Bảo vệ hệ sinh thái cỏ biển miền Trung để phát triển bền vững tài nguyên biển

Ngọc Hà| 26/04/2022 23:25

Cỏ biển là một trong những hệ sinh thái quan trọng của vùng đất ngập nước ven biển. Ở Việt Nam, cỏ biển phân bố nhiều tại khu vực miền Trung và đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ môi trường, góp phần phát triển sinh kế cho người dân ven biển. Trước những thách thức về tự nhiên - xã hội lên hệ sinh thái này, Báo TN&MT đã có cuộc trao đổi với PGS. TS. Hoàng Công Tín – Trưởng Khoa Môi trường, Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế, người đã có hơn 15 năm nghiên cứu về hệ sinh thái cỏ biển.

PV: Thưa ông, theo các kết quả nghiên cứu về hệ sinh thái cỏ biển, ông có thể phác thảo bức tranh chung về tình hình cỏ biển miền Trung hiện nay?

PGS. TS. Hoàng Công Tín: Miền Trung là khu vực có tài nguyên vùng ven biển phong phú và đa dạng, đặc biệt là thảm cỏ biển. Một số nơi mang tính chất đại diện cho hệ sinh thái này ở miền Trung có thể kể đến như đầm Lăng Cô (Thừa Thiên Huế), khu vực ven biển Cửa Đại (Quảng Nam), khu bảo tồn biển Lý Sơn (Quảng Ngãi) và vịnh Vân Phong (Khánh Hòa).

145100870_958831924862194_1967989375502881621_nk.jpg
PGS. TS. Hoàng Công Tín (ngoài cùng bên trái) cùng nhóm nghiên cứu trong một chuyến thực địa ở khu vực biển miền Trung.

Từ các kết quả khảo sát của nhóm nghiên cứu Khoa Môi trường, Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế cho biết, ven biển miền Trung có 8 trong tổng số 15 loài cỏ biển đã xác định ở Việt Nam (chiếm 53,3% tổng số loài). Thậm chí có nơi còn xuất hiện những loài được Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) xếp vào danh mục đỏ - có nguy cơ tuyệt chủng toàn cầu, chẳng hạn như loài Halophila beccarii (cỏ Nàn Nàn) ở vùng Cửa Đại.

PV: Việt Nam là quốc gia có diện tích biển lớn, vậy vì sao hệ sinh thái này lại phát triển mạnh ở miền Trung so với những khu vực khác, thưa ông?

PGS. TS. Hoàng Công Tín: Hệ thực vật này không chỉ phân bố ở miền Trung mà còn ở nhiều vùng biển trên khắp nước ta. Tuy nhiên ở khu vực miền Trung có những điều kiện thuận lợi để cho các loài cỏ biển phát triển. Hệ thống đầm phá, vũng vịnh ven biển và ít chịu tác động bồi lắng của sông ngòi là cơ sở quan trọng cho việc phát triển hệ sinh thái này.

PV: Vậy cỏ biển có vai trò như thế nào trong tương quan với những hệ thực vật đất liền khác, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng "0"?

PGS. TS. Hoàng Công Tín: Hệ sinh thái cỏ biển với số lượng loài không nhiều nhưng đóng vai trò quan trọng đối với hệ sinh thái biển. Các thảm cỏ này có mối quan hệ chặt chẽ với nguồn lợi hải sản và các loài động vật khác. Chúng cung cấp môi trường sống cho một số loài cá và là nơi ươm nuôi cho sự phát triển của cá con. Các chuyên gia đã công nhận vùng cỏ biển chứa nhiều sinh vật biển hơn 40 lần so với những vùng không có hệ sinh thái này. Thảm cỏ biển còn có khả năng chống xói lở, bảo vệ đường bờ nhờ hệ rễ bám chặt vào nền đáy có tác dụng làm giảm năng lượng của sóng, dòng chảy.

thu-mau-rong-tai-kbt-bien-ly-son_photo-by-nhom-nghien-cuu-2-(1).jpg
Tiến hành lấy mẫu một loài cỏ biển.

Đặc biệt, theo nghiên cứu mỗi héc-ta cỏ biển có khả năng lưu giữ lượng CO2 cao gấp đôi so với mỗi héc-ta rừng mưa nhiệt đới. Khả năng loại bỏ khí này khỏi khí quyển khiến chúng trở thành một trong những hệ sinh thái quan trọng trong việc giảm thiểu biến đổi khí hậu. Tại COP 26 vừa rồi Việt Nam vừa đặt mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Với vai trò lưu trữ CO2 hiệu quả của mình, tin rằng hệ sinh thái này sẽ chiếm một ví trí quan trọng trong chiến lược đó.

PV: Các kết quả nghiên cứu cho thấy diện tích hệ sinh thái này đang bị thu hẹp, ông nghĩ sao về thực trạng này?

PGS. TS. Hoàng Công Tín: Một thực tế cho thấy, trong giai đoạn phát triển kinh tế như hiện nay, diện tích phân bố và số lượng loài cỏ biển ở tất cả các khu vực miền Trung đều đang giảm dần theo thời gian, thậm chí có khu vực suy giảm 80% số lượng loài. Chẳng hạn như thảm cỏ biển tại đảo Lý Sơn, vào năm 2010 các nhà khoa học đã khảo sát và cho kết quả vào khoảng 478,2 ha, nhưng diện tích này giảm còn 332,1 ha khi nhóm nghiên cứu chúng tôi đến khảo sát vào năm 2020. Bên cạnh đó, một số đặc điểm sinh thái như độ che phủ, mật độ chồi của các loài cỏ biển tại đảo Lý Sơn cũng thấp hơn so với hiện trạng năm 2011. Một trong những nguyên nhân là người dân khai thác cát, phá hủy môi trường sống của thảm thực vật này. Ngoài ra, diện tích phân bố các thảm cỏ biển tại Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, vùng ven biển Cửa Đại, vịnh Cam Ranh,.. cũng có xu hướng suy giảm.

PV: Thưa ông, nếu thực trạng đáng báo động trên kéo dài sẽ dẫn đến những hệ quả nào đối với tài nguyên và môi trường?

PGS. TS. Hoàng Công Tín: Việc mất đi các thảm cỏ biển sẽ tiếp tục làm giảm sự hỗ trợ mà chúng cung cấp cho các hệ sinh thái khác như các rạn san hô liền kề, làm giảm đa dạng sinh học. Sự suy giảm cỏ biển cũng ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy hải sản, nơi cư trú và sinh sản của các loài sinh vật biển trong các thảm cỏ, từ đó làm giảm sản lượng thủy hải sản. Một trong những hệ quả khác là làm giảm khả năng lưu trữ CO2, gây ảnh hưởng đến chu trình hấp thu carbon và chu trình dinh dưỡng ở đại dương. Nếu tốc độ suy thoái cỏ biển hiện nay được duy trì hoặc tiếp tục tăng nhanh, thì tổn thất sinh thái cũng sẽ tăng lên, gây ra những thiệt hại lớn hơn về kinh tế tại miền Trung.

thu-mau-rong-tai-kbt-bien-phu-quoc_photo-by-n-huu-binh-min.jpg
Các thảm cỏ biển có sự liên kết chặt chẽ với những hệ sinh thái khác như rạn san hô liền kề.

PV: Trong 15 năm dày công nghiên cứu của mình, ông có chia sẻ gì về giải pháp để bảo vệ hệ sinh thái cỏ biển?

PGS. TS. Hoàng Công Tín: Trong điều kiện hiện nay của miền Trung, cần ưu tiên nhiệm vụ bảo tồn thảm cỏ biển, có nghĩa là thảm thực vật này không bị tác động tiêu cực từ các hoạt động khai thác hoặc phát triển kinh tế, từ đó có thể phục hồi theo cách tự nhiên. Bên cạnh đó, các nhóm nghiên cứu cần quan trắc định kỳ về hiện trạng, số loài, độ bao phủ, mật độ chồi tại mỗi khu vực nhằm phát hiện sớm sự thay đổi đặc điểm cỏ biển, từ đó có thể nghiên cứu và cập nhập nhanh các giải pháp bảo tồn cỏ biển.

Việc điều tra và lập bản đồ phân bố thảm thực vật này ở nước ta là một điều rất cần thiết. Để tiến hành công việc đó đòi hỏi các nhóm nghiên cứu phải khảo sát thực tế cũng như sử dụng công nghệ hệ thống thông tin địa lý (GIS) và ảnh viễn thám để cung cấp những thông tin chi tiết, đầy đủ. Đó là một trong những cơ sở quan trọng để xây dựng phương án bảo tồn hệ sinh thái này.

thu-mau-vung-an-hoa-quang-nam_photo-by-n-huu-binh.jpg
PGS. TS. Hoàng Công Tín (bên phải) đang xây dựng bản đồ phân bố cỏ biển trong một chuyến đi khảo sát.

Năm 2021 là năm khởi động của “Thập kỷ về phục hồi Hệ sinh thái” do Liên hợp quốc kêu gọi nhằm bảo vệ và hồi sinh các hệ sinh thái trên toàn thế giới, vì lợi ích của con người và thiên nhiên. Do đó, cần đẩy mạnh các nghiên cứu về giá trị của các hệ sinh thái cỏ biển, hạn chế sự suy thoái các hệ sinh thái biển hướng tới phát triển bền vững và giải quyết các vấn đề tồn tại trong quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường biển.

PV: Trân trọng cảm ơn  ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo vệ hệ sinh thái cỏ biển miền Trung để phát triển bền vững tài nguyên biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO