Bảo vệ môi trường Hà Nội - nhìn từ đại dịch Covid-19: Quyết liệt quản lý chất thải

Việt Hùng - Tuyết Chinh (thực hiện)| 16/04/2020 09:34

(TN&MT) - Để hạn chế mức thấp nhất sự lây lan của dịch bệnh Covid-19, TP. Hà Nội đang thực hiện tốt quản lý chất thải, đảm bảo vệ sinh môi trường, đặc biệt là chất thải y tế. Báo Tài nguyên và Môi trường có cuộc phỏng vấn với ông Mai Trọng Thái - Chi Cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN&MT TP. Hà Nội) xung quanh vấn đề này.

PV: Khi dịch Covid-19 xuất hiện và bùng phát thành đại dịch, TP. Hà Nội đã có hướng dẫn cụ thể thế nào về quản lý chất thải, đặc biệt là chất thải phát sinh tại các khu cách ly nhằm hạn chế thấp nhất sự lây lan của dịch bệnh, thưa ông?

Ông Mai Trọng Thái:

Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, trên cơ sở hướng dẫn Bộ Y tế, Sở TN&MT TP. Hà Nội đã có Văn bản hướng dẫn rất cụ thể gửi UBND các quận, huyện, thị xã cũng như các đơn vị thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải nguy hại trên địa bàn thành phố về việc thực hiện các biện pháp quản lý chất thải phát sinh tại khu cách ly tập trung, cách ly tại nhà, nơi lưu trú.

Ông Mai Trọng Thái - Chi Cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN&MT TP. Hà Nội)

Trong đó, công tác phân loại, lưu giữ đảm bảo an toàn, hạn chế sự phát tán nguồn lây nhiễm virus; đặc biệt là đối với cách ly y tế tại cơ sở cách ly tập trung, người được cách ly thu gom riêng khẩu trang, khăn, giấy ăn đã qua sử dụng vào túi đựng chất thải lây nhiễm và buộc kín miệng, tiếp tục bỏ vào túi đựng chất thải lây nhiễm thứ 2 buộc kín miệng núi, thu gom vào thùng đựng chất thải lây nhiễm. 

Lưu ý, thùng đựng chất thải lây nhiễm phải có màu sắc và biểu tượng cảnh báo chất thải có chứa chất gây bệnh, có thành cứng, có nắp đậy kín, có lắp bánh xe và được vận chuyển về nơi lưu giữ tạm thời trong cơ sở ít nhất 2 lần/ngày. Khu vực lưu giữ tạm thời chất thải lây nhiễm tại khu cách ly tập trung phải đáp ứng yêu cầu kỹ thuật theo quy định của Thông tư liên tịch số 58 ngày 31/12/2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế và Bộ trưởng Bộ TN&MT.

Đối với trường hợp cách ly y tế tại nhà, nơi lưu trú, Sở hướng dẫn người được cách ly phải thực hiện thu gom riêng khẩu trang, khăn, giấy mau mũi, miệng đã qua sử dụng vào túi đựng chất thải lây nhiễm để gọn vào góc phòng của người được cách ly, đến giờ mang ra chuyển giao cho đơn vị thu gom, vận chuyển theo hướng dẫn của địa phương. Còn rác thải sinh hoạt khác thu gom vào các thùng đựng rác thải thông thường.

Các chất thải lây nhiễm phải được vận chuyển đi xử lý trong ngày. Quá trình vận chuyển chất thải lây nhiễm phải đảm bảo an toàn về phương tiện kín khít, được khử khuẩn triệt để trong quá trình vận chuyển; lái xe, người làm nhiệm vụ thu gom phải được trang bị phòng hộ đầy đủ trong quá trình thu gom, vận chuyển (đeo khẩu trang y tế, rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn...).

Chất thải lây nhiễm sau khi thu gom, vận chuyển về khu xử lý theo phương pháp thiêu hủy hoặc hấp... đã được Bộ TN&M cấp phép để xử lý triệt để chất thải lây nhiễm, hạn chế diện tích phải chôn lấp. Hiện nay, trên địa bàn TP. Hà Nội, có 2 đơn vị đã được Bộ TN&MT cấp phép xử lý chất thải lây nhiễm với mã CTNH:1301 là Công ty Cổ phần Môi trường đô thị và Công nghiệp 10 (Urenco 10) và Công ty Cổ phần Môi trường đô thị và Công nghiệp 13 (Urenco 13).

PV: Thực tế vẫn phổ biến tình trạng người dân vứt bỏ khẩu trang bừa bãi, không đúng nơi quy định. Sở TN&MT Hà Nội đã có giải pháp gì với vấn đề này, thưa ông?

Ông Mai Trọng Thái:

Để hạn chế lây lan dịch bệnh, Tổ chức Y tế thế giới và Bộ Y tế Việt Nam đã có những khuyến cáo người dân áp dụng các biện pháp phòng ngừa, trong đó, có việc sử dụng và thải bỏ khẩu trang sau khi sử dụng đúng nơi quy định. Tuy vậy, hiện nay, vẫn có tình trạng người dân vứt bỏ khẩu trang bừa bãi, không đúng nơi quy định, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và lây lan dịch bệnh.

Do vậy, ngay từ cuối tháng 2/2020, Sở TN&MT TP. Hà Nội đã có Văn bản gửi UBND các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố đề nghị triển khai các biện pháp nhằm thực hiện nghiêm việc thải bỏ khẩu trang đúng nơi quy định trong tình hình dịch Covid-19.

Cụ thể, Sở TN&MT TP. Hà Nội đề nghị các địa phương tăng cường truyền thông, hướng dẫn người dân sử dụng và thải bỏ khẩu trang đúng quy định. Đặc biệt, với khu vực theo dõi, cách ly, chăm sóc, điều trị người nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm Covid-19, người sử dụng khẩu trang phải thải bỏ vào thùng đựng chất thải y tế lây nhiễm có nắp đậy kín trước khi ra khỏi khu vực này.

Thủ đô Hà Nội đang gồng mình chiến đấu chống đại dịch Covid-19. Ảnh: Hoàng Minh

Sở TN&MT yêu cầu chính quyền địa phương chỉ đạo các cơ sở y tế, các tổ chức, cá nhân, khu dân cư có người đang thuộc diện theo dõi, cách ly tại địa phương bố trí đầy đủ thùng đựng chất thải y tế lây nhiễm, có lót túi, có màu sắc, biểu tượng cảnh báo chất thải có chứa chất gây bệnh và đóng gói, chuyển giao cho đơn vị có đầy đủ chức năng được Bộ TN&MT cấp phép xử lý chất thải nguy hại.

Còn với những khu vực khác, thải bỏ khẩu trang sau khi đã sử dụng vào thùng đựng chất thải thông thường có nắp đậy kín theo quy định. Các địa phương cũng chỉ đạo đơn vị duy trì vệ sinh môi trường trên địa bàn, bố trí đầy đủ thùng đựng chất thải có nắp đậy kín tại nơi công  cộng và thường xuyên thu gom, vệ sinh sạch sẽ, đảm bảo môi trường, tránh lây lan dịch bệnh.

Bên cạnh đó, tăng cường việc kiểm tra, xử phạt đối với các hành vi vứt, thải bỏ khẩu trang không đúng nơi quy định theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

PV: Thưa ông, để hạn chế sự lây lan dịch bệnh Covid-19, TP. Hà Nội đã có những biện pháp đảm bảo vệ sinh môi trường tại các cơ sở y tế đặc biệt quan trọng như thế nào?

Ông Mai Trọng Thái:

Để đảm bảo môi trường tại các cơ sở y tế, ngày 3/2/2020, Sở TN&MT TP. Hà Nội đã có Văn bản đề nghị, hướng dẫn cụ thể các địa phương cũng như đơn vị thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải y tế.

Theo đó, Sở TN&MT đề nghị các quận, huyện, thị xã tuyên truyền, đôn đốc và theo dõi và giám sát các cơ sở y tế trên địa bàn thực hiện tốt công tác phân loại, lưu giữ và vận chuyển, xử lý chất thải y tế phát sinh tại cơ sở; nhất là đối với chất thải y tế nguy hại lây nhiễm (chất thải phát sinh trong khu vực cách ly, bệnh phẩm xét nghiệm của người bệnh nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm Covid-19).

Đặc biệt, chính quyền địa phương phải tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm hoặc báo cáo cơ quan có thẩm quyền xử lý các cơ sở y tế để lẫn chất thải y tế (nhất là chất thải y tế lây nhiễm) vào chất thải rắn sinh hoạt.

PV: Ngành TN&MT đã phối hợp với ngành Y tế TP. Hà Nội như thế nào để tăng cường phòng, chống dịch bệnh, thưa ông?

Ông Mai Trọng Thái:

 Ngay sau khi nhận được Văn bản của Bộ Y tế về việc tăng cường quản lý chất thải trong phòng, chống dịch Covid-19, UBND TP. Hà Nội đã giao Sở TN&MT phối hợp với Sở Y tế trong việc hướng dẫn công tác đảm bảo môi trường phòng chống dịch bệnh; trực tiếp chỉ đạo việc thu gom, phân loại, vận chuyển và xử lý đối với các loại chất thải có nguy cơ lây nhiễm trong vùng dịch phát sinh.

Mới đây, ngày 8/4/2020, Sở TN&MT có Văn bản gửi Sở Y tế góp ý dự bảo Văn bản chỉ đạo của UBND TP. Hà Nội về việc tăng cường quản lý chất thải trong phòng, chống dịch Covid-19. Trong đó, ngành TN&MT sẽ phối hợp với ngành Y tế thành phố trong việc hướng dẫn công tác đảm bảo vệ sinh môi trường phòng chống dịch; tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở y tế, cơ sở cách ly y tế thuộc thẩm quyền trong việc thực hiện quản lý, xử lý chất thải.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo vệ môi trường Hà Nội - nhìn từ đại dịch Covid-19: Quyết liệt quản lý chất thải
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO