Bảo tồn đa dạng sinh học: Cần quyết sách và hành động giữ mảng xanh môi trường

Mai Chi| 02/09/2021 06:48

(TN&MT) - Giai đoạn 2021 - 2030 được Liên Hợp Quốc xác định là thập niên “Phục hồi các hệ sinh thái”. Mục tiêu và yêu cầu về bảo tồn đa dạng sinh học (ĐDSH) đã trở thành nội dung của nhiều văn kiện quốc tế quan trọng như: Mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc (SDG), Khung toàn cầu về ĐDSH sau 2020 (GBF), Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới...

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, Việt Nam cần phải có những hành động chiến lược để bảo tồn ĐDSH và thực thi các nghĩa vụ quốc tế. Đây cũng là lúc, nói như Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà, phải coi bảo tồn ĐDSH là một vấn đề đạo đức, trước hết ở cấp lãnh đạo, sau đó là cho đến tất cả mọi người dân.

Thành tựu ở chặng đường đã qua

Để bảo vệ các hệ sinh thái, trong hai thập niên gần đây, Nhà nước đã ban hành nhiều Bộ luật quan trọng trong lĩnh vực quản lý tài nguyên thiên nhiên như: Luật Bảo vệ và phát triển rừng, Luật Bảo vệ môi trường; Luật Tài nguyên nước; Luật Thủy sản. Đặc biệt, Luật Đa dạng sinh học năm 2008 đã mở ra một bước ngoặt đối với công tác bảo tồn ĐDSH, trong đó xác định các nguyên tắc và ưu tiên bảo tồn ĐDSH của các cấp, từ Quốc gia, Bộ, ngành, đến địa phương; tạo cơ sở pháp lý để các cộng đồng địa phương tham gia bảo tồn các nguồn tài nguyên thiên nhiên thông qua các cơ chế mới về đồng quản lý và chia sẻ lợi ích.

Đầm Vân Long (Ninh Bình).

Cùng với đó, Chính phủ cũng đã ban hành các Chính sách, Chiến lược, Kế hoạch nhằm thúc đẩy công tác bảo tồn ĐDSH. Năm 1995 “Kế hoạch hành động ĐDSH của Việt Nam ”(BAP 1995) lần đầu tiên được ban hành ngay sau khi Việt Nam trở thành thành viên của Công ước ĐDSH vào năm 1994. Kế hoạch 1995 trở thành kim chỉ nam cho các hành động bảo tồn ĐDSH ở Việt Nam trong suốt giai đoạn 1995 - 2005. Tới năm 2005, Bộ TN&MT đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Kế hoạch hành động quốc gia về ĐDSH đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020. Ngày 31/7/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 1250/TTg-CP phê duyệt Chiến lược quốc gia về ĐDSH đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030…

Với một hệ thống văn bản, chính sách tương đối đầy đủ, thời gian qua, hệ thống các khu bảo tồn thiên nhiên và khu vực danh hiệu quốc tế được củng cố và mở rộng, nâng tổng số khu bảo tồn lên 176 khu với tổng diện tích 2.512.530,78 ha; 3 hành lang ĐDSH kết nối các khu bảo tồn tại các tỉnh Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế và Quảng Trị đã được thành lập với tổng diện tích 521.878,28 ha. Các hệ sinh thái tự nhiên bị suy thoái đã được chú trọng phục hồi.

“Chiến lược này kế thừa và phát huy những kết quả của Chiến lược giai đoạn trước, đưa ra những điểm đột phá trong công tác bảo tồn ĐDSH. Đây chính là cơ sở quan trọng cho những quyết sách và hành động để giữ được mảng xanh môi trường”

Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân

Việc bảo vệ các loài hoang dã và giống vật nuôi, cây trồng nguy cấp, quý, hiếm cũng đạt được một số kết quả tích cực: nhiều quần thể loài quý, hiếm đã được phát hiện trong tự nhiên; phục hồi và phát triển các loài đang bị đe dọa tuyệt chủng; một số loài có giá trị kinh tế đã được nghiên cứu, gây nuôi phát triển thành sản phẩm thương mại như sâm ngọc linh, cá anh vũ, cá hô…

Số lượng nguồn gen được thu thập, lưu giữ, đánh giá tính trạng di truyền, bảo tồn và phát triển thành sản phẩm thương mại tăng 3,12 lần so với thời kỳ đầu; cơ chế tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích đã được thiết lập phù hợp với Nghị định thư Nagoya về tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích tạo hành lang pháp lý cho việc bảo vệ chủ quyền quốc gia đối với các nguồn gen trên lãnh thổ Việt Nam.

Chiến lược mới cho giai đoạn mới

Có thể thấy, sau nhiều năm nỗ lực bảo vệ và phát triển các hệ sinh thái tự nhiên, loài sinh vật và các nguồn gen phong phú, đặc hữu, quý, hiếm, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Tuy nhiên, nhiều mục tiêu đặt ra vẫn còn dang dở; nhận thức của người dân về việc hãy sống hài hòa hơn với thiên nhiên còn chưa cao…

Vẫn còn đó một số mục tiêu của Chiến lược 2020 không đạt mong muốn. Đó là, tỷ lệ diện tích khu bảo tồn trên cạn mới đạt được 7,1% so với mục tiêu đề ra 9%, tỷ lệ diện tích các khu bảo tồn biển so với diện tích vùng biển mới đạt được 0,19% so với mục tiêu đề ra là 0,24%...; ĐDSH vẫn tiếp tục bị suy giảm về chất lượng thể hiện 3 cấp độ hệ sinh thái, loài và nguồn gen; số lượng các loài nguy cấp, các loài bị đe dọa tăng lên; nhiều hành lang ĐDSH kết nối các khu bảo tồn theo quy hoạch chưa được xây dựng…

Loài chim di cư đậu kín cả một vạt rừng tại Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen.

Theo đánh giá của Bộ TN&MT cũng như các chuyên gia trong lĩnh vực môi trường, công tác bảo tồn ĐDSH hiện nay vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức, cần có tầm nhìn và bước đi chiến lược phù hợp. Việt Nam phải tập trung giải quyết các vấn đề liên quan tới lợi ích từ ĐDSH, dịch vụ hệ sinh thái làm thế nào để được chia sẻ công bằng và hợp lý có sự tham gia của cộng đồng; Cơ chế nào để thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng, để công tác quản lý bảo tồn và phát triển ĐDSH dựa vào cộng đồng; làm thế nào để công tác giữ gìn, phục hồi và phát triển ĐDSH được triển khai như một hành động thích nghi với biến đổi khí hậu…

Để tiếp tục hành trình bảo vệ ĐDSH, Bộ TN&MT đã xây dựng Dự thảo Chiến lược quốc gia về bảo tồn thiên nhiên và ĐDSH đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó đề ra 10 nhiệm vụ cụ thể trong thời gian tới cần thực hiện, đó là: Kiểm kê, quan trắc và xây dựng cơ sở dữ liệu về ĐDSH; Bảo vệ và phục hồi các hệ sinh thái tự nhiên; Củng cố, mở rộng và nâng cao hiệu quả quản lý hệ thống khu bảo tồn thiên nhiên và hành lang ĐDSH; Củng cố và mở rộng các khu vực/hệ sinh thái tự nhiên có tầm quan trọng quốc gia, quốc tế; Bảo tồn các loài hoang dã, đặc biệt các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ, loài di cư; Sử dụng bền vững ĐDSH và các dịch vụ hệ sinh tháí; Kiểm soát các hoạt động gây tác động xấu đến ĐDSH; Quản lý tiếp cận nguồn gen, chia sẻ lợi ích và bảo vệ nguồn gen, tri thức truyền thống về nguồn gen; Bảo tồn ĐDSH nông nghiệp; Phát triển ĐDSH đô thị; Bảo tồn ĐDSH trong bối cảnh biến đổi khí hậu.

Hệ sinh thái tự nhiên trên cạn cũng như dưới nước ở Việt Nam có gần 16.500 loài thực vật bậc cao, nấm lớn và rêu ở trên cạn (số lượng các loài thực vật đặc hữu chiếm một tỷ lệ lớn (khoảng 30%); trên cạn có khoảng 10.500 loài động vật; nước ngọt, có khoảng 1.500 loài vi tảo và rong, trên 1.000 loài động vật không xương sống và khoảng 600 loài cá; dưới biển có trên 1.200 loài rong, cỏ và vi tảo, trên 7.000 loài động vật không xương sống, khoảng 2.500 loài cá và xấp xỉ 50 loài rắn biển, rùa biển và thú biển.

Bộ TN&MT cũng xác định bảo vệ ĐDSH đã bước sang một giai đoạn mới để thực hiện mục tiêu cụ thể đến năm 2030: tăng diện tích các khu bảo tồn thiên nhiên trên đất liền đạt tối thiểu 9% diện tích lãnh thổ; Tăng diện tích các khu bảo tồn biển, ven biển đạt khoảng 2 - 3% diện tích tự nhiên vùng biển quốc gia; tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc duy trì ổn định ở mức từ 42%; nâng cao chất lượng rừng tự nhiên; phục hồi 20% diện tích hệ sinh thái tự nhiên bị suy thoái…

Cần triển khai 6 nhóm giải pháp bao gồm: Hoàn thiện chính sách, pháp luật, thể chế quản lý, tăng cường năng lực thực thi pháp luật về ĐDSH; tiếp tục nâng cao ý thức trách nhiệm và huy động sự tham của toàn xã hội trong bảo tồn và sử dụng bền vững ĐDSH; đẩy mạnh lồng ghép và thực hiện các yêu cầu về bảo tồn ĐDSH trong hoạch định chính sách, các dự án đầu tư công; thúc đẩy nghiên cứu khoa học, phát triển, chuyển giao và ứng dụng công nghệ tiên tiến trong bảo tồn và sử dụng bền vững ĐDSH; bảo đảm nguồn lực tài chính cho bảo tồn ĐDSH; tăng cường hội nhập và hợp tác quốc tế về bảo tồn và sử dụng bền vững ĐDSH.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo tồn đa dạng sinh học: Cần quyết sách và hành động giữ mảng xanh môi trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO