Báo Tài nguyên và Môi trường đồng hành cùng ngư dân vươn khơi, bám biển

Nhóm Phóng viên (thực hiện)| 18/06/2021 22:22

(TN&MT) - Là cơ quan ngôn luận của Bộ Tài nguyên và Môi trường, ngoài thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước và của Ngành, trong những năm qua, Báo Tài nguyên và Môi trường đã có nhiều hoạt động hỗ trợ, đồng hành cùng ngư dân cả nước bám biển, vươn khơi.

Điển hình như tặng 10 phần quà bằng tiền mặt, 60 áo phao cho ngư dân khó khăn, 20 thùng rác phân loại cho TP. Sầm Sơn (Thanh Hóa); tặng thùng rác, cùng ngư dân Âu thuyền Thọ Quang (TP. Đà Nẵng) dọn rác thải; tặng 300 bồn nước (loại 1.000 lít) và 3.000 lá cờ Tổ quốc cho ngư dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu… Những việc làm tuy nhỏ nhưng là động lực góp phần giúp ngư dân vươn khơi, bám biển, khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Ban tổ chức chương trình trao bồn chứa nước ngọt và cờ Tổ quốc cho ngư dân trên địa bàn tỉnh.

Nhà báo, KTS. Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam:

Chương trình truyền thông của Báo có sức lan tỏa lớn

Ở góc độ một kiến trúc sư, một người nhiều năm tham gia cộng tác, tham gia nhiều chương trình, hoạt động truyền thông của Báo Tài nguyên và Môi trường, tôi đánh giá rất cao hiệu quả của các chương trình, hoạt động truyền thông do Báo về môi trường và biển đảo.

Đặc biệt, Báo đã đa dạng hóa nhiều loại hình, chương trình truyền thông như báo in, báo điện tử, truyền hình… với các chuyên đề gắn với hoạt động quản lý của Bộ Tài nguyên và Môi trường, nhất là về môi trường và biển, đảo.

Nhà báo, KTS. Phạm Thanh Tùng

Đơn cử như sự kiện truyền thông làm sạch biển ở Vũng Tàu năm 2020, Báo đã phối hợp với UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức một chương trình sự kiện bài bản và công phu. Đẩy mạnh công tác truyền thông bằng những hoạt động thực tiễn, thu hút đông đảo cộng đồng tham gia một cách tự nguyện, mang lại hiệu quả thực tế.

Các hoạt động, chương trình của Báo vừa qua đã tạo sự lan tỏa, rộng lớn, nhất là giúp cho người dân, cộng đồng hiểu được ý nghĩa của việc giữ gìn, bảo vệ môi trường sống, môi trường tự nhiên để hưởng thụ.

Bên cạnh những chương trình truyền thông, Báo còn tích cực phản ánh những vấn đề chưa tốt trong các hoạt động bảo vệ môi trường, qua đó đề nghị các cơ quan quản lý có thẩm quyền vào cuộc, xác minh, xử lý (nếu có sai phạm) để môi trường sống của người dân khu vực đó được tốt hơn, doanh nghiệp sẽ chấp hành nghiêm Luật Bảo vệ môi trường.

Tôi mong muốn, qua những chương trình, hoạt động truyền thông, Báo cần tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò là cơ quan ngôn luận, tiếng nói của ngành Tài nguyên và Môi trường để các cơ quan quản lý, doanh nghiệp, người dân hiểu rõ hơn các chủ trương chính sách, pháp luật của ngành để thực hiện.

Đồng thời, xây dựng thêm các chuyên mục lấy ý kiến chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý về vấn đề nóng về sửa Luật Đất đai, bảo vệ môi trường sông, hồ, chống tiêu cực, lãng phí. Qua đó, tạo diễn đàn về những chủ trương, vấn đề nóng, chính sách còn vướng mắc như: có nên thu thuế các khu du lịch tâm linh; chênh lệch địa tô; quy hoạch sử dụng hiệu quả tài nguyên đất…

Tôi kiến nghị Bộ TN&MT tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện để Báo tiếp tục thực hiện các Chương trình, hoạt động truyền thông tạo sức lan tỏa để các Bộ, ngành, cơ quan quản lý, địa phương và người dân hiểu rõ hơn trách nhiệm, cùng chung tay bảo vệ tài nguyên và môi trường.

Nhà báo Văn Hào, Thông tấn xã Việt Nam:

“Dấu ấn” trong các cộng đồng dân cư có biển

Có thể khẳng định rằng, những chương trình truyền thông về “làm sạch biển” do Báo Tài nguyên và Môi trường tổ chức tuy chưa nhiều, nhưng đã lưu lại “dấu ấn” khó phai trong các cộng đồng dân cư có biển. Bởi các sự kiện truyền thông này đã thu hút đông đảo các tổ chức chính trị, xã hội từ Trung ương đến địa phương cùng trực tiếp tham gia.

 Bên cạnh đó, Báo còn nêu cao ý thức trách nhiệm của các doanh nghiệp trong việc bảo vệ môi trường biển, hướng đến sản xuất xanh - bền vững - thân thiện với môi trường. Từ đó, họ chủ động tham gia và tự nguyện đóng góp kinh phí mua sắm những vật dụng hỗ trợ người dân thu gom rác thải và tạo thêm điều kiện cần thiết để ngư dân vươn khơi bám biển.

Nhà báo Văn Hào

Đơn cử như tại Lễ ra quân “Hãy làm sạch biển năm 2019” tại Sầm Sơn - Thanh Hóa, ngoài nội dung vận động mọi tầng lớp nhân dân thường xuyên duy trì hoạt động làm sạch bờ biển trên địa bàn; Báo đã tổ chức nhiều hoạt động an sinh xã hội, động viên ngư dân vươn khơi bám biển; vận động tàu đánh bắt của ngư dân tham gia vớt rác trên mặt biển… Ban Tổ chức còn tặng quà cho 30 ngư dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn TP. Sầm Sơn, mỗi suất quà gồm 2 chiếc áo phao và 500.000 đồng; tặng 20 thùng rác đôi cho 2 xã đang xây dựng Nông thôn mới của TP. Sầm Sơn là xã Quảng Minh và xã Quảng Hùng.

Năm 2020, lãnh đạo Báo Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng một kịch bản quy mô mang tính đột phá nhằm tạo nên một phong trào sâu rộng hơn nữa trong công tác bảo vệ bền vững môi trường biển Việt Nam.

Tiếp đó, từ ngày 27 - 28/9/2020, Báo phối hợp với UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức 3 sự kiện lớn, gồm: Lễ công bố, phát động cuộc thi viết “Cùng giữ màu xanh của biển” lần thứ I; Diễn đàn “Nhà quản lý - Nhà báo - Doanh nghiệp với Tài nguyên và Môi trường”; Lễ ra quân làm sạch biển hưởng ứng Chiến dịch “Làm cho thế giới sạch hơn” năm 2020 và trao bồn nước cho ngư dân tại Cảng cá Hưng Thái (xã Phước Hưng, huyện Long Điền).

Điều rất đáng ghi nhận nữa là cuộc thi viết “Cùng giữ màu xanh của biển” lần thứ I đã và đang thu hút đông đảo các cây bút tham gia. Hàng chục bài báo được Ban Biên tập lựa chọn đăng tải trên các ấn phẩm của Báo, làm người đọc xúc động và thấu hiểu hơn sự giàu đẹp của biển đảo Việt Nam. Nội dung các bài viết đều nêu bật sự đa dạng sinh học phong phú của từng vùng biển đảo, qua đó khơi dậy sự đồng tâm hiệp lực của toàn dân tộc phải bảo vệ, khai thác và sử dụng bền vững tài nguyên biển Việt Nam.

Nhà báo Đào Quốc Thịnh, Trưởng Văn phòng Đại diện Tạp chí Thương hiệu và Công luận tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu:

Thức tỉnh cộng đồng chung tay bảo vệ và gìn giữ tài nguyên môi trường biển

Tháng 9/2020, tôi may mắn được mời tham gia Diễn đàn "Nhà quản lý - Nhà báo - Doanh nghiệp với Tài nguyên và Môi trường" lần thứ IV năm 2020 do Báo Tài nguyên và Môi trường tổ chức tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Đây là một hoạt động thiết thực và ý nghĩa trong việc thức tỉnh cộng đồng chung tay bảo vệ và gìn giữ tài nguyên môi trường biển.

Với tôi, mỗi bài báo viết về lĩnh vực môi trường luôn là những trăn trở, suy tư, bởi không chỉ đòi hỏi trách nhiệm của mỗi công dân trước các vấn đề khó khăn phức tạp của xã hội, mà còn đòi hỏi cả tình cảm của những người cầm bút. Viết sao để lan tỏa, thức tỉnh mọi người, để mọi người thấy mình phải có trách nhiệm hơn nữa, cùng chung tay góp sức bảo vệ, giữ gìn môi trường sống an toàn cho tất cả chúng ta. Đó thật sự là những vấn đề khó và không hề đơn giản.

Nhà báo Đào Quốc Thịnh

Đến với Diễn đàn "Nhà Quản lý - Nhà báo - Doanh nghiệp với Tài nguyên và Môi trường", tôi đã tìm thấy con đường đi ngắn nhất, tìm được tiếng nói chung giữa những người làm công tác truyền thông với nhà quản lý và cộng đồng doanh nghiệp. Những thông tin, phóng sự, hình ảnh mà báo chí đưa đến cho công chúng thể hiện sự vào cuộc tích cực của đội ngũ các nhà báo trong việc sử dụng hợp lý tài nguyên và bảo vệ môi trường cũng như thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Ngoài tham gia Diễn đàn, tôi còn chứng kiến chương trình ra quân làm sạch bờ biển với sự tham gia của hơn 1.000 cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; các lực lượng quân đội, công an; các đoàn viên thanh niên và sự hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Cảm ơn Báo Tài nguyên và Môi trường đã thắp lên ngọn lửa trong cộng đồng doanh nghiệp, khơi dậy trách nhiệm của những người làm báo chung tay giữ gìn “hành tinh xanh” của chúng ta.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Báo Tài nguyên và Môi trường đồng hành cùng ngư dân vươn khơi, bám biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO