Bảo vệ được quyền tác giả sẽ thúc đẩy sự sáng tạo và tạo động lực cho nhà báo
(TN&MT) - Sáng nay 13/9 tại Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Truyền thông số Việt Nam và Báo Đại biểu Nhân dân phối hợp tổ chức hội thảo “Bảo vệ bản quyền báo chí trên môi trường số” nhằm tìm ra giải pháp hữu hiệu để bảo vệ bản quyền báo chí, đặc biệt trong môi trường số.
Hiện nay chúng ta đang sống trong kỷ nguyên số với tốc độ truyền tải thông tin mạnh mẽ, đóng góp tích cực vào công cuộc chuyển đổi số báo chí. Tuy nhiên, điều này cũng đồng nghĩa với việc vấn đề về bản quyền báo chí đã, đang và sẽ đối diện với nhiều thách thức mới cần phải giải quyết.
Một trong những thách thức lớn đối với nền báo chí hiện nay chính là tình trạng vi phạm bản quyền báo chí xảy ra ngày càng nhiều với tính chất nghiêm trọng. Điều này ảnh hưởng đến doanh thu, uy tín, thương hiệu của các cơ quan báo chí cũng như công cuộc chuyển đổi số báo chí. Do đó, bảo vệ bản quyền đang là vấn đề cấp bách đối với các cơ quan báo chí và đòi các giải pháp phải được thực hiện tổng thể, đồng bộ để đạt hiệu quả cao nhất.
Trước thực trạng trên, Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Truyền thông số Việt Nam và Báo Đại biểu Nhân dân phối hợp tổ chức hội thảo “Bảo vệ bản quyền báo chí trên môi trường số” nhằm làm rõ thực trạng vi phạm bản quyền tác phẩm báo chí hiện nay; đồng thời thảo luận và tìm giải pháp hữu hiệu để bảo vệ bản quyền báo chí, đặc biệt trong môi trường số. Từ đó nâng cao năng lực bảo vệ và khai thác bản quyền tác phẩm báo chí trong kỷ nguyên số cho các tòa soạn, các nhà báo; đóng góp vào quá trình hoàn thiện hành lang pháp lý về bản quyền.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Trần Trọng Dũng nhấn mạnh: “Bảo vệ được quyền tác giả sẽ thúc đẩy sự sáng tạo và tạo động lực cho nhà báo, cơ quan báo chí đầu tư vào dự án phát triển nội dung, dự án đổi mới sáng tạo báo chí. Bảo vệ bản quyền báo chí là điều kiện tiên quyết để bảo vệ nguồn tài chính của cơ quan báo chí cũng như thực thi hiệu quả các mô hình kinh doanh nội dung số, góp phần giải bài toán về kinh tế báo chí truyền thông hiện nay”
Tổng Biên tập Báo Đại biểu Nhân dân Phạm Thị Thanh Huyền khẳng định, cách mạng 4.0 đã mang đến sự thay đổi lớn lao về công nghệ, thay đổi cả công nghệ làm báo và thay đổi hành vi của độc giả. Trong bối cảnh đó, báo chí không có cách nào khác là phải chuyển đổi số để tồn tại và phát triển. Nhờ chuyển đổi số, nhiều cơ quan báo chí ngày càng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại hơn.
Tại hội thảo, Bà Đỗ Thị Thu Hằng – Trưởng ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng, biểu tượng cao đẹp về đạo đức và văn hoá của nhà báo cũng như cơ quan báo chí là sự trung thực và đáng tin cậy. Nhà báo và toà soạn báo phải đảm bảo rằng thông tin cung cấp là đúng đắn, chính xác. Việc sao chép hoặc tái sử dụng nội dung mà không có sự cho phép hoặc sửa đổi nội dung, đặc biệt là mạo danh để sử dụng với mục tiêu riêng có thể gây hiểu lầm cho độc giả và đánh mất tính tin cậy của người làm báo và cơ quan báo chí.
“Chuẩn mực đạo đức trong ngành báo chí đòi hỏi tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ của người khác. Người làm báo không được phép lấy nội dung của người khác mà không có sự cho phép sao chép hoặc trái với quy định về bản quyền. Như vậy quy định về bản quyền những người làm báo phải nắm rất vững. Trước kia chúng ta chỉ quy định đơn giản về bản quyền. Tuy nhiên hiện nay sự phát triển về công nghiệp số và nền tảng số tạo ra những sự biến đổi rất nhanh và mạnh. Do đó việc quy định bản quyền ở Việt Nam chưa theo kịp sự phát triển của nền báo chí truyền thông số trên toàn thế giới. Mỗi người làm báo cần tìm hiểu những kiến thức về bản quyền để tránh việc chúng ta vô thức vi phạm” – Trưởng ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam chia sẻ.
Các diễn giả trao đổi sâu về các giải pháp giúp bảo vệ bản quyền báo chí trên môi trường số đạt hiệu quả cao nhất; trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của giải pháp công nghệ và đề xuất nhiều kiến nghị nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý về bảo vệ bản quyền.
Trong khuôn khổ hội thảo cũng diễn ra Lễ Ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Hội Nhà báo Việt Nam và Hội Truyền thông số Việt Nam về “Nâng cao năng lực, kiến thức thực thi pháp luật bản quyền, phổ biến kiến thức và đạo đức văn hóa cơ quan báo chí trong thực thi bảo vệ bản quyền tác phẩm báo chí”.