Bảo tồn loài trước vấn nạn săn bắt và mất sinh cảnh: Cần sự hợp tác từ nhiều phía - Đà Nẵng: Để “nữ hoàng linh trưởng” được “an cư”

Lan Anh| 02/03/2023 11:31

(TN&MT) - Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà (Đà Nẵng) đang là ngôi nhà sinh sống của hơn 1.300 cá thể Voọc chà vá chân nâu - “nữ hoàng linh trưởng” được xếp hạng nguy cấp trong Sách đỏ Việt Nam và IUCN thế giới. Tuy nhiên, công tác giữ gìn và bảo tồn loài vật quý hiếm này đang đặt ra nhiều thách thức trước những tác động từ việc phát triển du lịch tại địa phương.

Những nỗ lực bảo vệ

Đã từ lâu, hình ảnh của loài Voọc chà vá chân nâu được người dân Đà Nẵng tôn vinh và coi như biểu tượng về tính đa dạng của các loài động thực vật quý hiếm và đặc sắc tại Đà Nẵng. Năm 2017, trong dịp tổ chức Hội nghị Cấp cao APEC, Đà Nẵng cũng đã chọn Voọc chà vá chân nâu làm hình ảnh đại diện cho thành phố để hướng đến thông điệp kêu gọi mọi người chung tay bảo vệ rừng Sơn Trà.

8-9-2-.jpg

Voọc chà vá chân nâu được người dân Đà Nẵng tôn vinh và coi như biểu tượng về tính đa dạng của các loài động thực vật của địa phương

Để bảo vệ “nữ hoàng” của các loài linh trưởng trên bán đảo Sơn Trà, thời gian qua, Đà Nẵng đã triển khai nhiều hoạt động thực tế nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo tồn, phát triển bền vững Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà, đặc biệt đối với loài Voọc chà vá chân nâu. Từ năm 2016, Đội tuần tra liên ngành đã được thành lập bao gồm lực lượng kiểm lâm, Ban quản lý bán đảo Sơn Trà cùng chính quyền phường Thọ Quang thường xuyên tổ chức các cuộc tuần tra cả ngày lẫn đêm để ngăn chặn nạn phá rừng, săn bắt động vật trên bán đảo Sơn Trà.

Năm 2020, UBND TP. Đà Nẵng đã phê duyệt Đề án Bảo tồn đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nhằm bảo vệ và phát triển bền vững các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, đặc thù gồm các loài, nguồn gen quý hiếm, có giá trị kinh tế cao; sử dụng hợp lý tài nguyên đa dạng sinh học theo hướng bền vững phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường của thành phố...

Đầu tháng 8/2022, UBND TP. Đà Nẵng tiếp tục phê duyệt tiếp nhận dự án "Hoạt động bảo tồn hướng đến 2 loài linh trưởng nguy cấp tại Việt Nam trong giai đoạn hậu Covid-19" do Tổ chức Synchronicity Earth (Vương quốc Anh) tài trợ với kinh phí hơn 943 triệu đồng, giao Green Việt tiếp nhận và thực hiện.

Theo đó, Green Việt duy trì hoạt động phổ biến kiến thức về bảo tồn loài Voọc chà vá chân nâu và ĐDSH của bán đảo Sơn Trà cho học sinh, sinh viên, du khách và cộng đồng tại Trung tâm giáo dục thiên nhiên của Green Việt; vận động doanh nghiệp và cộng đồng để duy trì hoạt động của Trung tâm giáo dục thiên nhiên trong năm 2022 và 2023. Dự án kỳ vọng sẽ thu hút và huy động được sự tham gia của người dân, các cấp chính quyền và đặc biệt là các doanh nghiệp trên địa bàn vào các hoạt động bảo tồn Voọc chà vá chân nâu ở Sơn Trà.

Theo bà Nguyễn Thị Kim Hà -Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường TP. Đà Nẵng, bảo tồn ĐDSH là một nội dung quan trọng của Đề án xây dựng Đà Nẵng -Thành phố môi trường. Đến nay, địa phương đã hoàn thiện lập báo cáo hiện trạng ĐDSH ở Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà để từ đó có những tham mưu và triển khai thực hiện bảo vệ nghiêm ngặt các loài động vật hoang dã, loài quý hiếm trước nguy cơ tuyệt chủng trong đó có Voọc chà vá chân nâu.

Còn nhiều thách thức

Nhờ có Voọc chà vá chân nâu, Sơn Trà trở thành điểm du lịch hấp dẫn, thu hút du khách trong, ngoài nước. Có những thời điểm, hàng ngày có vài ngàn lượt người đến bán đảo Sơn Trà thưởng ngoạn, săn ảnh thiên nhiên. Nhưng cũng vì thế mà có những tác động làm ảnh hưởng môi trường nơi đây. Nhiều du khách tập trung dọc tuyến đường lên bán đảo ăn uống, xả rác...; cho Voọc ăn trái cây khiến Voọc mất dần bản năng kiếm ăn, dẫn đến việc chúng tràn xuống các khu vực như Bãi Cháy, Hồ Xanh, đường lên đỉnh Bàn Cờ để phá phách.

8-9-3-.jpg

Voọc chà vá chân nâu ở Sơn Trà được phát hiện từ năm 1969. Chúng sống theo từng bầy, mỗi bầy có từ 5 - 7 con, chỉ ăn lá cây và có 5 màu đặc trưng: Đen, trắng, vàng, nâu đỏ, xám tro… Nhờ những nỗ lực bảo vệ mà quần thể voọc ở Sơn Trà đang phát triển ổn định, phân bổ trên tất cả các sinh cảnh hiện nay ở bán đảo này, bắt gặp dễ nhất tại những khu vực Hố Sâu, Suối Ôm, tuyến Tiên Sa…

Bên cạnh đó, các tuyến đường bê-tông được xây dựng để phục vụ du lịch đang dẫn đến chia cắt sinh cảnh sống, gây khó khăn cho Voọc tách nhập đàn, di chuyển và kiếm ăn đến các sinh cảnh khác nhau mà chúng ưa thích. Điều này đang đặt ra thách thức không nhỏ cho chính quyền, các ngành chức năng trong công tác gìn giữ, bảo tồn.

Ông Trần Hữu Vỹ - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học Green Việt cho rằng, bất cứ tác động nào đến bán đảo Sơn Trà cũng ảnh hưởng đến quần thể Voọc, bởi hầu hết các điểm ở đây đều là nơi cư trú của loài này.

“Vì vậy, cần giữ và mở rộng diện tích rừng đặc dụng; làm cầu cây xanh kết nối các gia đình Voọc bị ngăn cách giữa các đường lớn; không mở thêm đường bê tông và chia cắt sinh cảnh sống; kiểm soát hoạt động du lịch. Song song đó, người dân, du khách cần tuân thủ quy tắc ứng xử phù hợp, hạn chế tác động đến động, thực vật hoang dã như: không cho động vật ăn, không đến gần động vật, hạn chế tiếng ồn, ánh sáng vào ban đêm để ít ảnh hưởng đến tập tính tự nhiên của động vật hoang dã. Đồng thời, tăng nguồn lực cho lực lượng kiểm lâm”- ông Vỹ khuyến nghị.

Ông Phan Minh Hải - Phó Trưởng Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch TP. Đà Nẵng cho rằng, để bảo tồn loài sinh vật quý hiếm này, cần hài hòa giữa phát triển du lịch trên cơ sở khai thác hợp lý tài nguyên thiên nhiên, ưu tiên phát triển các loại hình du lịch sinh thái, phát triển tour tìm hiểu hệ sinh thái, các loài động thực vật đặc trưng trên bán đảo: ngắm voọc, ngắm thú đêm, ngắm bầu trời đêm, tìm hiểu môi trường sống của các loại côn trùng...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo tồn loài trước vấn nạn săn bắt và mất sinh cảnh: Cần sự hợp tác từ nhiều phía - Đà Nẵng: Để “nữ hoàng linh trưởng” được “an cư”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO