Bảng lảng khói sương Ba Bể...
(TN&MT) - Qua chặng đường quanh co tràn nắng khi đến với Ba Bể, đọng lại trong ký ức người về là nỗi nhớ chơi vơi với nước và trời, với đại ngàn và những câu chuyện kể bảng lảng khói sương huyền hoặc…
“Thuyền ta chầm chậm vào Ba Bể
Núi dựng cheo leo, hồ lặng im
Lá rừng với gió ngâm se sẽ
Họa tiếng lòng ta với tiếng chim.”
(Hoàng Trung Thông)
1. Cái tên Ba Bể chừng như chẳng xa lạ với nhiều người, bởi trong những truyền thuyết xưa kia, “Sự tích hồ Ba Bể” đã được kể lại bên cánh võng. Câu chuyện về bà lão ăn xin hóa thành con Giao Long cuộn mình trong đêm tối, nhấn chìm cả bản làng trong dòng nước rồi hình thành nên hồ Ba Bể vẫn đọng lại trong ký ức tuổi thơ.
Sự tích của người Tày không chỉ gợi lên sự sợ hãi và kỳ bí. Đó còn là lời dạy cho con người biết sống hướng thiện, giúp đỡ những người khác trong hoàn cảnh khó khăn thông qua câu chuyện về lòng nhân hậu của hai mẹ con khi giúp đỡ bà lão ăn xin. Chính lòng nhân ái, sẵn sàng giúp đỡ, cưu mang những người nghèo khổ, hoạn nạn của hai mẹ con đã giúp mẹ con bà góa và dân làng thoát khỏi kiếp nạn. Chứng tích còn lại đến ngày nay là hồ Ba Bể và nền nhà của hai mẹ con thành một hòn đảo nhỏ giữa hồ, gọi là gò Bà Góa.
Mang những ký ức của xa xưa trên hành trình đến thăm Ba Bể, chúng tôi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp hoang sơ, yên bình, thanh khiết của vùng sơn thủy hữu tình, tưởng quen mà lạ, tưởng vương vấn chút sợ hãi lại thấy yêu quý vô cùng kho báu của thiên nhiên cất giấu nơi đại ngàn vùng Đông Bắc.
Có một sắc xanh phủ trùm khắp không gian. Nước hồ xanh lục, trong vắt như tấm gương lớn phản chiếu mây trời Tây Bắc đang rực nắng. Nước hồ soi bóng những nhành cây vươn lên từ đá, vừa kiên cường, mạnh mẽ, vừa mềm mại, duyên dáng. Thuyền trôi trên Ba Bể êm đềm như dẫn dắt hồn người vào chốn an tịnh mà thời gian tưởng đã bỏ quên tự thuở nào…
Cảm giác của quá khứ, của lịch sử hồng hoang man mác trong mỗi nhịp chèo khua bóng nước. Bóng áo chàm mang mang kể về mỗi hòn đảo, mỗi hang động đầy kỳ bí, đó là đảo Bà Góa, động Hua Mạ, Ao Tiên… Biết rằng, chuyện là sản phẩm của trí tưởng tượng phong phú của đồng bào Tày, song vẫn gợi cho người đến cảm nhận nơi đây phủ khói sương huyền thoại…
2. Những câu chuyện của xa xưa được hình thành để lý giải một cách mộc mạc sự hình thành của Ba Bể rất đỗi kỳ diệu. Còn theo khoa học, hồ Ba Bể là hồ nước ngọt nằm giữa hai huyện Ba Bể, Chợ Đồn thuộc tỉnh Bắc Kạn. Hồ dài 8km, rộng 3km, nằm trên độ cao 145m so với mặt nước biển và được hình thành từ cách đây hơn 200 triệu năm. Bao quanh hồ là những dãy núi đá vôi cổ có niên đại hơn 450 triệu năm. Nơi đây được công nhận là khu du lịch quốc gia Việt Nam. Hồ Ba Bể còn là 1 trong 20 hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất thế giới.
Theo tiếng địa phương, hồ Ba Bể là “Slam Pé” (ba hồ), là tên gọi chung của 3 hồ thông nhau gồm Pé Lầm, Pé Lù và Pé Lèng. Cuộc kiến tạo lục địa Đông Nam Á cuối kỷ Camri đã đưa một khối nước khổng lồ với bề mặt xấp xỉ 5 triệu m2 và chiều dày hơn 30m lên lưng chừng vùng núi đá vôi, tạo ra hồ Ba Bể.
Giá trị lớn nhất của Hồ Ba Bể là cảnh quan địa chất độc đáo. Các nhà địa chất của Viện địa chất Việt Nam và Hội địa chất Bỉ đã khẳng định, đá vôi tại vùng hồ Ba Bể có đặc điểm kiến tạo rất đặc biệt, trong quá trình biến đổi địa chất, đá vôi đã biến thành những mảng đá hoa cương. Cùng với đó, đáy hồ Ba Bể có một lớp đất sét dày tới 200m bịt kín, chính địa tầng sét này không cho nước thoát xuống và hồ được hình thành.
Giá trị nổi bật của hồ là đa dạng sinh học. Đây là hồ nước ngọt thiên nhiên lớn nhất Việt Nam. Hồ Ba Bể có chiều dài hơn 8km, chỗ rộng nhất khoảng 3km, sâu khoảng 20 đến 30m. Diện tích mặt hồ khoảng 500ha được bao bọc bởi những dãy núi đá vôi có nhiều suối ngầm và hang động. Ðoạn giữa các hồ hơi eo lại. Giữa lòng hồ có hai đảo nhỏ nổi lên (đảo An Mã và đảo Bà Góa). Xung quanh hồ là quần thể du lịch Ao Tiên, đảo Pò Giả Mải, động Puông, thác Đầu Đẳng… Ngoài những giá trị về mặt cảnh quan và địa chất, hồ Ba Bể còn là nơi cư ngụ của khoảng 50 loài cá nước ngọt, trong đó có những loài cá rất quý hiếm như cá cóc Ba Bể, cá chiên, cá lầm xanh, cá sình ga... và nhiều loài thực vật quý hiếm có tên trong Sách Đỏ Việt Nam như nghiến, đinh, lim, trúc dây…
3. “Rừng này quý lắm! Đây toàn là nghiến, thuộc nhóm IIA, phải bảo vệ nghiêm ngặt, không được phép khai thác” - anh Hoàng Văn Chất - Phó Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Vườn quốc gia Ba Bể chia sẻ khi dẫn chúng tôi mục sở thị kho tàng quý báu của quê hương anh.
Theo chân những cán bộ kiểm lâm vào rừng nghiến. Đường nhỏ, lối đi không rõ ràng, có những đoạn phải trèo qua những tảng đá sắc nhọn để tận mắt chứng kiến những cây rừng hàng trăm năm tuổi đang mạnh mẽ vươn lên từ đá, chúng tôi mới cảm nhận sự hùng vĩ của rừng già, sự kiên cường của cây và tình yêu rừng thẳm sâu trong trái tim những người canh giữ rừng.
“Em nhìn xem, ở đây không có đất, vậy mà nghiến vẫn mọc. Bộ rễ quấn chặt vào đá, như hút chất dinh dưỡng của đá mà lớn vậy. Cây này phải đến mấy trăm năm tuổi”, anh Chất hào hứng chỉ cho chúng tôi về đại thụ ngự trị chốn thâm sơn.
Đưa tay để đo những thân cây quý mà tuổi cây dễ đến gấp mấy lần tuổi người, tôi hiểu rằng trong lòng người cán bộ ấy, rừng là cả cuộc sống, là nguồn cội tổ tiên và là tương lai của anh, của gia đình anh, của những dân ở vùng Ba Bể này.
- “Chỗ này này, năm kia có trận bão quét qua, làm gẫy mấy cây” - Anh Chất chỉ vào thân cây nghiến gẫy đôi nham nhở.
- “Vậy lúc ấy cảm xúc của anh thế nào?”
- “Mình xót ruột chứ!”
Sinh ra ở rừng, lớn lên với rừng và gắn bó công việc bảo vệ rừng hơn 30 năm qua, cán bộ kiểm lâm người dân tộc Tày tự nhận mình là người “già nhất ở đây” và anh không thể sống xa rừng được. “Theo nhiệm vụ, mình đi tuần hàng ngày ở địa bàn khu vực được giao. Trong Vườn quốc gia Ba Bể có 8 trạm kiểm lâm, phân chia tuần tra theo khu vực. Mùa nắng nóng này, lo nhất là cháy rừng. Bà con hay khách du lịch chỉ sơ sẩy để rơi mẩu thuốc lá cũng có thể thiêu rụi thành quả giữ rừng” - anh Chất chia sẻ.
Rừng ở Vườn quốc gia Ba Bể ngút ngàn xanh, như chàng lính ngự lâm bảo vệ cho hồ Ba Bể trong trẻo, dịu dàng. Bức tranh Ba Bể vì thế được tạo hóa vẽ nên bằng những nét bút vừa cứng cáp, khỏe khoắn, vừa mềm mại, uyển chuyển. Ở đó, chưng cất tình yêu và niềm tự hào của đồng bào suốt bao đời gắn bó. Tình yêu ấy, chúng tôi thấy được khi anh Chất chỉ cho chúng tôi về mầm cây mọc lên ngay bên cạnh cây nghiến bị đổ với niềm tin đinh ninh rằng: Rừng nghiến sẽ còn lại mãi, cây này ngã xuống, cây khác lại xanh trên đá núi. Tình yêu ấy, chúng tôi cảm nhận được trong mỗi nhịp chèo khua nhẹ trên mặt nước hồ Ba Bể, chừng như khe khẽ thôi kẻo làm lay động cả mặt ngọc đang phẳng lặng yên bình.
Giữa nước non Ba Bể, ngân nga tiếng hát Then - đàn Tính về huyền thoại hồ Ba Bể. Tất cả vẻ đẹp của đất trời như quện lại trong không gian xanh thẳm của trời, xanh ngắt của cây, xanh trong của nước, trong gió nhẹ thổi, trong tiếng đàn hát dặt dìu, trong nét áo của cô gái Tày duyên dáng nơi chiếc chuyền độc mộc ẩn hiện giữa trời nước bao la…
Người ta vẫn kể chuyện Sự tích hồ Ba Bể xưa kia, để nhất quyết có một lần thăm Ba Bể, lại vấn vương bước chân kẻ ở người đi. Có một nỗi nhớ thảng hoặc, khi mỏng mảnh như cảm giác, khi sâu sắc đến chạm khắc tâm can.