Để ứng phó với bão số 9 cường độ rất mạnh và phạm vi rộng, sáng 27/10, 2 Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai do Phó Thủ tướng - Trưởng ban chỉ đạo Trịnh Đình Dũng và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Phó Trưởng ban thường trực Nguyễn Xuân Cường dẫn đầu đã đi kiểm tra, chỉ đạo công tác triển khai ứng phó với bão số 9 tại các tỉnh, thành phố từ Bình Định đến Đà Nẵng.
Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai thành lập Sở Chỉ huy tiền phương đặt tại thành phố Đà Nẵng.
Bão số 9 gây mưa từ đêm ngày 27/10
Thông tin tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, sáng 27/10, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia Mai Văn Khiêm cho biết, hiện bão số 9 đang ở khu vực Bắc và giữa Biển Đông (gồm phía Nam quần đảo Hoàng Sa, phía Bắc quần đảo Trường Sa) gió 12-14, giật cấp 17; sóng biển cao từ 8-10m; biển động dữ dội. Ngoài khơi từ Đà Nẵng-Phú Yên (gồm huyện đảo Lý Sơn) gió 12-13, giật cấp 15; sóng biển cao từ 6-8m.
Ảnh: Đài Khí tượng Cao không |
Ven biển Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định gió 11-12, giật cấp 15. Kon Tum, Gia Lai 7-8, giật cấp 10. Quảng Bình, Quảng Trị, Bắc Khánh Hòa gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 10.
Trên Biển Đông gió bão cấp 13-14, giật cấp 17, trên vùng biển ven bờ gió bão cấp 11-12, giật cấp 15. Biển Đông sóng cao 8-10m, ven biển các tỉnh, thành phố từ Quảng Bình –Phú Yên sóng cao 4-7m, vùng gần tâm bão bao gồm các đảo Lý Sơn, Cù Lao Chàm sóng cao 6-7m.
“Từ thực tế trên, bão số 9 gây ảnh hưởng lớn đến tàu thuyền trên biển và nhà cửa trên đất liền. Do vậy, các ngành chức năng, người dân cần liên tục cập nhật các bản tin dự báo, cảnh báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia để chủ động phòng tránh”, ông Khiêm khuyến nghị.
Theo ông Khiêm, ven biển các tỉnh từ Hà Tĩnh-Phú Yên đều có khả năng nước dâng cao hơn 0,5m. Riêng khu vực từ Thừa Thiên - -Huế - Quảng Ngãi có khả năng có nước dâng bão cao tới 1,5m. Nguy cơ cao ngập úng vùng trũng.
Đặc biệt, từ đêm 27 đến sáng 29/10, các khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên có mưa 200-400mm, riêng Quảng Nam có nơi trên 500mm. Ở Bắc Tây Nguyên có mưa 100-200mm. Từ đêm 28 đến 31/10, ở Quảng Trị đến Nghệ An có mưa kéo dài do hoàn lưu sau bão kết hợp với không khí lạnh. Lượng mưa phổ biến 200-400mm, riêng Nam Nghệ An, Hà Tĩnh, Bắc Quảng Bình có mưa đặc biệt to 500-700mm.
Ảnh vệ tinh bão số 9. Ảnh: Đài Khí tượng Cao không |
Do mưa lớn nên các sông từ Nghệ An đến Phú Yên và Gia Lai, Kon Tum sẽ xuất hiện một đợt lũ mới. Mực nước trên nhiều sông có khả năng lên báo động 2-báo động 3, có sông vượt báo động 3. Nguy cơ cao xảy ra ngập lụt diện rộng trở lại. Đặc biệt nguy cơ rất cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét vùng núi các tỉnh từ Nghệ An đến Phú Yên và khu vực Tây Nguyên.
“Nguy cơ xảy ra sự cố các công trình thủy điện, thủy lợi nhỏ xung yếu trong đợt lũ này”, ông Khiêm cảnh báo.
Dự kiến sơ tán 571.746 người
Trước tình hình bão số 9, các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế đến Phú Yên đã rà soát, chuẩn bị công tác sơ tán dân trước khi bão đổ bộ. Tổng số dân dự kiến sơ tán là 146.866 hộ/571.746 người.
Thượng tá Nguyễn Đình Hưng, Phó Trưởng phòng cứu hộ, cứu nạn, Bộ Tư lệnh Biên phòng cho biết, tính đến 6 giờ ngày 27/10, đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 45.009 tàu/229.290 lao động biết diễn biến của bão để di chuyển, thoát khỏi vùng nguy hiểm.
Đối với tàu vận tải, tàu vãng lai, tại Đà Nẵng có 144 tàu, Quảng Nam có 1 tàu neo tại Cù Lao Chàm, Bình Định có 78 tàu.
“Theo dự báo, đây là cơ bão mạnh nhất kể từ đầu năm đến nay. Do vậy, các bộ, ngành chức năng và các địa phương bị ảnh hưởng bởi bão số 9 thực hiện nghiêm chỉ đạo, công điện của Thủ tướng Chính phủ; các văn bản, công điện của Ban Chỉ đạo Trung ương phòng chống thiên tai”, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục phòng chống thiên tai Nguyễn Văn Tiến chỉ đạo.
Phó Chánh Văn phòng BCĐ đề nghị kiểm soát chặt chẽ trên tuyến biển và đất liền. Các tỉnh, thành phố chịu ảnh hưởng bão số 9 triển khai phương án đảm bảo an toàn cho người trên đảo, nhà giàn, giàn khoan dầu khí, các hoạt động khai thác trên biển, ven biển. Bố trí phương tiện ứng trực tại khu vực bão đổ bộ để cứu hộ tàu khi có sự cố. Tổ chức quản lý thực hiện nghiêm lệnh cấm biển đã ban hành.