Bảo Thắng - Lào Cai: Siết chặt quản lý khoáng sản làm vật liệu xây dựng
(TN&MT) - Xác định rõ những hệ lụy của việc khai thác khoáng sản trái phép đến môi trường sống, thời gian qua, huyện Bảo Thắng (Lào Cai) đã tăng cường các giải pháp nhằm siết chặt công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản cát sỏi trên địa bàn. Đến nay, hoạt động khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng dần đi vào nền nếp, tình trạng khai thác khoáng sản trái phép cơ bản được ngăn chặn.
Bảo Thắng là huyện vùng thấp của tỉnh Lào Cai, được thiên nhiên ưu đãi, có nguồn tài nguyên khoáng sản khá phong phú với nhiều loại quặng như Apatit, sắt, Kaolin, Fenspat,... và những khoáng sản được khai thác làm vật liệu xây dựng thông thường như cát, sỏi, đá, đất làm gạch... Đây là điều kiện thuận lợi để phát triển các ngành nghề khai thác, sản xuất vật liệu xây dựng cung ứng cho nhu cầu trong và ngoài huyện; góp phần phát triển kinh tế, xã hội, giải quyết vấn đề việc làm cho nhiều lao động trên địa bàn huyện Bảo Thắng.
Đồng thời, cung cấp nguồn vật liệu tại chỗ phục vụ tích cực trong lộ trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện. Ngoài ra, hệ thống giao thông thuận lợi tạo điều kiện cho việc phát triển thương mại, dịch vụ, giao thương hàng hóa…
Theo báo cáo hiện nay, trên địa bàn huyện Bảo Thắng có tổng số 43 điểm mỏ khoáng sản khai thác làm vật liệu xây dựng gồm đá, cát, sỏi, đất sét. Với nhu cầu sử dụng vật liệu xây dựng đang ngày càng gia tăng trên địa bàn huyện Bảo Thắng cũng như tỉnh Lào Cai cùng với việc khai thác tài nguyên cát sỏi lòng sông mang lại giá trị kinh tế cao, hoạt động khai thác trong lĩnh vực này đã xuất hiện tình trạng khai thác không đúng thiết kế mỏ, khai thác ngoài phạm vi, ranh giới, vượt công suất, thời gian quy định, gây thất thoát tài nguyên khoáng sản, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đất sản xuất của người dân.
Để quản lý, giám sát hiệu quả việc khai thác cát, sỏi trên địa bàn huyện trên cơ sở quy định pháp luật hiện hành, thời gian qua, Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) huyện Bảo Thắng đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ như: Chủ trì, thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch việc chấp hành pháp luật về tài nguyên và môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản đối với các mỏ cát được cấp phép trên địa bàn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; khuyến khích và có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư sản xuất vật liệu xây dựng tái chế, thân thiện với môi trường để bảo vệ môi trường và thay thế dần những vật liệu tự nhiên.
Ông Đào Văn Quang - Trưởng Phòng TN&MT huyện Bảo Thắng cho biết: Do đặc thù các khu vực mỏ có vị trí, địa hình phức tạp, trước kia, nhiều đối tượng thường dựa vào thời gian đêm tối, buổi trưa, ngày nghỉ, ở khu vực gần các mỏ được cấp phép hoặc ở khu vực giáp ranh giữa các xã để hoạt động khai thác trộm nên việc kiểm tra, xử lý gặp nhiều khó khăn. Chính quyền cơ sở thiếu trang thiết bị chuyên dụng và công cụ hỗ trợ để phục vụ công tác kiểm tra xác định tọa độ mốc mỏ khai thác, độ sâu khai thác, đo độ bụi trong không khí, đo tiếng ồn… nên khó khăn cho công tác quản lý, phát hiện và xử lý các vi phạm.
Để giải quyết vấn đề này, thời gian qua, huyện Bảo Thắng đã tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong lĩnh vực khoáng sản, đê điều và bảo vệ môi trường. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của các đơn vị khai thác khoáng sản trên địa bàn, yêu cầu niêm yết công khai thời gian khai thác, mốc giới mỏ, đăng ký số lượng phương tiện khai thác, vận chuyển khoáng sản để nhân dân tham gia giám sát và thuận lợi cho công tác quản lý.
Kịp thời kiểm tra, xử lý các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép khi có phản ánh của người dân. Đồng thời, nâng cao trách nhiệm của lực lượng Công an xã, công chức Địa chính - Xây dựng trong việc bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn, bổ sung lực lượng phối hợp điều tra, xử lý các đối tượng vi phạm theo quy định…
Đến thời điểm hiện tại, công tác khai thác khoáng sản trên địa bàn, nhất là các khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường như: cát, đá, sỏi, đất… cơ bản đã đi vào nền nếp. Từ đầu năm 2023 đến nay, qua các cuộc thanh kiểm tra và bằng công tác nghiệp vụ giám sát, vẫn chưa phát hiện ra đơn vị nào trên địa bàn huyện Bảo Thắng vi phạm.
Thời gian tới, Bảo Thắng sẽ tiếp tục tăng cường các giải pháp quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác như: xây dựng Quy chế phối hợp trong công tác quản lý nhà nước về cát, sỏi lòng sông ở khu vực giáp ranh, thành lập các Tổ công tác ra quân trấn áp tội phạm về khoáng sản; đặc biệt, lắp đặt hệ thống camera theo dõi các tổ chức, cá nhân vận chuyển sản phẩm đi tiêu thụ...