Tạo lên bộ mặt nông thôn khang trang
Về xã vùng cao Xuân Hoà (Bảo Yên, Lào Cai) bây giờ, những nương đồi trọc hay vốn chỉ trồng ngô, sắn, lúa nương trước đây đã được phủ xanh bởi cây quế. Những tuyến đường bê tông trắng vắt ngang lưng chừng đồi về bản thay thế đường đất mòn xưa. Bên các tuyến đường mọc lên những khu dân cư quần tụ, tập trung với những ngôi nhà, biệt thự vườn, nhiều nhà mua ô tô con, xe tải, xe máy và nhiều tiện nghi đắt tiền...
Có được sự đổi thay này là nhờ đóng góp không nhỏ của các chương trình nông nghiệp, dự án khuyến nông, nhất là phát triển cây quế cơ của Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lào Cai đã giúp đồng bào người Mông, người Dao đỏ địa phương thay đổi tư duy, tiếp cận phương thức sản xuất mới, áp dụng khoa học công nghệ để trồng quế. Xã Xuân Hòa có 21 thôn, tất cả các hộ đều trồng quế, với khoảng 3.256 ha, chiếm hơn 80% diện tích cây trồng trên địa bàn xã. Với giá bán tinh dầu quế có giá từ 470.000 - 580.000 đồng một kg. Giá quế vỏ qua sơ chế từ 46.000 - 50.000 đồng một kg. Gỗ quế được bán với giá từ 1.200.000 -1.800.000 đồng một m3. Mỗi năm cây quế đem lại cho Xuân Hoà nhiều chục tỷ đồng.
Chị Trần thị Mai, xã Xuân Hoà chia sẻ: "Quế đặc sản thì mười năm cho thu hoạch vỏ, còn quế thâm canh thì trồng dày hơn. Trong thời gian chưa được thu hoạch vỏ thì tỉa thưa quế thâm canh để lấy lá, cành, ngọn bán cho nhà máy tinh dầu quế. Thời gian đó vẫn có thu nhập ổn định. Nhà tôi có gần 5 ha trồng quế, mỗi năm cũng cho thu nhập vài chục triệu đồng. Từ hộ nghèo giờ gia đình tôi có thể xây nhà và mua được các thiết bị tiên tiến phục vụ cuộc sống".
Giống như gia đình chị Mai, gia đình bác Phạm Văn Bôn trồng hơn 10 ha quế, mỗi năm gia đình bác Bôn thu hoạch cả 100 triệu đồng. Bác bôn chia sẻ, 3 ha quế chỉ còn vài năm nữa là cho thu hoạch vỏ, nếu trừ giống vốn công chăm sóc bác nhẩm sơ sơ cũng được mấy trăm triệu/ha. Từ một nông dân chỉ quanh năm làm nông nghiệp trồng rừng thu nhập vài triệu/năm nay gia đình bác Bôn đã trở thành triệu phú nhờ trồng quế.
Ông Vũ Thành Công, Chủ tịch UBND xã Xuân Hoà( Bảo Yên, Lào Cai) chia sẻ, để khuyến khích người dân thay đổi tư duy, gắn bó với kinh tế rừng, những năm qua, chính quyền xã Xuân Hoà đã tổ chức nhiều cuộc họp vận động người dân trồng rừng và tập trung phát triển cây quế. Cuộc họp nào ở thôn, kể cả ngày hội đại đoàn kết, cán bộ xã cũng tranh thủ nói về hiệu quả kinh tế của cây quế, dần dần hình thành ý thức trong nhân dân trồng rừng là nghề để phát triển kinh tế, sống được với rừng, làm giàu nhờ rừng. Cùng với đó, xã đã phối hợp với phòng chuyên môn của huyện mở các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng rừng và chăm sóc cây lâm nghiệp cho người dân.
Cây chủ lực thoát nghèo
Với người dân Bảo Yên, cây quế có giá trị kinh tế cao hơn hẳn so với các loại cây lâm nghiệp khác như keo, bồ đề. Quế sống được trên các diện tích đất bạc màu, đất xói mòn và phù hợp với khí hậu nơi đây. Vì vậy, quế trở thành cây chủ lực để xóa đói giảm nghèo cho người dân địa phương.
Trước đây, người dân huyện Bảo Yên chủ yếu trồng ngô, sắn hoặc các loại cây lâm nghiệp như keo, bồ đề cho hiệu quả kinh tế không cao. Khi có chủ trương phát triển cây quế, nhiều hộ đã chuyển sang trồng loại cây này. Và trong thời gian vừa qua, địa phương có nhiều chính sách hỗ trợ người dân trồng quế, hình thành những vùng nguyên liệu hàng nghìn ha, đưa Bảo Yên trở thành nơi có diện tích quế lớn nhất tỉnh Lào Cai, với tổng diện tích là trên 25.200 ha. Quế không những góp phần làm thay đổi cuộc sống người dân nghèo mà còn đóng góp đưa tỉ lệ hộ nghèo của Bảo Yên từ 20,26% năm 2021 giảm xuống còn 12,52% năm 2022. Huyện đang phấn đấu đến năm 2025 sẽ đưa tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 5%.
Theo ông lãnh đạo UBND huyện Bảo Yên, cây quế đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân địa phương, nhưng để phát triển bền vững, huyện mong xây dựng được thương hiệu quế hữu cơ Bảo Yên. Với 25.200 ha quế hiện có, huyện đã mời các doanh nghiệp vào nghiên cứu, thực hiện quy trình quế hữu cơ, định hướng từ nay đến 2025 xây dựng 5.000 ha quế đạt tiêu chuẩn hữu cơ. Bảo Yên đang quy hoạch phát triển cho cây quế, tránh việc người dân phát triển ồ ạt không đúng quy hoạch, xâm lấn vào diện tích rừng khác. Cũng từ các chính sách hỗ trợ của huyện, một số doanh nghiệp đã tìm đến đầu tư lâu dài với mục tiêu chế biến sâu các sản phẩm từ quế.
Theo phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bảo Yên cho biết, các dự án đều phát huy hiệu quả. Trong quá trình triển khai dự án đều xuất phát từ nhu cầu chuyển đổi cơ cấu cây trồng của người dân. Vì vậy, khi triển khai được nhân dân đồng thuận, nhất trí cao, tạo hiệu ứng tốt và chính những mô hình hiệu quả là “nhân chứng sống” để tuyên truyền về người thật, việc thật.
Huyện Bảo Yên đã có 3 nhà máy chế biến tinh dầu quế quy mô lớn và nhiều cơ sở sơ chế vỏ quế, sản xuất tinh dầu quy mô nhỏ, góp phần tiêu thụ sản phẩm cho người dân. Để phát triển cây quế bền vững, đạt hiệu quả kinh tế cao, Bảo Yên đã và đang có những cơ chế, chính sách phù hợp, khuyến khích, kêu gọi các doanh nghiệp, công ty đủ mạnh đầu tư xây dựng cơ sở chế biến sâu sản phẩm tinh dầu quế, quế sáo, bột quế, sản xuất chế biến dược liệu, mỹ phẩm từ quế, viên nén mùn cưa quế…
Trong những năm tới, Bảo Yên sẽ cố gắng giữ vững diện tích quế, thu hẹp các diện tích cây trồng không có hiệu quả nữa như keo, bồ đề để vận động bà con trồng quế, phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo".
Cùng với việc nâng cao chất lượng sản phẩm quế, huyện Bảo Yên đang quảng bá sản phẩm quế bằng nhiều hoạt động, trong đó có lễ hội quế được tổ chức hàng năm nhằm tăng cường quảng bá sản phẩm quế Bảo Yên đến với bạn bè trong và ngoài nước, thu hút đầu tư, nâng cao giá trị sản phẩm. Tin rằng với chiến lược dài hạn và sự đầu tư bài bản, giá trị của quế Bảo Yên sẽ ngày càng được nâng cao.
Mỗi năm, huyện Bảo Yên( Lào Cai) trồng mới và trồng thay thế vào diện tích quế đã khai thác 1.000 - 1.200 ha. Đến nay, cây quế được trồng tại 17/17 xã, thị trấn của huyện với hơn 25.200 ha, chiếm 1/2 diện tích quế toàn tỉnh Lào Cai. Hằng năm, địa phương xuất ra thị trường khoảng 156.000 tấn cành - lá, gần 78.000 tấn vỏ tươi và sản lượng gỗ đạt gần 70.000 m3, doanh thu hơn 1.200 tỷ đồng.