Đến hẹn lại... về
Báo cáo của Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, sáng ngày 02/3/2015, trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu xuất hiện dầu vón cục trôi dạt vào bờ, đặc biệt tại các khu vực thuộc thành phố Vũng Tàu và đèo Nước Ngọt của huyện Đất Đỏ.
Trao đổi với PV – Báo Tài nguyên & Môi trường, Chi Cục trưởng Chi cục BVMT Lê Tân Cương cho biết, sau khi xảy ra sự việc, Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh đã thông báo cho các địa phương ven biển biết để có phương án đối phó, đồng thời cử cán bộ chuyên môn xuống hiện trường để khảo sát vụ việc, hướng dẫn các biện pháp thu gom, bảo quản dầu vón cục và đưa đến nơi xử lý đúng quy định đối với chất thải nguy hại. Công ty Dịch vụ môi trường và công trình đô thị Vũng Tàu, Đồn biên phòng Chí Linh và các khu du lịch, bãi tắm cũng khẩn trương bố trí nhân lực, phương tiện đến hiện trường để thu gom dầu.
Trong ngày 2/3/2015, thành phố Vũng Tàu đã tổ chức thu gom được khoảng trên 30 tấn dầu lẫn cát. Hiện tại số lượng này đã được vận chuyển và xử lý tại Nhà máy xử lý chất thải nguy hại Hà Lộc thuộc Công ty TNHH Hà Lộc (Công ty được Tổng Cục Môi Trường – Bộ TN&MT cấp Giấy phép hành nghề quản lý chất thải nguy hại lần 4 ngày 24/02/2014).
Dầu vón cục được thu gom và đưa đi xử lý |
Trong các năm gần đây, định kỳ vào tháng 3, 4 hàng năm, khi thời tiết chuyển hướng từ gió mùa Đông Bắc sang hướng Tây Nam thì trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thường xuất hiện hiện tượng dầu vón cục trôi dạt vào bờ biển trong khoảng 1 - 3 ngày không rõ nguyên nhân. Đơn cử như, trong tháng 4/2013, địa phương đã thu gom được khoảng 52 tấn dầu lẫn cát; tháng 3 năm 2014 thu gom được khoảng 45 tấn dầu lẫn cát. Ngoài ra trong tháng 12/2012 và tháng 1/2013 cũng đã xảy ra hiện tượng dầu vón cục trôi dạt vào địa bàn huyện Côn Đảo và đã thu gom được khoảng 15 tấn dầu lẫn cát.
Hiện tượng này đã gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động du lịch và lĩnh vực nuôi trồng thuy sản ven biển của tỉnh. Tuy nhiên hiện nay địa phương vẫn chưa có điều kiện để xác định nguyên nhân nhằm có biện pháp xử lý.
Bộ TN&MT sẵn sàng hỗ trợ hướng dẫn kỹ thuật
Để có giải pháp xử lý tình trạng này, Sở Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản số 291/STNMT-BVMT ngày 4/02/2013, văn bản số 702/STNMT-BVMT ngày 5/4/2013; văn bản số 1280/STNMT-BVMT ngày 24/6/2013 báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường và đề nghị xem xét, hỗ trợ địa phương xác định nguyên nhân hiện tượng dầu vón cục trôi dạt vào các bờ biển của tỉnh, để có biện pháp xử lý các đối tượng gây ô nhiễm, tránh nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế ven biển của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Trao đổi với PV, bà Nguyễn Hoàng Ánh, Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm cho biết, ngày 3/3/2015, Cục đã nhận được văn bản đề nghị từ phía Sở TN&MT với Bộ TN&MT. Trước mắt, Bộ TN&MT sẽ có hướng dẫn kỹ thuật cụ thể về việc thu gom và xử lý số dầu vón cục này để tránh những ảnh hưởng tiêu cực đối với môi trường và sức khỏe của người dân.
Qua vụ việc này cho thấy, sự cố tràn dầu là một rủi ro tiềm tàng trong các hoạt động thăm dò, khai thác, vận chuyển và sử dụng dầu. Nó có thể xuất phát từ nguyên nhân do kỹ thuật vận chuyển; đường ống, thiết bị dẫn, chứa dầu không được đảm bảo hoặc do thiên tai gây nên. Sự cố tràn dầu có tác động không hề nhỏ đến môi trường xung quanh, đe dọa sự tồn tại, phát triển của các hệ sinh thái biển. Bên cạnh đó nó cũng trực tiếp gây thiệt hại về kinh tế, đời sống của các tổ chức cá nhân sinh sống và có các hoạt động phát triển ven sông, ven biển... Đặc biệt một khi sự cố này xảy ra thì rất lâu mới có thể khắc phục triệt để.
Vậy nên phòng và ngăn ngừa cũng như khắc phục sự cố tràn dầu là rất cấp thiết. Hơn nữa để đảm bảo công tác ngăn ngừa, khắc phục sự cố tràn dầu được chủ động, nhanh chóng, hiệu quả pháp luật quy định các tổ chức, cá nhân để xảy ra sự cố tràn dầu hoặc phát hiện sự cố tràn dầu có trách nhiệm lập báo cáo ứng phó với sự cố tràn dầu trình lên các cơ quan chức năng.
Trở lại việc dầu vón cục dạt vào các bờ biển Bà Rịa – Vũng Tàu, mặc dù xảy ra trong thời gian ngắn và được xử lý kịp thời, nhưng không thể phủ nhận những tác động tiêu cực đối với hoạt động kinh doanh du lịch, nuôi trồng thuỷ sản ven biển. Thế nên, thay vì huy động lực lượng thu gom xử lý ở thế bị động thì rất cần những động thái tích cực hơn nữa từ phía các ngành chức năng để sớm xác định nguyên nhân của hiện tượng dầu vón cục tràn bờ, từ đó giải quyết triệt để sự cố môi trường này.
Trong khi đó theo các nhà khoa học, hiện chúng ta đã có đầy đủ các công cụ hỗ trợ kỹ thuật để theo dấu đường đi của vết dầu tràn với việc sử dụng mô hình số ứng phó sự cố tràn dầu tìm kiếm, cộng với ảnh vệ tinh và các thông số từ các trạm khí tượng hải văn về sóng và trường gió. Việc còn lại là các cơ quan chức năng có “xắn tay” vào triển khai hay không!?
Xuân Hợp