Bàng vuông “gói” hương Xuân biển đảo

15/02/2018 14:21

(TN&MT) - Tết với chiến sỹ và nhân dân trên quần đảo Trường Sa của Tổ quốc, chiếc bánh chưng cũng đặc biệt hơn bánh chưng nơi đất liền, bởi được gói bằng lá...

(TN&MT) - Tết với chiến sỹ và nhân dân trên quần đảo Trường Sa của Tổ quốc, chiếc bánh chưng cũng đặc biệt hơn bánh chưng nơi đất liền, bởi được gói bằng lá Bàng vuông - loài cây mang biểu tượng sức sống mãnh liệt trước bão tố phong ba nơi đầu ngọn sóng.
TNMT Bàng vuông “gói” hương Xuân biển đảo
Lính đảo gói bánh chưng cùng lá Bàng vuông
Kiêu hãnh Bàng vuông
 
Nếu như màu xanh của biển trời là màu của tạo hóa dành cho Trường Sa thì màu xanh của cây lá là kết quả từ công sức và mồ hôi của cán bộ, chiến sỹ trên đảo. Trên thị trấn Trường Sa có 5 loại cây đặc trưng: Phong ba, Bão táp, Mù u, Tra, Bàng vuông… Sức sống của các loại cây này thật kỳ diệu, cứ sừng sững giữa mưa, gió, bão bùng, như một sự thách thức với thiên nhiên khắc nghiệt.
 
Những năm gần đây, bằng sự cố gắng toàn quân, toàn dân trong quá trình chăm sóc, bảo vệ của cán bộ, chiến sỹ nơi đây nên lượng cây xanh ngày càng tăng. Đến nay, theo thống kê sơ bộ, các đảo đã trồng được gần 4.000 cây bóng mát, gồm các giống Tra biển, Bàng thường, Bàng vuông và 1.400 cây che chắn có tên gọi “cây bão táp”. Nhờ vậy, từ chỗ chỉ toàn cát trắng, nay độ che phủ bình quân các đảo đạt từ 30 đến 40%, trong đó, đảo cao nhất đạt tỷ lệ 80%. Bên cạnh việc tạo ra cảnh quan môi trường, cây xanh còn có tác dụng làm thay đổi cách nghĩ, cách sinh hoạt và làm cho con người phấn khởi, phấn chấn, càng yêu đảo như chính nhà mình.
 
Nhắc đến cây Bàng vuông, không ai nhớ chính xác loài này có mặt ở Trường Sa vào thời điểm nào, chỉ biết bây giờ, những cây đó đã trở thành cổ thụ. Gọi là Bàng vuông vì quả to hơn quả bàng thường, có góc cạnh, hình khối vuông. Những cây như phong ba, bão táp, tra... chủ yếu được trồng ven đảo, trên các bãi cát, Bàng vuông lại được trồng nhiều ở sát ngay nhà ở, doanh trại bộ đội. Tán lá dày, tầm cây khá cao, lại có lá quanh năm, nên những cây bàng vuông che mát, tạo bóng râm rất tốt trong mùa nắng nóng trên vùng đảo khắc nghiệt này.
 
Hoa nở Bàng vuông nở quanh năm nhưng nhiều nhất vào mùa Xuân. Hoa chỉ nở vào đêm. Có người ví von hoa bàng vuông là hoàng hậu của các loài hoa trên đảo. Và chỉ có cánh lính gác đêm mới hiểu, mới thấy được khi nào hoa nở và cảm nhận hết được hương thơm của hoa, hoa với lính như những người bạn tâm giao.
TNMT 1 Bàng vuông “gói” hương Xuân biển đảo
Hoa Bàng vuông nở nhiều nhất vào mùa Xuân
Gói trọn hương đất trời và biển cả
 
Đối với cán bộ, chiến sỹ và nhân dân trên quần đảo Trường Sa, chiếc bánh chưng xanh được gói bằng lá Bàng vuông là ẩm thực không thể thiếu trong mỗi dịp Tết đến, Xuân về. Bởi ẩn chứa trong chiếc bánh vuông vức, xinh xắn ấy là hồn thiêng dân tộc, là biểu tượng sức sống mãnh liệt trên quần đảo Trường Sa. Và sâu sắc hơn, chiếc bánh chưng gói bằng lá Bàng vuông còn là lời nhắc nhở mỗi người lính Hải quân Nhân dân Việt Nam: “Thực túc binh cường” (Ăn uống đầy đủ thì quân đội mới có sức mạnh).
 
Những người lính đảo tâm sự, nhiều năm trước, tàu tiếp tế đi lại khó khăn, chưa đưa được lá dong ra, lính đảo chủ yếu gói bằng lá Bàng vuông. Giờ đây, có lá dong rồi nhưng do lá chuyển từ đất liền ra đảo trải qua hành trình dài, khi đến đảo lá đã chuyển màu ngà vàng. Bởi thế, để bánh chưng xanh, cán bộ, chiến sỹ dùng lá Bàng vuông còn tươi xanh lót bên trong lá dong. Chính từ sự kết hợp hài hòa này, bánh chưng sẽ mang mùi thơm của lá Bàng vuông quyện cùng lá dong để làm nên vị bánh đặc trưng ở Trường Sa.
TNMT 2 Bàng vuông “gói” hương Xuân biển đảo
Giao lưu văn hóa, văn nghệ dưới tán Bàng vuông
Bánh chưng gói bằng lá Bàng vuông về cơ bản nguyên liệu làm bánh giống như bánh gói bằng lá dong. Để có được nồi bánh chưng thơm ngon, các nguyên liệu làm bánh đều được mang từ đất liền theo một hải trình dài cả tháng trời để ra đảo, từ gạo nếp, đỗ xanh, thảo quả, gia vị và thịt lợn tươi. Những năm gần đây, các chuyến tàu mang hàng Tết từ đất liền ra cũng ít mang theo lợn trên tàu hơn bởi ở đa số các đảo, cán bộ và chiến sỹ đã đẩy mạnh phong trào tăng gia, sản xuất và chăn nuôi, qua đó, chủ động được nguồn thịt lợn để làm bánh.
 
Lá Bàng vuông để gói bánh phải chọn từ những cây đang độ trưởng thành, lá bàng to và dày. Lá sau khi hái về, để giữ tươi lâu không được rửa mà chỉ vấy nước đủ ướt hai mặt, rồi sau đó, lau sạch và xếp chồng lên nhau khoảng chục lá một. Đối với các chiến sỹ có kinh nghiệm nhiều năm gói bánh, do lá bàng giòn hơn và không dẻo như lá dong nên để gói được bánh, sau khi làm sạch lá xong, sẽ quấn chúng vào ống tre để lá không thoát nước nhanh, mềm và giữ được màu xanh mướt.
 
Gói bánh xong cũng là thời điểm những câu chuyện trong lúc nấu bánh của những chiến sỹ trẻ trên rôm rả mang đến sự sum họp ấm cúng của một đại gia đình ở đảo Trường Sa. Bánh chưng xanh được gói bằng lá Bàng vuông thật đẹp ấy như những người lính kiên cường, đầy nhiệt huyết ngọn lửa của ý chí quyết tâm luôn coi “Đảo là nhà, biển cả là quê hương”.
 
Chiếc bánh chưng mặn mòi linh khí đất trời biển cả của Trường Sa là thế.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bàng vuông “gói” hương Xuân biển đảo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO