Bảo vệ nguồn nước trước những thách thức biến đổi khí hậu ở Hà Tĩnh – Bài 3: Hãy cảnh giác trước nguy cơ “đói nghèo vì nước”

26/03/2019 10:34

(TN&MT) - Những diễn biến bất thường của thời tiết, khí hậu đang đặt ra những thách thức to lớn về tài nguyên nước. Tại Hà Tĩnh, xu hướng biến đổi lượng mưa, nhiệt độ, không khí cho thấy tình hình thời tiết cực đoan ngày càng gia tăng tính khốc liệt. Trước vấn đề này, ông Phạm Hữu Tình - Chi cục trưởng Chi cục Biển, Hải đảo và Tài nguyên nước thuộc Sở TN&MT Hà Tĩnh có những chia sẻ. 

Biến đổi khí hậu – hồi chuông cảnh báo về tài nguyên nước

Biến đổi khí hậu đang là mối đe dọa lớn đối với cuộc sống con người, tàn phá các nguồn tài nguyên, trong đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn tài nguyên nước. Tại Hà Tĩnh, trong hai thập kỷ qua, thời tiết có nhiều thay đổi với xu hướng nóng dần lên, xuất hiện nhiều đợt nắng nóng kéo dài, mưa lớn và bất thường, gây lũ lụt, hạn hán và xâm nhập mặn ở nhiều nơi.
 

Ông Phạm Hữu Tình- Chi cục trưởng Chi cục Biển, Hải đảo và Tài nguyên nước thuộc Sở TN&MT Hà Tĩnh
Ông Phạm Hữu Tình- Chi cục trưởng Chi cục Biển, Hải đảo và Tài nguyên nước thuộc Sở TN&MT Hà Tĩnh 

Báo cáo của Chi cục Biển, Hải đảo và Tài nguyên nước thuộc Sở TN&MT Hà Tĩnh cho thấy xu hướng biến đổi nhiệt độ không khí tại Hà Tĩnh những năm gần đây có chiều hướng diễn biến phức tạp, thể hiện rõ qua từng giai đoạn: Nhiệt độ trung bình tăng theo thập kỷ từ 0,1 – 0,2 độ C, nhiệt độ trung bình thập kỷ 2000 – 2009 so với 10 - 30 năm trước tăng phổ biến từ 0,3 – 0,6 độ C. Mùa đông đang có xu hướng ấm dần lên, nhiệt độ trung bình mùa đông thập kỷ 2000-2009 so với 30 - 50 năm trước tăng phổ biến từ 0,6 – 1,2 độ C, riêng vùng Hương Khê tăng từ 0,7 – 1,4 độ C.

Tình trạng nắng nóng tại Hà Tĩnh trong vòng 20 năm trở lại đây đang có chiều hướng gia tăng. Nắng nóng gay gắt kéo dài,  nhiệt độ tối cao tuyệt đối phổ biến từ 36 – 40 độ C, có thời điểm vượt ngưỡng 40 độ C. Trong khi đó, lượng mưa lại có xu hướng giảm rõ rệt, mưa có sự biến động lớn cả không gian và thời gian xuất hiện cũng như cường độ, hiện tượng mưa dầm trong vài thập kỷ gần đây ít khi xuất hiện hơn, mùa mưa thường xuất hiện muộn và kết thúc sớm.
 

Công trình hồ chứa nước Kẻ Gỗ (Hà Tĩnh) cung cấp nước tưới, điều tiết lũ, chống xói mòn, ngập úng cho vùng hạ du
Công trình hồ chứa nước Kẻ Gỗ (Hà Tĩnh) cung cấp nước tưới, điều tiết lũ, chống xói mòn, ngập úng cho vùng hạ du

Cùng với đó, Hà Tĩnh là nơi phải hứng chịu ảnh hưởng của nhiều loại hình thiên tai. Các hiện tượng như bão, lũ, lũ quét, dông sét, lở đất, hạn hán xuất hiện với tần suất và cường độ ngày một lớn.

Trong khi nhu cầu nước gia tăng thì nguồn nước đang tiếp tục bị suy giảm. Mực nước các sông suối ở Hà Tĩnh đang xuống thấp trong mùa kiệt. Trên Sông La tại Linh Cảm mực nước thấp nhất là – 143cm (27/6/2010) - thấp nhất trong chuỗi quan trắc từ trước tới nay. 

Điều này cho thấy Hà Tĩnh đã và đang phải đối mặt với những diễn biến bất thường của thời tiết, đứng trước những thách thức to lớn về tài nguyên nước. Chế độ mưa thay đổi gây lũ nghiêm trọng vào mùa mưa và hạn hán vào mùa khô; làm gia tăng xâm nhập mặn, thiếu nước tưới nông nghiệp. Biến đổi khí hậu cũng làm gia tăng về cường độ và tần suất các cơn bão, giông tố gây lũ lớn và ngập lụt, lũ quét, trượt lỡ đất và xói mòn; làm gia tăng thiếu hụt nước, tăng nhu cầu dùng nước, đòi hỏi đáp ứng cấp nước và mẫu thuẫn trong sử dụng nước hiện nay.

Chủ động bảo vệ nguồn nước, thích ứng với biến đổi khí hậu

Hà Tĩnh là tỉnh có nguồn tài nguyên nước dồi dào. Lượng mưa trung bình hàng năm khá cao, cùng với nguồn nước từ trên 30 con sông lớn, nhỏ với trữ lượng nước khoảng 11 - 13 tỷ m3/năm. Tuy nhiên, nguồn nước mặt phân bố không đều giữa các tháng trong năm khiến Hà Tĩnh rơi vào cảnh thừa nước về mùa mưa và thiếu nước trong những tháng gió Tây Nam hoạt động mạnh.
 

Mở lớp tập huấn nâng cao năng lực lồng ghép thích ứng với BĐKH cho cán bộ, công chức do Sở TN&MT Hà Tĩnh tổ chức
Mở lớp tập huấn nâng cao năng lực lồng ghép thích ứng với BĐKH cho cán bộ, công chức do Sở TN&MT Hà Tĩnh tổ chức

Hạn hán và nắng nóng cũng khiến tình trạng xâm nhập mặn vào sâu trong nội địa. Tại cống Trung Lương (thị xã Hồng Lĩnh), nơi cung cấp nguồn nước cho hệ thống thủy lợi sông Nghèn đã bị nhiễm mặn nghiêm trọng ở mức 0,36%. Mùa hè, hạn hán xảy ra ở nhiều nơi như các huyện Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang.

Đặc biệt, tác động của BĐKH khiến nguồn nước ngầm bị suy giảm nghiêm trọng. Những biến đổi về dòng chảy kéo theo sự gia tăng độ mặn trên các sông Cửa Hội, Cửa Sót, Cửa Nhượng, Cửa Khẩu đang đặt ra những thách thức lớn về tài nguyên nước.
 

Hà Tĩnh là tỉnh có nguồn tài nguyên nước dồi dào nhưng người dân nhiều vùng vẫn “đói nghèo” nước sạch, dùng nước ao hồ sinh hoạt
Hà Tĩnh là tỉnh có nguồn tài nguyên nước dồi dào nhưng người dân nhiều vùng vẫn “đói nghèo” nước sạch, dùng nước ao hồ sinh hoạt

Bảo tồn tài nguyên nước, ngăn chặn suy giảm tài nguyên nước, suy thoái chất lượng nước, chủ động với mọi biến động của thời tiết khí hậu là việc làm cấp bách và cần thiết nhất hiện nay. Ông Phạm Hữu Tình- Chi cục trưởng Chi cục Biển, Hải đảo và Tài nguyên nước thuộc Sở TN&MT Hà Tĩnh nhận định, muốn bảo vệ nguồn nước trước vấn đề biến đổi khí hậu, cần siết chặt hơn nữa trong công tác quản lý “xây dựng, quản lý, khai thác mạng quan trắc, giám sát diễn biến về số lượng, chất l­ượng nguồn tài nguyên nước, kết hợp với mạng quan trắc tài nguyên môi trường của Trung ương, ưu tiên thực hiện tr­ước đối với các khu vực có nguy cơ ô nhiễm cao, các khu vực khai thác tập trung như khu vực ven biển Vũng Áng. Thực hiện việc ra thông báo tình hình diễn biến chất l­ượng nước liên tục hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng, hàng năm tùy mức độ nghiêm trọng khi có sự cố môi trường xảy ra”.

Bên cạnh đó, cần rà soát và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh. Trong đó, tập trung vào cơ chế, chính sách trong việc khai thác, sử dụng nư­ớc bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, bền vững dự trữ lâu dài, ­ưu tiên sử dụng tài nguyên nước để cấp cho sinh hoạt và các lĩnh vực sản xuất quan trọng gắn với bảo vệ môi trường.

Đặc biệt, cần tuyên truyền nâng cao nhận thức, hiểu biết về tầm quan trọng của tài nguyên nước, ý thức về bảo vệ, khai thác, sử dụng nguồn nước trong công đồng; Thông qua công tác quản lý nhà nước như kiểm tra, hướng dẫn hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước để nâng cao nhận thức, ý thức của công đồng và doanh  nghiệp trong việc khai thác, sử dụng và bảo về nguồn nước.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo vệ nguồn nước trước những thách thức biến đổi khí hậu ở Hà Tĩnh – Bài 3: Hãy cảnh giác trước nguy cơ “đói nghèo vì nước”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO