Môi trường

Bão số 1 diễn ra theo kịch bản ít tác động nhất đến Việt Nam

Mai Đan 19/07/2023 - 14:59

(TN&MT) - Theo những hình ảnh, video được chia sẻ trên mạng xã hội, bão số 1 (bão Talim) đổ bộ vào các tỉnh phía Nam của Trung Quốc với sức gió cực mạnh ở gần tâm bão, có lúc sức gió lên đến 160 km/h (cấp 14), cao hơn cả dự báo trước đó. May mắn thay, bão số 1 đã diễn ra theo kịch bản ít tác động nhất đến Việt Nam.

Bão Talim đổ bộ gây thiệt hại về tài sản tại Trung Quốc

Theo Jason Nicholls, nhà khí tượng học cấp cao của công ty AccuWeather, ở một số khu vực tại Trung Quốc đã ghi nhận vận tốc gió lớn hơn 160 km/h. Chẳng hạn, ở phía Đông Bắc của bán đảo Lôi Châu, có lúc có gió giật lên tới 165,7 km/h.

Không chỉ có gió giật mạnh, mưa lớn cũng trút xuống ở nhiều nơi, như Bắc Hải có lượng mưa là 185 mm. Tại Phúc Châu, lực lượng cứu hộ phải đi thuyền dọc theo những con đường ngập nước đến ngực để tìm và cứu người.

Gần bờ biển, một con cá voi lớn đã bị sóng đánh giạt vào bờ do gió rất mạnh. Một số người dân đã quây quanh xem nó thế nào. Thật may là sau đó nhân viên cứu hộ tới trợ giúp và con cá voi có thể bơi trở lại biển.

ope25zjjmvjcpo3xrw74adqpze.jpg
Sóng trên biển khi cơn bão Talim tiến đến Hồng Kông, Trung Quốc vào ngày 17/7. Ảnh: Reuters

Ngày 19/7, công tác cứu hộ tại các tỉnh ở Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi bão Talim vẫn đang diễn ra khẩn trương. Trên các mạng xã hội, cư dân mạng xứ Trung cho biết nhiều đồ đạc, tài sản chẳng may bị nước lụt do bão Talim cuốn trôi nhưng họ cũng động viên nhau rằng con người không sao là may mắn lắm rồi.

Nhà khí tượng học Nicholls cho rằng việc bão đổ bộ vào những tỉnh phía Nam của Trung Quốc là “khá phổ biến”, với mức trung bình là khoảng 6 cơn bão/ năm, tuy nhiên bão mạnh như Talim ở thời điểm này trong năm thì không thường xuyên xảy ra.

Tác động của của bão số 1 đối với Việt Nam theo kịch bản ít thiệt hại nhất

Chiều 18/7, Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia (Tổng cục KTTV) cho biết, sau khi đi sâu vào đất liền khu vực phía Nam tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), bão số 1 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, sau đó áp thấp nhiệt đới suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực các tỉnh Cao Bằng-Lạng Sơn. Trong khi đó, ngày 17/7, bão số 1 di chuyển nhanh hơn và lệch lên phía Bắc nên Quảng Ninh - Hải Phòng chịu tác động mạnh nhất và lượng mưa ở Bắc Bộ giảm so với dự báo ban đầu.

Thông tin sơ bộ về diễn biến của cơn bão số 1, ông Hoàng Phúc Lâm cho biết đây là một cơn bão hình thành trên dải hội tụ nhiệt đới, sau đó di chuyển tương đối ổn định, chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc. Cường độ cực đại của bão số 1 đạt cấp 13, giật cấp 17 trước khi đổ bộ vào khu vực bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc), sau khi đổ bộ vào khu vực phía Bắc của bán đảo Lôi Châu, bão số 1 suy yếu dần, đến sáng 18/7 bão vượt qua bán đảo Lôi Châu đi men dọc khu vực phía Nam tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). Đây là một trong những kịch bản mà cơ quan khí tượng đã lường tới khi bão mới hình thành, sau đó bão đi dọc biên giới nước ta, đến chiều 18/7 thì suy yếu thành vùng áp thấp.

Quỹ đạo của bão/ATNĐ thường do trường dòng dẫn ở các tầng khí quyển chi phối, theo đó, hướng di chuyển của bão số 1 chủ yếu do áp cao cận nhiệt đới ở khoảng mực 5km chi phối. Tùy mức độ phát triển và mở rộng của áp cao cận nhiệt đới về phía tây mà bão số 1 sẽ có hướng và tốc độ di chuyển khác nhau.

Nếu áp cao cận nhiệt đới lấn về phía Tây với cường độ trung bình, bão sẽ di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc và ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực Quảng Ninh, Hải Phòng. Nếu cao cận nhiệt đới lấn về phía Tây mạnh, bão sẽ di chuyển lệch về phía Nam nhiều hơn và đi vào khu vực phía Nam của vùng đồng bằng Bắc Bộ. Trong trường hợp cao cận nhiệt đới hoạt động yếu, bão sẽ di chuyển lệch Bắc nhiều hơn và đi vào phía nam tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), với kịch bản này, bão số 1 suy yếu nhanh do ma sát với địa hình, vì vậy gió bão yếu hơn và mưa cũng không nhiều. Tác động của bão cũng nhẹ nhất.

z4529227271332_4e09326829e561c42990bd7ae3f5a20e.jpg
Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia (Tổng cục KTTV, Bộ TN&MT) thường xuyên theo dõi, cập nhật diễn biến của cơn bão số 1

Trong 3 kịch bản thì kịch bản 1 có khả năng xảy ra cao nhất và cũng là kịch bản sẽ có tác động xấu nhất. Đây là kịch bản đã từng xảy ra trong trường hợp cơn bão số 2 (Rammasun) đổ bộ vào Bắc Bộ ngày 19/7/2014, cũng là một năm El Nino (El Nino giai đoạn 2014-2015). Bão Rammasun đã gây ra gió mạnh cấp 9, giật cấp 10 ở Quảng Ninh; gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8 ở tỉnh Lạng Sơn và Bắc Giang; gió giật mạnh cấp 6-7 ở các tỉnh Hải Phòng, Bắc Ninh và Hải Dương. Lượng mưa phổ biến 100-300mm và ra một đợt lũ lớn trên thượng lưu sông Hồng. Lũ trên sông Đà đến hồ Sơn La và sông Chảy tại Bảo Yên đều vượt mức báo động 3. Đỉnh lũ trên sông Thao tại Yên Bái, sông Lô tại Hà Giang đều vượt mức báo động 2; sông Lô tại Tuyên Quang vượt mức báo động 1. Trong đợt mưa, lũ này đã có 31 người chết, 1 người mất tích, 6 bị thương; 764 ngôi nhà bị sập, hư hại; 12.725 ngôi nhà bị ngập; 10.970 ha lúa bị thiệt hại; 5.520 ha hoa mầu bi thiệt hại. Khối lượng đất, đá sạt lở khoảng 1.935.528m3. Riêng tỉnh Lạng Sơn, thành phố Lạng Sơn đã bị ngập lụt nghiêm trọng, tương tự đợt ngập lụt năm 2008.

Thực tế bão số 1 diễn ra theo như kịch bản thứ 3, là bão đi lệch cao hơn lên phía Bắc, đi men theo đất liền Trung Quốc. Với phương án này thì mưa gió tác động đến đất liền nước ta ít hơn. Kịch bản này cũng đã được Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia báo cáo tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai sáng 17/7 do Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chủ trì.

Dự báo từ chiều ngày 18/7 đến ngày 19/7, ở khu vực Đông Bắc, Việt Bắc có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 100-200mm; khu vực Tây Bắc có mưa to với lượng mưa 50-150mm. Đề phòng mưa với cường suất lớn gây ngập úng đô thị. Cảnh báo nguy cơ cao lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái.

Với dự báo hiện tại, ông Hoàng Phúc Lâm cho biết khu vực Hà Nội và các tỉnh vùng đồng bằng Bắc Bộ chỉ chịu ảnh hưởng của rìa ra phía Nam hoàn lưu sau bão số 1, với đới gió Đông Nam sau bão mang theo hơi ẩm từ vịnh Bắc Bộ vào đất liền, vì thế trong ngày 19/7, ở khu vực đồng bằng và thủ đô Hà Nội vẫn có mưa, mưa vừa, có lúc mưa to với lượng mưa trong đêm 18 và ngày 19 vào khoảng 30-50mm.

Sau cơn bão số 1, dự báo xa về cơn bão số 2 cũng là thông tin được cộng đồng cả nước quan tâm. Ông Hoàng Phúc Lâm cho biết bão số 1 nằm trên dải hội tụ nhiệt đới và sau bão số 1, trên dải hội tụ nhiệt đới này còn có thể hình thành các vùng xoáy thấp mới.

Cụ thể, trong sáng 18/7, một vùng áp thấp đã hình thành ở khoảng 8 độ vĩ Bắc, 135 độ kinh Đông, khả năng trong ngày 19-20/7 vùng áp thấp này sẽ mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới và bão và khả năng cao đây sẽ là cơn bão số 2 ảnh hưởng đến nước ta trong những ngày cuối tháng 7/2023. Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia vẫn đang theo dõi và sẽ cảnh báo sớm về diễn biến của cơn bão mới có khả năng hình thành này.

Trao đổi với phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường vào ngày 14/7, ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia cho biết bão số 1 là cơn bão với diễn biến khó lường, khó dự báo. Tuy vậy, các chuyên gia khí tượng đã nhận định về nhiều khả năng của cơn bão, trong đó có ít nhất 2 kịch bản chính.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bão số 1 diễn ra theo kịch bản ít tác động nhất đến Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO