Theo ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, bão đang di chuyển hướng xuống phía Nam của nước ta với tốc độ trung bình 15km/h, cách mũi Cà Mau khoảng 200km. Từ Bà Rịa-Vũng Tàu đến Cà Mau (khu vực Côn Đảo) có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7-8. Khu vực biển Cà Mau-Kiên Giang, có gió giật 6-7. Đến nay, 5 tỉnh đã cấm biển là Bạc Liêu, Cà Mau, Bà Rịa Vũng Tàu cấm biển Côn Đảo, Bến Tre và Kiên Giang.
Theo đại diện Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, tính đến 6 giờ sáng nay, Bộ đội biên phòng các tỉnh đã phối hợp với địa phương, gia đình chủ tàu, thuyền trưởng thông báo, hướng dẫn, kiểm đếm cho hơn 76 nghìn phương tiện/405.607 lao động biết diễn biến, hướng di chuyển của bão để di chuyển phòng tránh hoặc thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm,
Hiện nay, mực nước trên các sông từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa đang biến đổi chậm. Mực nước lúc 19 giờ ngày 1/1 trên các sông: Sông Vệ (Quảng Ngãi) 2,81m, trên BĐ1 0,31m; Sông Kôn (Bình Định) tại Thạnh Hòa 6,26m, trên BĐ1 0,26m; Sông Dinh (Khánh Hòa) tại Ninh Hòa 4,04m, trên BĐ1 0,04m.
Các hồ chứa khu vực Nam Trung Bộ hiện đã đạt 80-100% DTTK, 5 hồ có cửa van đang xả qua tràn với lưu lượng từ 5-170m3/s. Các hồ chứa khu vực Tây Nguyên cũng đạt 70-95% DTTK; hồ Krông Buk Hạ có cửa van đang xả qua tràn 10m3/s . Các hồ xung yếu đã bố trí trực ban để chủ động xử lý giờ đầu khi có sự cố.
Theo báo cáo của Chi cục Phòng, chống thiên tai miền Trung và Tây Nguyên, mưa lớn tại Bình Định từ ngày 28/12/2018 - 1/ 1/2019 đã làm ngập hơn 11 nghìn ha lúa mới gieo sạ; sạt lở 500m đê Tam Quan Bắc; xói lở đập dâng Cây Kê và cầu bản cứu hộ cứu nạn ở Ân Tường Đông, Hoài Ân. Các địa phương đang tiếp tục thống kê, cập nhật thiệt hại và công tác khắc phục hậu quả.
Theo Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, từ ngày 2 - 4/1, các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Bình Thuận có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 50-100mm/24h. Riêng các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên có nơi trên 150mm/24h. Khu vực miền Đông Nam Bộ có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to (40-80mm/đợt); khu vực miền Tây Nam Bộ có mưa vừa, mưa to (70-150mm/đợt), riêng các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang có nơi mưa rất to (150-200mm/đợt). Đặc biệt, từ ngày 2 - 4/1, Nam Bộ có khả năng cao xảy ra dông, lốc xoáy, gió giật mạnh.
Cơ quan khí tượng cảnh báo, từ ngày 2 - 3/1, lũ trên các sông từ Thừa Thiên Huế đến Ninh Thuận có khả năng lên lại. Mực nước trên các sông ở Thừa Thiên Huế, từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa lên mức BĐ1-BĐ2, một số sông nhỏ tại Phú Yên, Khánh Hòa lên mức BĐ2-BĐ3.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, phải xác định bão nguy hiểm, trái vụ và nguy cơ ảnh hưởng lớn, đối tượng tổn thương rất rộng. Hiện đã có 5 tỉnh cấm biển, 4 tỉnh còn lại cần căn cứ vào tình hình thực tế để cấm biển. Cần rà soát lại 12 tàu của tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu (8 tàu đi lên phía Bắc, 2 tàu chìm và 2 tàu không liên lạc được), cố gắng thông báo cho 2 tàu còn lại di chuyển đến nơi an toàn, có biện pháp hỗ trợ 8 tàu. Ban chỉ huy các tỉnh phối hợp với BĐBP, Thủy sản thông báo để các tàu ra khỏi vùng nguy hiểm.
Ban chỉ đạo đề nghị Trưởng ban chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh/tp bị ảnh hưởng của bão khẩn trương thực hiện nghiêm nội dung Công điện số 01/CĐ-TW ngày 01/01/2019 và số 60/CĐ-TW ngày 30/12/2018, trong đó tập trung theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão để kêu gọi, hướng dẫn tàu thuyền trên biển di chuyển vào bờ hoặc thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm, hướng dẫn tàu thuyền neo đậu tại nơi trú tránh an toàn. Theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão trên các phương tiện thông tin để chủ động các biện pháp ứng phó, sẵn sàng phương tiện cứ hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.
Các tỉnh ven biển Trung và Nam Bộ kiểm tra, rà soát sẵn sàng triển khai các phương án ứng phó với tình hình mưa lũ có thể còn diễn biến phức tạp trong những ngày tới, đặc biệt là với với các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt; chú trọng công tác vận hành đảm bảo an toàn công trình và khu vực hạ du hồ chứa, nhất là các hồ xung yếu, các hồ đã đầy nước
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường yêu cầu TT DBKTTV theo dõi diễn biến bão trên tinh thần coi đây là cơn bão nguy hiểm để có các giải pháp ứng xử phù hợp với tình hình. Bộ Ngoại giao có công hàm, thông tin đến các nước trong khu vực tạo điều kiện cho ngư dân trú tránh khi có yêu cầu. Bộ giao thông vận tải rà soát, thông báo đến các phương tiện vận tải đang hoạt động trong khu vực để chủ động các biện pháp ứng phó. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông báo, hướng dẫn cho các địa phương trong khu vực chịu ảnh hưởng của bão đảm bảo các giải pháp an toàn nuôi trồng thủy, hải sản; sản xuất nông nghiệp.