Bảo vệ đa dạng sinh học tại Quảng Nam: Phát triển theo hướng kinh tế xanh
(TN&MT) - Quảng Nam nằm trong 200 vùng sinh thái cần được ưu tiên bảo tồn trên toàn cầu. Hiện nay địa phương đang nỗ lực bảo tồn và phục hồi các hệ sinh thái, quản lý bảo tồn hiệu quả các loài hoang dã, các nguồn gen quý hiếm. Đây là vốn quý để địa phương có thể phát triển đúng hướng kinh tế xanh trong dòng chảy chung của thế giới.
Để hiểu rõ hơn về kế hoạch, quản lý bảo tồn đa dạng sinh học (ĐDSH) hướng đến tăng trưởng xanh, Báo TN&MT có cuộc trao đổi với ông Lê Trí Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam.
Quảng Nam đang xây
dựng kế hoạch cụ thể để thực hiện Phương án bảo tồn thiên nhiên và ĐDSH trong
Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 -2030, tầm nhìn đến năm 2025; chương trình kế hoạch
triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh
học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó ưu tiên giữ và mở rộng các
khu bảo tồn, không chấp thuận triển khai đầu tư dự án khu dân cư để bảo vệ
ĐDSH, thể hiện quan điểm không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế và
thực hiện tôn chỉ phát triển kinh tế với tư duy kinh tế xanh”Ông Lê Trí Thanh -Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam
PV: Xin ông cho biết, thời gian qua, Quảng Nam đã có những quyết sách gì để bảo tồn và phục hồi ĐDSH, góp phần giảm thiểu biến đổi khí hậu và hướng tới tăng trưởng xanh?
Ông Lê Trí Thanh: Quảng Nam có nhiều hệ sinh thái rừng và biển rất đặc trưng, mang lại nhiều giá trị cảnh quan, là nơi phân bố của các loài thú quý hiếm, đặc hữu. Tuy nhiên, phải thẳng thắn nhìn nhận, ĐDSH của Quảng Nam đang đối mặt với nhiều nguy cơ của biến đổi khí hậu và áp lực phát triển kinh tế, do vậy, công tác phục hồi, bảo tồn ĐDSH trở nên cần thiết và cấp bách.
Quyết tâm ưu tiên bảo tồn và phục hồi ĐDSH trên địa bàn được thể hiện trong nhiều chương trình, chính sách mà tổng quát nhất là Phương án bảo tồn thiên nhiên và ĐDSH trong Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2025. Phương án đã xác định mục tiêu ngăn chặn tốc độ suy thoái của hệ sinh thái và ĐDSH; ĐDSH và các dịch vụ hệ sinh thái từng bước được phục hồi, bảo tồn và sử dụng hiệu quả nhằm góp phần phát triển bền vững kinh tế - xã hội, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.
Sáng kiến đề xuất tổ chức Năm Phục hồi ĐDSH Quốc gia - Quảng Nam 2024 cũng nhằm thể hiện quyết tâm hành động của tỉnh; đồng thời là cơ hội để thúc đẩy mạnh mẽ sự liên kết, chia sẻ trách nhiệm trong công tác bảo tồn ĐDSH, phục hồi sinh thái bằng các hành động cụ thể, thiết thực và phù hợp với thực tế địa phương.
PV: Từ những kế hoạch, mục tiêu của tỉnh, có thể thấy địa phương đã có sự ưu tiên nhất định cho công tác phục hồi ĐDSH. Xin ông cho biết, hoạt động này đã có được những kết quả bước đầu tích cực như thế nào?
Ông Lê Trí Thanh: Quảng Nam là một trong những tỉnh tiên phong trong công tác bảo tồn ĐDSH, địa phương đã sớm ban hành Chiến lược bảo tồn ĐDSH hệ sinh thái rừng phía Tây, phê duyệt Kế hoạch hành động ĐDSH tỉnh... Đặc biệt, địa phương đã tranh thủ được nguồn tài trợ của các tổ chức quốc tế và doanh nghiệp, xúc tiến thành lập Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Voi Nông Sơn (2018); Khu Dự trữ Thiên nhiên Ngọc Linh (2019) và thiết lập Hành lang ĐDSH tỉnh (2018); nâng hạng Khu Bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh lên thành Vườn Quốc gia (2021); Khu bảo tồn thiên nhiên Cù Lao Chàm… góp phần quan trọng trong bảo tồn ĐDSH của địa phương.
Nhờ những nỗ lực bảo vệ môi trường sinh thái của chính quyền và người dân, độ che phủ rừng của tỉnh đã tăng từ 49,42% năm 2013 lên 58,88% năm 2023, riêng diện tích rừng đặc dụng tăng hơn 4.500ha so với giai đoạn 2011 - 2023, đánh giá và cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững với diện tích là 21.577ha. Diện tích Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm được mở rộng, tăng gần gấp 3 lần so với năm 2010. Nhiều khu bảo tồn được quy hoạch mới, mở rộng như Khu bảo tồn Sao La; Khu bảo tồn Chà vá chân xám Tam Mỹ Tây (Núi Thành) và một số khu hệ sinh thái ngập nước...
Quảng Nam cũng là địa phương đầu tiên được Chính phủ đồng ý cho phép lập đề án thí điểm kinh doanh tín chỉ các-bon rừng từ giảm phát thải khí nhà kính thông qua chống mất rừng và suy thoái rừng, quản lý bền vững tài nguyên rừng trong vòng 5 năm (2021 - 2025).
Các dự án cộng đồng tham gia phục hồi tự nhiên và khai thác bền vững cua đá, tôm hùm, bào ngư tại Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm... đã mang lại sinh kế bền vững cho người dân địa phương. Diện tích rừng ngập mặn được trồng phục hồi, bổ sung nguồn lợi thủy sản, đồng thời bổ sung giống để phục hồi quỹ gen tự nhiên trên địa bàn tỉnh.
Tỉnh Quảng Nam sẽ phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức “Năm phục hồi đa dạng sinh học quốc gia - Quảng Nam 2024” với chủ đề “Chung sống hài hòa với thiên nhiên” với 37 sự kiện, hoạt động phong phú, đặc sắc diễn ra xuyên suốt từ tháng 3 đến tháng 11/2024.
PV: Nguồn lợi kinh tế từ các dịch vụ hệ sinh thái đang là động lực phát triển của mỗi địa phương. Thời gian tới, Quảng Nam sẽ có những kế hoạch gì nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế xanh có tính cân đối hài hòa với bảo vệ môi trường vào quy hoạch tỉnh, thưa ông?
Ông Lê Trí Thanh: Nguồn lợi kinh tế từ dịch vụ hệ sinh thái tại tỉnh khá lớn nhờ tỉnh có được diện tích rừng tự nhiên trải rộng. UBND tỉnh đã sớm thành lập Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng vào năm 2012.
Đến cuối năm 2023, số tiền Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng đã thu được là hơn 172.097 tỷ đồng. Việc thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã có tác động tích cực đối với công tác bảo vệ và phát triển rừng, góp phần giảm các vụ vi phạm về quản lý qua từng năm. Các tổ chức, cộng đồng, hộ gia đình, cá nhân cũng chủ động, tích cực tham gia công tác quản lý, bảo vệ diện tích rừng cung ứng dịch vụ môi trường rừng.
Thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục thực hiện đề án thí điểm kinh doanh tín chỉ các-bon rừng; đẩy mạnh thu hút các khối tư nhân đầu tư nghiên cứu xây dựng tín chỉ các-bon rừng đối với các vùng rừng xung yếu; xin phép Thủ tướng cho thí điểm thực hiện; tranh thủ cơ hội có thể bán được tín chỉ các-bon rừng để người dân trong vùng bảo tồn được tiếp tục hưởng lợi ngoài PEPES.
Có thể nói, tỉnh đã và đang đi đúng hướng kinh tế xanh theo xu hướng của thế giới và phù hợp với quan điểm phát triển kinh tế với tư duy kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và có tính cân đối hài hòa giữa bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế trong nội dung Quy hoạch tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
PV: Thưa ông, địa phương sẽ có những kế hoạch như thế nào để người dân ở các khu bảo tồn, vườn quốc gia có được sinh kế bền vững, tích cực cùng chính quyền tham gia bảo tồn ĐDSH?
Ông Lê Trí Thanh: Trong triển khai quy hoạch tỉnh đã xác định rõ, để thực hiện đồng bộ và hiệu quả các nhiệm vụ, nhất là các nhiệm vụ liên quan đến bảo tồn ĐDSH thì phải đặt vấn đề cải thiện sinh kế của người dân lên hàng đầu, vì nó quyết định đến tính hiệu quả bền vững và lâu dài.
UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1558/QĐ-UBND ngày 9/6/2022 về Chương trình đầu tư, phát triển vùng đệm tại các khu rừng đặc dụng và sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp tại các cộng đồng giáp các khu rừng phòng hộ trên địa bàn tỉnh đến năm 2025; ban hành Quyết định số 2148/QĐ-UBND ngày 10/10/2023 về Chương trình sinh kế cho người dân ở khu vực lưu vực các hồ thủy điện để phát triển sinh kế, tăng thu nhập cho người dân, giảm sự phụ thuộc và tác động vào tài nguyên rừng.
Chúng tôi sẽ phát huy tối đa hiệu quả của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh trong vấn đề cải thiện sinh kế cho người dân, nhất là ở các xã vùng sâu, vùng xa và người dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn các xã có rừng. Ngoài ra, tỉnh luôn tranh thủ nguồn lực tài trợ, hỗ trợ của các tổ chức quốc tế thông qua triển khai các dự án, mô hình thí điểm, từ đó từng bước lồng ghép vào chương trình, kế hoạch cụ thể của mỗi ngành, địa phương nhằm tăng cường tính hiệu quả trong quản lý bảo tồn trong phát triển kinh tế - xã hội trên mỗi địa bàn, vùng sinh thái khác nhau.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!