Báo động số trẻ em bị xâm hại

Tuyết Chinh| 27/04/2020 15:07

(TN&MT) - Thực hiện chương trình Phiên họp 44, sáng nay (27/4), Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào Báo cáo kết quả giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em” theo Nghị quyết số 81/2019/QH14 ngày 14/6/2019 của Quốc hội.

Qua báo cáo bằng video và văn bản, Đoàn giám sát dẫn những số liệu rất đáng báo động và cho biết, từ 2015 đến 2019 có 337 trẻ tử vong, 418 trẻ có thai, 193 trẻ bị rối loạn tâm thần... do bị xâm hại.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành nội dung làm việc sáng 27/4. Ảnh: Quang Khánh

Nhiều trường hợp trẻ em bị xâm hại nhưng chưa được phát hiện kịp thời

Theo Báo cáo của Chính phủ, giai đoạn từ 2015 đến 2019, có 8.442 vụ xâm hại trẻ em được phát hiện, xử lý, với 8.709 trẻ em bị xâm hại. Trong đó, có 6.432 trẻ bị xâm hại tình dục; 857 trẻ bị bạo lực; 106 trẻ bị mua bán, bắt cóc, chiếm đoạt; 1.314 trẻ bị xâm hại bằng các hình thức khác.

Trong các vụ xâm hại này thì phổ biến nhất, để lại hậu quả nặng nề, gây bức xúc dư luận nhất là xâm hại tình dục, chiếm 75,4% tổng số vụ xâm hại trẻ em. Nhiều địa phương, số vụ xâm hại tình dục trẻ em chiếm trên 90% như: Cần Thơ, Hậu Giang, Kiên Giang, Đồng Nai...

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho ý kiến tại Phiên họp. Ảnh: Quang Khánh

Đáng chú ý, qua giám sát tại một số địa phương cho thấy, đối tượng xâm hại trẻ em là người ruột thịt, người thân thích và người quen biết với trẻ có xu hướng gia tăng, chiếm trên dưới 90%.

“Còn nhiều trường hợp trẻ em bị xâm hại nhưng chưa được phát hiện kịp thời, đầy đủ để xử lý, nhất là các hành vi bạo lực gây tổn hại về thể chất và tinh thần cho trẻ em; đồng thời công tác theo dõi, thống kê tình hình trẻ em bị xâm hại chưa được quan tâm đúng mức, dẫn đến, số vụ xâm hại trẻ em được phát hiện và xử lý nêu trong các báo cáo chưa phản ánh đầy đủ tình hình thực tế” – báo cáo nhấn mạnh.

Biện pháp phòng ngừa phải là quan trọng nhất

Cho ý kiến tại Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, đó là con số của tảng băng nổi, đồng thời đặt vấn đề số liệu đó đã phản ánh đầy đủ tình trạng hay chưa.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, công tác bảo vệ trẻ em cần được chú trọng hơn nữa, nhiều vấn đề về quyền và nghĩa vụ của trẻ em vẫn còn chưa được đảm bảo; tiếp tục khẳng định vai trò của chính quyền, xã hội và gia đình đối với trẻ em.

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đánh giá đây là chuyên đề giám sát tương đối khó. Ảnh: Quang Khánh

Thảo luận tại Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cho rằng báo cáo cần nêu thêm về những thành quả mà chúng ta đã làm được về công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em, thậm chí có thể so sánh với một số nước tương đương với mức thu nhập với nước ta, họ thực hiện công tác này ra sao. Trên cơ sở so sánh, phân tích được những kết quả đạt được và tồn tại hạn chế, chúng ta sẽ rút ra được những giải pháp hiệu quả để khắc phục trong thời gian tới.

Đánh giá đây là một chuyên đề giám sát tương đối khó, nội dung giám sát đặc thù, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho hay, có được kết quả như trong báo cáo đã thể hiện sự nỗ lực của Đoàn giám sát và các Bộ, ngành, địa phương. Báo cáo đã cung cấp tương đối đầy đủ, chi tiết các thông tin; đưa ra những giải pháp cụ thể, hữu hiệu, phù hợp với thực tế. Tuy nhiên, cần làm rõ thêm những hình thức xâm hại trẻ em khác, cưỡng bức lao động, trẻ em bị bỏ rơi…Đồng thời, cần đánh giá thêm về công tác thanh tra, kiểm tra của các cơ quan chức năng, nhất là chính quyền địa phương về công tác phòng, chống xâm hại trẻ em.

Dự báo tình hình trẻ em bị xâm hại thời gian tới tiếp tục diễn biến phức tạp, nghiêm trọng và có chiều hướng gia tăng, ông Hà Ngọc Chiến – Chủ tịch Hội đồng Dân tộc nhấn mạnh trong các giải pháp thì biện pháp phòng ngừa phải là quan trọng nhất và nên tập trung vào nhóm trẻ có nguy cơ bị xâm hại để có sự can thiệp, hỗ trợ. Tuy vậy, thực tế cũng như báo cáo còn yếu khâu này, chưa thống kê, dự báo được số liệu trẻ em có nguy cơ nên chưa có biện pháp tương xứng.

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc lưu ý những số liệu đáng báo động về trẻ em bị xâm hại. Ảnh: Quang Khánh

Dẫn số liệu trung bình một ngày có 7 trẻ em bị xâm hại; trong một năm có đến 38 trẻ bị tử vong, 133 trẻ bị thương tích, 84 trẻ mang thai..., Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc lưu ý đây là số liệu đáng báo động và nói lên nhiều điều. Do đó, báo cáo cần phân tích đầy đủ hơn các nguyên nhân, trách nhiệm quản lý nhà nước, mối quan hệ với tỷ lệ ly hôn, ảnh hưởng của môi trường mạng xã hội, internet... để thấy rõ hơn bức tranh toàn cảnh, qua đó có giải pháp bảo vệ trẻ em.

Với sự phát triển hiện nay, mạng xã hội đang dần trở nên phổ biến, trẻ em cũng tham gia mạng xã hội nhiều, tuy nhiên cần đánh giá rõ tác động hai chiều, có mặt tích cực nhưng cũng có mặt tiêu cực để có những hướng dẫn phù hợp cho trẻ em.

Kết luận nội dung làm việc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành các nội dung báo cáo của Đoàn giám sát; đánh giá Hồ sơ của Đoàn giám sát đã đủ điều kiện để trình ra Quốc hội; đề nghị Đoàn giám sát tiếp thu đầy đủ các ý kiến góp ý của thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội tại Phiên họp này, tiếp tục hoàn thiện nội dung báo cáo kết quả giám sát để trình xin ý kiến Quốc hội tại Kỳ họp tới đây.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Báo động số trẻ em bị xâm hại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO