Vùng gió mạnh trên cấp 6, gió giật mạnh trên cấp 9 có bán kính khoảng 250km tính từ vùng tâm bão. Vùng bán kính gió mạnh trên cấp 10, giật trên cấp 13 có bán kính khoảng 150km tính từ vùng tâm bão.
Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh do bão cấp 6 trở lên) từ vĩ tuyến 6,0 đến 11,0 độ Vĩ Bắc; phía Đông kinh tuyến 110,5 độ Kinh Đông. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, tốc độ di chuyển nhanh (25km/h) và tiếp tục mạnh thêm. Đến 13 giờ ngày 25/12, vị trí tâm bão ở vào khoảng 9,0 độ Vĩ Bắc; 109,0 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh từ Bà Rịa-Vũng Tàu đến Cà Mau khoảng 250-350km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 11-12 (100-135km/giờ), giật cấp 15.
Vùng gió mạnh trên cấp 6, gió giật mạnh trên cấp 9 có bán kính khoảng 230km tính từ vùng tâm bão. Vùng bán kính gió mạnh trên cấp 10, giật trên cấp 13 có bán kính khoảng 120km tính từ vùng tâm bão.
Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 đến 48 giờ tới (gió mạnh do bão cấp 6 trở lên) từ vĩ tuyến 6,5 đến 12,0 độ Vĩ Bắc. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.
Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây, tốc độ di chuyển nhanh (20-25km/h).
Bộ Công an chỉ đạo lực lượng ứng phó với bão số 16
Ngày 23/12/2017, Ban Chỉ đạo ứng phó với biến đổi khí hậu (ƯPVBĐKH), phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT & TKCN) Bộ Công an có Công điện số 21 gửi Ban Chỉ huy ƯPVBĐKH, PCTT & TKCN Công an; Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Nam đến Bình Thuận các tỉnh Nam Bộ; Ban Chỉ huy ƯPVBĐKH, PCTT & TKCN: Tổng cục VIII, K20; Cục C66, C67 về việc ứng phó với bão số 16 (bão Tembin).
Nội dung Công điện nêu rõ:
Theo tin từ Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, hồi 10 giờ ngày 23/12, vị trí tâm bão (Bão số 16 – Tembin) ở vào khoảng 7,7 độ Vĩ Bắc; 119,7 độ Kinh Đông, cách đảo Pa-la-oan (Philippin) khoảng 280km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (90-100km/giờ), giật cấp 13. Vùng gió mạnh trên cấp 6, gió giật mạnh trên cấp 9 có bán kính khoảng 170km tính từ vùng tâm bão. Vùng bán kính gió mạnh trên cấp 10, giật trên cấp 13 có bán kính khoảng 80km tính từ vùng tâm bão.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ di chuyển nhanh (20 - 25km/h) và có khả năng mạnh thêm, như vậy khoảng đêm nay (23/12), bão Tembin sẽ vượt qua phía Nam đảo Pa-la-oan (Philippin) và đi vào Biển Đông.
Đến 10 giờ ngày 24/12, vị trí tâm bão ở vào khoảng 8,6 độ Vĩ Bắc; 115,0 độ Kinh Đông, cách đảo Trường Sa Lớn (thuộc quần đảo Trường Sa) khoảng 320km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 - 11 (90 - 115km/giờ), giật cấp 14.
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, tốc độ di chuyển nhanh (25km/h) và tiếp tục mạnh thêm.
Đến 10 giờ ngày 25/12, vị trí tâm bão ở vào khoảng 9,0 độ Vĩ Bắc; 109,7 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh từ Bà Rịa-Vũng Tàu đến Cà Mau khoảng 300 - 400km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 - 12 (100 - 135km/giờ), giật cấp 15.
Đây là cơn bão mạnh, di chuyển nhanh và còn diễn biến phức tạp, có khả năng đổ bộ trực tiếp vào đất liền trong thời điểm triều cường với cấp độ rủi ro thiên tai 4 (cường độ mạnh nhất chưa từng xảy ra trong khu vực); là vùng có quy mô kinh tế, đặc điểm dân sinh, thiết chế hạ tầng, đặc điểm tự nhiên dễ bị tổn thương khi bão đổ bộ.
Để chủ động ứng phó với các tình huống của bão, Ban Chỉ đạo ƯPVBĐKH, PCTT & TKCN Bộ Công an yêu cầu Ban Chỉ huy ƯPVBĐKH, PCTT & TKCN Công an các đơn vị, địa phương chỉ đạo triển khai thực hiện một số nội dung sau:
1. Thực hiện nghiêm túc Công điện số 95/CĐ-TW, ngày 23/12/2017 của BCĐ TW về PCTT – UBQG Ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn về công tác ứng phó với bão số 16.
2. Đối với Công an, Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Nam đến Bình Thuận: Phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức bảo đảm an toàn cho người và phương tiện tại nơi neo đậu, tránh trú của tàu thuyền; sơ tán người dân tại các khu vực lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản, cửa sông có nguy cơ bị sóng biển tàn phá, ngập sâu, nhà không đảm bảo an toàn. Thực hiện nghiêm túc lệnh cấm biển của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố. Tổ chức các đoàn trực tiếp xuống các địa bàn xung yếu để kiểm tra, rà soát các phương án ứng phó với bão theo phương châm “4 tại chỗ”.
3. Đối với khu vực trên đất liền các tỉnh Nam Bộ: Theo dõi chặt chẽ diễn biến của Bão, mưa lũ sau bão trên các phương tiện thông tin đại chúng. Chủ động phối hợp cùng cơ quan chức năng triển khai phương án sơ tán nhân dân tại các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, sạt lở bờ sông, suối, khu vực hầm lò khai thác khoáng sản.
4. Bố trí lực lượng để tổ chức hướng dẫn, phân luồng, kiểm soát giao thông tại các khu vực ngầm, đường bị ngập, đò ngang, đò dọc, nơi sạt lở nguy hiểm. Nghiêm cấm người và phương tiện di chuyển khi không đảm bảo an toàn.
5. Đảm bảo tuyệt đối an toàn trụ sở cơ quan, doanh trại, trại tạm giam, nhà tạm giữ, trường giáo dưỡng; các mục tiêu kinh tế, chính trị trọng điểm… do lực lượng Công an canh gác, bảo vệ. Chủ động triển khai phương án bảo vệ an toàn hồ sơ, tài liệu, phương tiện, trang thiết bị làm việc của Công an các đơn vị, địa phương để tránh thiệt hại do mưa, lũ gây ra.
6. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện tham gia công tác cứu nạn, cứu hộ, khắc phục hậu quả khi có yêu cầu.
7. Tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24h, thực hiện chế độ thông tin báo cáo hàng ngày về Ban Chỉ đạo ƯPVBĐKH, PCTT & TKCN Bộ Công an (qua Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo: SĐT 091.355.5323/ 069.23.201.19, Fax 069.23.201.60)./.
Các địa phương không chủ quan trong ứng phó với bão số 16 Sáng 23/12 Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường - Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã chủ trì cuộc họp trực tuyến với địa phương các tỉnh từ Quảng Nam đến Cà Mau diễn ra tại Hà Nội sáng 23/12. Tham gia cuộc họp về phía Bộ TN&MT có Thứ trưởng Nguyễn Linh Ngọc, Tổng Giám đốc Trung tâm KTTV Quốc gia Lê Công Thành cùng các cán bộ đến từ Trung tâm Dự báo KTTV Trung ương. Bão số 16 với tên gọi quốc tế Tem-bin là cơn bão mạnh, di chuyển nhanh, phạm vi ảnh hưởng hầu hết khu vực quần đảo Trường Sa và khu vực Nam Bộ. Ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, bão số 16 dự kiến sẽ vào biển Đông đêm nay. Dự báo từ đêm ngày 25 đến rạng sáng ngày 26 tháng 12 bão sẽ ảnh hưởng đến đất liền các tỉnh Nam bộ. Khu vực ảnh hưởng gió mạnh của bão là Nam Bình Thuận đến Bà Rịa Vũng Tàu, và có thể bão đổ bộ đến Cà Mau. Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai Trần Quang Hoài cho biết: theo các kịch bản ứng phó bão có thể phải sơ tán khoảng 234 nghìn hộ dân với gần 1 triệu người sơ tán để tránh bão. Thiếu tướng Lê Mạnh Tiến, Phó chánh văn phòng Ủy ban Tìm kiếm cứu nạn quốc gia – Phó cục trưởng Cục cứu hộ cứu nạn Bộ Tổng tham mưu cho biết: Về lực lượng phương tiện đã huy động 137 nghìn cán bộ chiến sĩ, với 4 nghìn 429 phương tiện các loại. Đã yêu cầu các đơn vị sẵn sàng lực lượng phương tiện tập trung sơ tán tàu thuyền, sơ tán dân, chằng chống nhà cửa. Đề nghị các địa phương phối hợp chặt chẽ với các lực lượng của quân đội và kiên quyết kêu gọi tàu thuyền về nơi tránh trú an toàn. Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nêu rõ: các địa phương không chủ quan trong ứng phó với bão số 16, tiếp tục kêu gọi tàu thuyền, sơ tán dân ra khỏi khu vực nguy hiểm. Đây là cơn bão trái mùa với cấp độ và cường độ rất lớn lại đổ bộ vào vùng kinh tế trọng điểm rất ít đón bão trong khi khả năng thích ứng với bão ở khu vực này chưa cao nhưng có nhiều hoạt động kinh tế trên biển như: khai thác nuôi trồng thủy sản, hoạt động về giao thông vận tải, hoạt động du lịch. Đặc biệt là khu vực này vừa qua đã chịu nhiều ảnh hưởng của bão số 12 còn nhiều tổn thương chưa kịp khắc phục về cơ sở hạ tầng, nhà dân, nếu chủ quan thiệt hại sẽ rất nặng nề. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường yêu cầu, Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương theo dõi sát diễn biến bão, phối hợp với các cơ quan truyền thông tăng cường thời lượng phát thông tin về bão và thông kịp thời phục vụ công tác tham mưu ứng phó bão của Ban chỉ đạo và các địa phương. Đồng thời huy động các lực lượng cứu hộ cứu nạn hiệp đồng với các địa phương kêu gọi tàu thuyền và ứng trực tại các trọng điểm xung yếu sơ tán dân và ứng phó khi xảy ra tình huống xấu. Ngay sau cuộc họp này, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai sẽ phân công các thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai phối hợp với Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố triển khai các đoàn công tác đến địa bàn xung yếu để kiểm tra, rà soát phương án ứng phó với bão theo phương châm "4 tại chỗ"; đặc biệt cần tăng cường công tác thông tin truyền thông ứng phó với bão, trong đó sẵn sàng phương án nhắn tin đến cộng đồng về diễn biến của bão và nước biển dâng. Tổng cục phòng chống thiên tai tổng hợp báo cáo về bão Tembin để báo cáo Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ có sự chị đạo kịp thời. Nguồn: BCĐTW về Phòng chống thiên tai |
Bản tin tiếp theo được phát vào lúc 17h00 ngày 23/12. Báo Điện tử baotainguyenmoitruong.vn sẽ cập nhật liên tục trong các bản tin tiếp theo.