Cục Quản lý tài nguyên nước đã nhận được các phần thưởng cao quý: Huân chương Lao động hạng Ba (năm 2011) và hạng Nhì (năm 2018); Cờ thi đua của Thủ tướng Chính phủ (2013, 2015, 2019, 2021); nhiều năm liền được tặng Bằng khen, Cờ thi đua của Bộ trưởng Bộ TN&MT cùng các danh hiệu, thi đua khen thưởng của các bộ, ngành khác.
Không ngừng đổi mới văn bản chính sách
Dấu ấn quản lý tài nguyên nước không ngừng được tăng cường và đã có những bước tiến quan trọng mà việc cải cách ngành nước với việc thành lập Bộ TN&MT để thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về tài nguyên nước, tách chức năng quản lý khỏi chức năng cung cấp các dịch vụ về nước là một bước đột phá hết sức quan trọng.
Ngày 8/5/2003, Bộ trưởng Bộ TN&MT đã ban hành Quyết định số 600/2003/QĐ-BTNMT quy định, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Quản lý tài nguyên nước. Theo đó, Cục Quản lý tài nguyên nước là đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT có chức năng giúp Bộ trưởng thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về tài nguyên nước. Xuất phát điểm từ những ngày đầu chỉ có 13 cán bộ chuyển từ Bộ NN&PTNT sang, đến nay, tổng số cán bộ, công chức, viên chức của Cục là 143 người, trong đó, có 46 công chức, 76 viên chức, 83 đảng viên với 7 Chi bộ trực thuộc Đảng bộ. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của Cục đa phần là cán bộ trẻ, năng động, được đào tạo bài bản, luôn được trau dồi kiến thức chuyên môn nghiệp vụ và kỹ năng lãnh đạo, quản lý để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.
Với những nỗ lực cao nhất, cùng với sự đoàn kết, đồng tâm của các cán bộ, công chức và người lao động trong Cục, đến nay, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về tài nguyên nước đã tương đối hoàn chỉnh, tạo lập hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ, thống nhất quản lý tài nguyên nước từ Trung ương đến địa phương.
Tại cấp Trung ương, đến nay, đã có 63 văn bản được ban hành để quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành và triển khai Luật, trong đó, có 12 Nghị định (4 Nghị định sửa đổi, bổ sung), 16 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 35 Thông tư của Bộ trưởng Bộ TN&MT. Tại các địa phương, đến nay, đã có 54 tỉnh, thành phố ban hành được 357 văn bản hướng dẫn, thi hành Luật Tài nguyên nước 2012 và các quy định của Nghị định, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Tập trung quản lý hiệu quả tài nguyên “vàng trắng”
Cục Quản lý tài nguyên nước cho biết, bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng chống và khắc phục hậu quả, tác hại do nước gây ra đã được tuân theo chiến lược, quy hoạch tài nguyên nước. Tài nguyên nước được quản lý bảo đảm, bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý tiết kiệm, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh.
Hiện nay, cả nước đã có khoảng hơn 24 nghìn công trình khai thác, sử dụng nước và xả nước thải vào nguồn nước đã được quản lý từ Trung ương đến địa phương thông qua biện pháp, công cụ cấp phép. Trong đó, Bộ TN&MT đã cấp 1.787 Giấy phép tài nguyên nước cho các tổ chức và cá nhân. Ở địa phương, theo số liệu báo cáo, tại 54 tỉnh đã cấp 23.794 Giấy phép tài nguyên nước cho các tổ chức và cá nhân.
Tài nguyên nước đóng góp cho nguồn thu ngân sách của Nhà nước thông qua số thu thuế, tiền cấp quyền khai thác, sử dụng nước của các tổ chức, cá nhân. Triển khai thi hành Nghị định số 82/2017/NĐ-CP của Chính phủ về tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, Cục Quản lý tài nguyên nước đã thẩm định, trình Bộ phê duyệt cho 774 công trình với tổng số tiền khoảng 11.500 tỷ đồng, tạo nguồn thu cho ngân sách Nhà nước và làm thay đổi nhận thức của cộng đồng đối với hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước theo hướng sử dụng tiết kiệm, hiệu quả hơn.
Cục Quản lý tài nguyên nước đã chủ trì xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 11 Quy trình vận hành liên hồ chứa trên các lưu vực sông phải xây dựng quy trình bao gồm các lưu vực sông: Ba, Vu Gia - Thu Bồn, Sê San, Srepok, Mã, Cả, Kôn - Hà Thanh, Trà Khúc, sông Hồng, Đồng Nai và lưu vực sông Hương. Cùng với đó, Cục đã trình Bộ để Bộ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Danh mục lưu vực sông gồm 392 sông liên tỉnh làm căn cứ để triển khai các hoạt động quản lý lưu vực sông, phân công, phân cấp quản lý; Bộ đã ban hành Danh mục lưu vực sông nội tỉnh gồm trên 3.045 sông nội tỉnh; danh mục nguồn nước liên tỉnh, nguồn nước liên quốc gia (nguồn nước mặt) gồm 735 sông, suối, kênh, rạch, hồ chứa; công bố giá trị dòng chảy tối thiểu ở hạ lưu các hồ chứa, đập dâng của các công trình thủy lợi, thủy điện đối với 555 hồ chứa, đập dâng của 511 công trình thủy lợi, thủy điện.
Hợp tác quốc tế song phương, đa phương, hội nhập kinh tế trong lĩnh vực tài nguyên nước được mở rộng, đẩy mạnh. Năm 2014, Cục Quản lý tài nguyên nước đã hoàn thiện hồ sơ gia nhập Công ước để trình Chủ tịch nước quyết định việc gia nhập Công ước về Luật Sử dụng các nguồn nước liên quốc gia cho mục đích phi giao thông thủy. Việc gia nhập Công ước của Việt Nam vào đầu năm 2014, với tư cách là thành viên thứ 35, đã chính thức đưa Công ước về Luật Sử dụng các nguồn nước liên quốc gia cho mục đích phi giao thông thủy sau 17 năm thông qua. Cục luôn tích cực, chủ động tìm kiếm các nguồn tài trợ quốc tế phục vụ cho công tác xây dựng thể chế, tăng cường năng lực cho hoạt động quản lý tài nguyên nước. Đến nay, có khoảng 15 dự án quốc tế về tài nguyên nước đã và đang thực hiện.
Trải qua quá trình xây dựng và phát triển trong gần 20 năm, lĩnh vực tài nguyên nước đã và đang từng bước khẳng định vị thế, vai trò của lĩnh vực quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá, có tầm quan trọng đặc biệt đối với sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia, mỗi vùng lưu vực sông và mỗi địa phương.
Nhìn lại chặng đường 20 năm xây dựng và phát triển, Cục Quản lý tài nguyên nước - đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT với chức năng tham mưu giúp Bộ trưởng thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về tài nguyên nước đã ghi nhiều dấu ấn xây dựng các quyết sách để bảo vệ bền vững nguồn “vàng trắng” cho hôm nay và tương lai.