Giai đoạn I Đề án “Bảo vệ nước dưới đất ở các đô thị lớn” được Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia chủ trì tổ chức thực hiện từ năm 2013 đến năm 2018. Đến nay, về cơ bản đã hoàn thành theo mục tiêu, nhiệm vụ đã đặt ra. Toàn bộ các đô thị sau khi hoàn thành Trung tâm đã tổ chức hội đồng thẩm định với sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành, các nhà khoa học, các cơ quan quản lý nghiệm thu, đánh giá từng nội dung, kết quả theo yêu cầu của Đề án.
Đây là một Đề án lớn, trọng điểm được Bộ giao cho Trung tâm chủ trì và có sự tham gia của Cục quản lý Tài nguyên nước. Mục tiêu của Đề án này là: Trên cơ sở đánh giá nguồn nước dưới đất ở các đô thị lớn, đề xuất các giải pháp kỹ thuật để bảo vệ, phòng ngừa, hạn chế, giảm thiểu tình trạng cạn kiệt, ô nhiễm và nhiễm mặn nước dưới đất cho các đô thị lớn. Trong giai đoạn từ năm 2017 đến nay, Trung tâm đã triển khai tại 9 đô thị lớn trong cả nước trong đó có thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ và đô thị Mỹ Tho.
Ông Triệu Đức Huy – Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia cho biết: Việc điều tra, đánh giá nguồn nước đã làm sáng tỏ cấu trúc, điều kiện, thông số địa chất thủy văn của các tầng chứa nước cần bảo vệ; Xác định được sự phân bố, miền cung cấp, vận động và thoát của các tầng chứa nước cần bảo vệ; Xác định mối quan hệ thủy lực giữa nước mặt và nước dưới đất, giữa các tầng chứa nước cần bảo vệ; Xác định tiềm năng, trữ lượng có thể khai thác của các tầng chứa nước cần bảo vệ; Xác định ranh giới nhiễm mặn, các vùng nước dưới đất bị ô nhiễm. Trên cơ sở đó, chúng tôi đã đề xuất được các giải pháp kỹ thuật bảo vệ, phòng ngừa, hạn chế, giảm thiểu tình trạng cạn kiệt, ô nhiễm và nhiễm mặn nước dưới đất ở từng đô thị. Các giải pháp kỹ thuật bảo vệ tài nguyên nước dưới đất bao gồm: Quy hoạch vùng bảo vệ miền cấp, đới bảo vệ công trình khai thác nước dưới đất; Quy hoạch vùng hạn chế khai thác nước dưới đất; Quy hoạch khai thác sử dụng tài nguyên nước dưới đất; Quy hoạch xây dựng, hoàn chỉnh mạng quan trắc, giám sát tài nguyên nước dưới đất và Bổ sung nhân tạo cho nước dưới đất.
Đô thị TP. Hồ Chí Minh – độ sút lún cao hơn các đô thị khác
Theo Trung tâm Quy hoạch và Điều tra Tài nguyên nước quốc gia, điều kiện tồn tại, sự phân bố, số lượng, chất lượng của các tầng chứa nước dưới đất cụ thể như sau: Trên phạm vi thành phố Hồ Chí Minh có 7 tầng chứa nước lỗ hổng gồm: Holocen (qh), Pleistocen trên (qp3), Pleistocen giữa - trên (qp2-3), Pleistocen dưới (qp1), Pliocen giữa (n22), Pliocen dưới (n21) và Miocen trên (n13). Trong đó có 6 tầng chứa nước chính cần bảo vệ là qh, qp3, qp2-3, qp1, n22 và n21. Tổng tiềm năng tài nguyên nước dưới đất là 4.728.178m3/ngày, trong đó phần nước nhạt là 3.398.255m3/ngày, phần nước mặn là 1.329.923m3/ngày; trữ lượng có thể khai thác phần nước nhạt là 1.582.546m3/ngày. Nước nhạt các tầng chứa nước có chất lượng tương đối tốt, về cơ bản có thể đáp ứng các mục đích ăn uống sinh hoạt và sản xuất, tuy nhiên cần xử lý một số chỉ tiêu vượt giới hạn cho phép phân bố dạng điểm. Ngoài ra ở một số khu vực có các điểm vượt giá trị giới hạn phân bố với mật độ tương đối dày đã được khoanh vùng như: NH4+ tầng qp3 ở Hóc Môn, Tân Phú, quận 11 và quận 6; tầng qp2-3 ở xã Hòa Phú - Củ Chi; Phenol tầng qp1 ở Đông Thạnh - Hóc Môn, sắt ở Tân Tạo - Bình Tân; tầng n22 ở một số khu vực phía Tây Nam thuộc Bình Chánh và Nhà Bè. Nguồn cung cấp chủ yếu cho các tầng chứa nước là từ phía Bắc và Tây Bắc chảy đến, một phần được bổ cập từ nước mưa qua vùng lộ tầng qp3 và qp2-3 ở Củ Chi, Thủ Đức và từ nước sông Sài Gòn và sông Đồng Nai cung cấp qua các đoạn sông quan hệ thủy lực với nước dưới đất ở Hóc Môn, Củ Chi, quận 9.
Vẫn theo Trung tâm QH&ĐTTNNQG, trong 6 tầng chứa nước (TCN) cần bảo vệ, thì có 5 TCN tồn tại khu vực có khả năng tự bảo vệ thấp phân bố gồm nhiều vùng với diện tích khác nhau như: vùng khả năng tự bảo vệ thấp của tầng qp3 có diện tích là 156,4 km2 (chiếm 12,8% tổng diện tích phân bố TCN); tầng qp2-3 là 324,7km2 (chiếm 23,2% tổng diện tích phân bố TCN); tầng qp1 là 511,6km2 (chiếm 37,1% tổng diện tích phân bố TCN); tầng n22 là 378,4km2 (chiếm 27,1% tổng diện tích phân bố TCN); tầng n21 là 557,2km2 (chiếm 50,0% tổng diện tích phân bố TCN).
Tổng lượng khai thác nước dưới đất toàn thành phố là 577.076m3/ngày với 342.657 công trình khai thác. Trong đó, loại hình khai thác nước tập trung khoảng 147.777m3/ngày với 131 công trình; khai thác đơn lẻ khoảng 144.698m3/ngày với 1.401 công trình và khai thác nông thôn khoảng 284.601m3/ngày với 341.125 công trình. Kết quả điều tra và đánh giá cho thấy trong 7 tầng chứa nước chỉ có 2 TCN xảy ra tình trạng cạn kiệt nước dưới đất là tầng chứa nước qp3 và tầng chứa nước qp2-3, các tầng chứa nước còn lại chưa có hiện tượng cạn kiệt nước dưới đất. Trong tầng qp3, vùng có nguy cơ cạn kiệt và vùng cạn kiệt nước dưới đất phân bố ở phía đông bắc huyện Củ Chi, thuộc các xã Phú Mỹ Hưng, An Nhơn Tây, Phạm Văn Cội và Nhuận Đức. Trong tầng qp2-3, vùng có nguy cơ cạn kiệt và vùng cạn kiệt nước dưới đất phân bố ở phía đông bắc huyện Củ Chi (các xã An Nhơn Tây, Phạm Văn Cội, Trung An, Phú Hòa Đông) và khu vực giáp ranh giữa các quận 12, Gò Vấp, Tân Bình.
Kết quả điều tra và đánh giá cho thấy, trên phạm vi đô thị có 379 nghĩa trang trong đó 6 nghĩa trang có diện tích lớn hơn 10ha, loại hình an táng hỗn hợp là chủ yếu; có 225 bãi rác, bãi chôn lấp, trong đó có 6 bãi rác có diện tích lớn hơn 1ha, có 213 được xây dựng kiên cố và có sử dụng lớp lót nền còn lại là bãi rác có nền tự nhiên; có 553 nguồn xả nước thải chưa qua xử lý với lưu lượng xả thải 8620m3/ngày. Với sự phân bố, quy mô và tính chất của các nguồn thải nêu trên, căn cứ vào khả năng tự bảo vệ của các tầng chứa nước đã xác định 28 vùng nguy cơ ô nhiễm cao đến nước dưới đất với diện tích 272km2; 10 vùng có nguy cơ ô nhiễm trung bình với diện tích 545km2 và 9 vùng có nguy cơ ô nhiễm thấp với diện tích 597km2.
Tầng qh bị nhiễm mặn với diện tích nước là 188,5km2; tầng qp3 bị nhiễm mặn với diện tích 491,4km2. Tầng qp2-3 bị nhiễm mặn với diện tích 517,3km2. Tầng qp1 bị nhiễm mặn với diện tích 490,6km2. Tầng n22 bị nhiễm mặn với diện tích 256,7km2. Tầng n21 bị nhiễm mặn với diện tích 108,7km2.
Theo kết quả điều tra khảo sát cho thấy trong khu vực TP. Hồ Chí Minh có nhiều khu vực sụt lún nền đất. Tuy nhiên hầu hết là sụt lún do tải trọng công trình và nền đất yếu. Quá trình điều tra thực địa chỉ xác định được sơ bộ trong khuôn viên Công ty Cổ phần đầu tư Tân Tạo tại khu công nghiệp Tân Tạo thuộc phường Tân Tạo A, quận Bình Tân có hiện tượng sụt lún nền đất (phần sân của công ty) nguyên nhân có thể là do khai thác nước. Kết quả phân vùng mức độ sụt lún nền đất theo phương trình Lohman (1961) cho thấy các khu vực tập trung nhiều giếng khoan khai thác quy mô lớn (KCN Tân Bình, Quận 12, Gò Vấp) có mức độ sụt lún cao hơn những khu vực khác.
Trên cơ sở điều tra, đánh giá trên đây, Đề án đã đề xuất cho đô thị TP.HCM giải pháp Quy hoạch vùng bảo vệ miền cấp, đới bảo vệ công trình khai thác nước dưới đất), Quy hoạch vùng hạn chế khai thác nước dưới đất, Quy hoạch khai thác sử dụng tài nguyên nước dưới đất, Quy hoạch xây dựng, hoàn chỉnh mạng quan trắc, giám sát tài nguyên nước dưới đất và Bổ sung nhân tạo cho nước dưới đất.
Theo đó, đối với vùng bảo vệ miền cấp cho nước dưới đất: Vùng lộ của tầng chứa nước cần bảo vệ với diện tích 316km2 chủ yếu tại các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Quận 9, quận Thủ Đức và một số khu vực khác. Không có khu vực tầng chứa nước có mức độ tự bảo vệ kém cần bảo vệ. Đối với các đới bảo vệ công trình khai thác nước dưới đất: Đề án đã tính toán xác định phạm vi từng đới bảo vệ công trình đối với toàn bộ các công trình khai thác nước dưới đất có lưu lượng trên 1.000m3/ngày đêm của các nhà máy nước, trạm cấp nước lớn. Theo đó trên phạm vi đô thị có 7 nhà máy nước, trạm cấp nước lớn với tổng số 89 công trình đã được tính toán, xác định phạm vi từng đới bảo vệ công trình.
Trên phạm vi đô thị có 50 vùng hạn chế khai thác nước dưới đất chủ yếu tại một số khu vực thuộc huyện Bình Chánh và phía Nam thành phố thuộc huyện Bình Chánh và các quận, huyện Nhà Bè, quận 7, quận 2, quận 9…; tầng chứa nước hạn chế khai thác là qh; qp3; qp2-3; qp1; n22; n21 và n13.
Việc khai thác, sử dụng nước dưới đất được khuyến cáo đến năm 2020: khai thác như hiện trạng là 577.077m3/ngày. Đến năm 2025: Tổng lượng khai thác nước dưới đất là 440.000m3/ngày. Trong đó tầng chứa nước qp3 sẽ dừng khai thác trên toàn thành phố; tầng chứa nước qp2-3 sẽ giảm khoảng 76.338m3/ngày đối với các công trình khai thác đơn lẻ, hộ gia đình tài khu vực phía Đông Bắc ở Quận 12, huyện Củ Chi, Hóc Môn là khu vực có mực nước vượt mực nước giới hạn cho phép trong tầng này; tầng qp1 sẽ tăng lượng khai thác khoảng 16.000m3/ngày và tầng n22 sẽ tăng khoảng 4.000m3/ngày tại nhà máy nước Hóc Môn. Các tầng chứa nước còn lại giữ nguyên lưu lượng khai thác như hiện tại trong kỳ quy hoạch. Đến năm 2030: Khai thác như giai đoạn đến năm 2025 là 440.000m3/ngày.
Trên phạm vi toàn đô thị hiện nay có 23 công trình quan trắc thuộc mạng quan trắc quốc gia; 26 công trình thuộc mạng quan trắc địa phương và Đề án đã thi công 19 công trình đưa vào quan trắc. Theo quy hoạch mạng lưới quan trắc tài nguyên môi trường quốc gia, đô thị được bổ sung thêm 14 công trình và địa phương đã phê duyệt 48 công trình. Toàn bộ các công trình được phê duyệt, quy hoạch đến nay chưa được đầu tư xây dựng. Ngoài ra, để hoàn chỉnh mạng quan trắc tài nguyên nước dưới đất đô thị, Đề án đã thiết kế bổ sung 54 công trình quan trắc. Như vậy, mạng lưới quan trắc tài nguyên nước dưới đất đô thị TP Hồ Chí Minh hoàn chỉnh bao gồm 68 công trình đã có và cần xây dựng bổ sung thêm 116 công trình quan trắc nước dưới đất.
Việc bổ sung nhân tạo cho nước dưới đất là hết sức cần thiết và dự kiến thực hiện tại khu vực Sân bay Tân Sơn Nhất. Kết quả tính toán cho thấy mô hình này có thể bổ cập lớn nhất là 653.766m3/năm, để thực hiện được điều này cần bố trí 7 lỗ khoan hấp thu nước tại công trình bổ sung nhân tạo này.