Ngoài những yêu cầu khắt khe về vị trí, chất lượng, tiện nghi bên trong căn hộ thì các tiện ích về hạ tầng, nội ngoại khu cũng là tiêu chí hàng đầu để lựa chọn.
“Khách mua nhà người nước ngoài đa số đều là những người có tiềm lực tài chính mạnh nên giá cả không phải là điều quá quan trọng đối với họ, thay vào đó là chất lượng, cảnh quan, thiết kế của dự án mới là điều tác động trực tiếp đến việc họ chọn mua dự án đó hay không mà thôi. Dự án Imperia Sky Garden của chúng tôi nhận được sự hài lòng từ khá nhiều khách nước ngoài”, ông Hiếu chia sẻ.
Một số chủ đầu tư bất động sản và các sàn giao dịch trên địa bàn Hà Nội cũng xác nhận, từ vài tháng trở lại đây, lượng khách hàng là người nước ngoài đến tìm hiểu thông tin về căn hộ, biệt thự đang ngày càng tăng, cho thấy những phản ứng của thị trường đã dần định hình rõ.
Bà Dương Thùy Dung - Giám đốc bộ phận nghiên cứu CBRE nhìn nhận, với việc các chính sách, quy định ngày càng thông thông thoáng hơn, số lượng người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam cũng tăng lên nhanh chóng tại Hà Nội và Tp.HCM. Tuy nhiên, để đón đầu được nhóm khách hàng tiềm năng này, đòi hỏi các chủ đầu tư phải có những dòng sản phẩm chất lượng, đáp ứng được những yêu cầu cao cấp và khắt khe của người nước ngoài.
Cần những chính sách thông thoáng hơn
Theo nghiên cứu của Credit Suisse, tại một số quốc gia châu Á những năm gần đây luôn có mối quan hệ chặt chẽ giữa các chính sách sở hữu bất động sản và sự tăng trưởng phát triển ổn định của thị trường này. Một số nước tại châu Á đã trải qua những thay đổi đáng kể từ khi áp dụng các chính sách khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường bất động sản giúp cải thiện ngành bất động sản nói riêng cũng như toàn bộ nền kinh tế nói chung.
Những nước và vùng lãnh thổ có chính sách rộng mở nhất đối với việc cho phép người nước ngoài mua bất động sản như Nhật Bản, Singapore, Malaysia, Hong Kong… cũng là những nước có thị trường bất động sản lớn mạnh và bền vững bậc nhất.
Tại Singapore, người nước ngoài được mua nhà thương mại không hạn chế, chỉ không được mua nhà xã hội. Chính phủ Singapore cũng mở rộng luật về sở hữu bất động sản trong đó cho phép người nước ngoài được mua cả biệt thự gắn liền với đất ở những khu vực được quy hoạch. Theo ước tính những năm gần đây, mỗi quý tại Singapore có từ 1.000 - 2.000 giao dịch mua nhà của người nước ngoài. Hong Kong cũng có chính sách và sự thành công tương tự Singapore.
Trong khi đó, tại Malaysia - một trong những nước ở Đông Nam Á có quy định rộng mở nhất trong khu vực về vấn đề mua căn hộ, đặc biệt là nhà đất. Malaysia chỉ có quy định về giá tối thiểu của căn hộ mà người nước ngoài có thể mua mà không hề có hạn chế loại hình bất động sản mà người nước ngoài có thể mua. Người mua bất động sản ở Malaysia đến từ nhiều nước tại châu Á, như Singapore, Indonesia, Hong Kong, Nhật Bản, Ấn Độ và gần đây, số người đến từ châu Âu cũng tăng lên.
Ngay cả tại nền kinh tế thứ 3 thế giới là Nhật Bản, Chính phủ nước này cũng cho phép bất cứ cá nhân mang quốc tịch nước ngoài đều có thể mua hợp pháp bất động sản ở Nhật Bản mà không bị hạn chế gì. Quốc gia Đông Á này không có bất kỳ yêu cầu nào về tình trạng thường trú. Việc chuyển nhượng quyền sở hữu cũng rất đơn giản và không bị phụ thuộc gì cả.
Trong khi đó, theo đánh giá của các chuyên gia lẫn khách mua nhà, chính sách - quy định của Việt Nam đối với việc người nước ngoài mua nhà dù đã thông thoáng hơn nhiều so với trước đây, song vẫn còn khá nhiều quy định được cho là tạo ra rào cản cho việc thu hút khách nước ngoài mua bất động sản.
Đơn cử như việc xác định thời gian cư trú, quy định về hộ chiếu, nhập cảnh, đồng thời không chế thời gian sở hữu nhà 50 năm, tỷ lệ mua nhà tại một dự án… cũng đã phần nào hạn chế số lượng khách ngoại quốc.
Trước những kiến nghị của một số doanh nghiệp bất động sản về sự thông thoáng, cởi mở hơn về chính sách, mới đây một lãnh đạo Bộ Xây dựng cho hay: “Việt Nam sẽ nghiên cứu, tiếp thu kinh nghiệm tiến bộ của thế giới để áp dụng. Người nước ngoài sở hữu nhà ở Việt Nam một mặt sẽ giúp chúng ta tiêu thụ những sản phẩm bất động sản, mặt khác sử dụng thêm được nhiều người lao động. Đây cũng là một giải pháp nhằm phát triển thị trường bất động sản”.