“Mở cửa” đón đầu tư
Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận - ông Nguyễn Đức Hòa cho biết kỳ vọng có thêm nhiều nhà đầu tư đến địa phương này khi tỉnh có những chính sách ưu đãi để giảm chi phí đầu vào, rút ngắn thủ tục hành chính, tạo quỹ đất cho nhà đầu tư. Thông tin được ông Nguyễn Đức Hòa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận chia sẻ bên lề hội thảo “Mô hình quản lý khu du lịch quốc gia” diễn ra ngày 24/10 tại Phan Thiết. Đây là sự kiện thuộc chuỗi hoạt động kỷ niệm 25 năm du lịch Bình Thuận.
Hiện nay, vốn đầu tư tư nhân tại Bình Thuận trên hai tỷ USD, thu hút khoảng 200 dự án, trên 100 dự án đang huy động vốn. Tỉnh có những dự án đầu tư công trọng điểm giúp kết nối giao thông giữa các trung tâm kinh tế với Bình Thuận và dự kiến hoàn thiện trong tương lai gần. Chỉ hai năm nữa, người dân mất khoảng dưới hai giờ đồng hồ để di chuyển từ TP HCM ra Phan Thiết qua cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết.
Sân bay quốc tế Phan Thiết tái khởi động từ tháng 8 cùng sân bay quốc tế Long Thành chuẩn bị khởi công một số hạng mục trong tháng 10, sẽ "mở đường" để Phan Thiết, Bình Thuận đón lượng lớn du khách từ khu vực lận cận cho các kỳ nghỉ ngắn, dịp cuối tuần. Theo ông Hoà, tỉnh chú trọng đầu tư và kêu gọi dòng vốn, tìm kiếm các nhà đầu tư chiến lược.
Thế mạnh của Bình Thuận là biển xanh, cát trắng, nắng vàng, di sản văn hóa phong phú, thiên nhiên tươi đẹp, con người chân tình, mến khách, nên bà Nguyễn Lan Ngọc - Phó Giám đốc sở Du lịch tỉnh Bình Thuận tin tưởng tỉnh thu hút nhiều du khách, nhà đầu tư hơn nữa. Bởi tỉnh tạo môi trường đầu tư thông thoáng, quan tâm, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục, sớm triển khai dự án. Địa phương sẵn sàng hỗ trợ, đồng hành cùng nhà đầu tư tháo gỡ các vướng mắc, để giúp dự án đi vào hoạt động sớm hơn dự kiến.
Phối cảnh PGA Golf Villas với tầm nhìn tuyệt đẹp tại NovaWorld Phan Thiet - Siêu thành phố biển - du lịch - sức khỏe |
Bà Ngọc nhận định, khi có các nhà đầu tư lớn, tâm huyết, nỗ lực triển khai và đưa các dự án vào hoạt động, sẽ góp phần giúp Bình Thuận nâng cao lợi thế cạnh tranh. Các sản phẩm du lịch sẽ đáp ứng nhu cầu của nhiều du khách, giúp khai thác tối đa lợi thế, tiềm năng đang có.
Cần thêm nhiều sản phẩm quy mô lớn
Trong chiến lược phát triển du lịch Việt Nam, Bình Thuận được xác định là một trong những địa phương có tiềm năng để đầu tư phát triển thành trung tâm du lịch lớn của cả nước. Bởi theo ông Nguyễn Trùng Khánh - Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch - Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, ngoài di tích lịch sử, văn hóa, nơi đây còn có tài nguyên thiên nhiên hấp dẫn, dễ thu hút nhiều nhà đầu tư. Song, địa phương cần có những sản phẩm quy mô lớn để phục vụ du lịch tốt hơn; các cơ chế chính sách đảm bảo sự an toàn phát triển du lịch và bảo vệ môi trường...
Phối cảnh khu shophouse biển tại NovaWorld Phan Thiet |
“Tôi hy vọng trong thời gian tới du lịch Bình Thuận chuyển mình, mặc dù thời gian qua có những khó khăn về cơ sở hạ tầng, giao thông. Tuy nhiên, với những cải thiện theo chiều hướng tích cực, du lịch Bình Thuận sẽ phát triển ở tầm cao mới”, ông chia sẻ và khẳng định việc công nhận Mũi Né trở thành khu du lịch quốc gia góp phần giúp du lịch Bình Thuận trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trở thành một trong những trung tâm du lịch lớn của cả nước.
Theo quy hoạch du lịch Bình Thuận, mục tiêu đến 2025, tỉnh thu hút 11 triệu lượt khách đến tham quan, trong đó khách quốc tế chiếm 1,1-1,32 triệu, doanh thu 35.000 tỷ đồng.
Nằm ở vùng lỏi tứ giác du lịch TP HCM - Vũng Tàu - Đà Lạt - Nha Trang, Bình Thuận có biển, đảo, núi , hồ, suối; cùng văn hóa, lịch sử đặc sắc mang đậm dấu ấn bản địa. Địa phương này có 300 ngày nắng, ấm áp khô ráo, khí hậu ôn hòa, ít gió bão; có suối khoáng nóng đáp ứng du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, điều dưỡng, chữa bệnh...
Các chuyên gia nhận định Bình Thuận có tiềm năng vô cùng lớn để trở thành trung tâm du lịch - thể thao biển, nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khoẻ mang tầm quốc tế.