Một chiều cuối năm bận rộn, tôi may mắn được trò chuyện cùng Phó Cục trưởng Cục Địa chất Việt Nam Nguyễn Văn Nguyên, được nghe ông chia sẻ về quãng thời gian gần 40 năm làm nghề địa chất. Từng đó năm, bấy nhiêu nỗi buồn - niềm vui, nỗi vất vả - niềm tự hào... ví như nốt thăng - nốt trầm trong bản nhạc, hòa quyện vào nhau, viết nên bản tình ca của người địa chất.
Để đến được địa bàn thực hiện nhiệm vụ, đề án được giao, người địa chất thường xuyên trải qua quãng thời gian dài xa nhà và di chuyển ở nhiều địa hình hiểm trở, phương tiện đi lại khó khăn. Mỗi chuyến đi kéo dài vài tháng, thậm chí cả năm. Thi công ở địa bàn hoang sơ, xung quanh đều là đồi núi, lịch trình hằng ngày đều đặn sáng vào núi thực hiện các lộ trình lập bản đồ, điều tra khoáng sản, chiều chui ra trở về nơi lán trại hoặc bản làng.
Nhớ lại những năm 1990, khi đang thực hiện Đề án “Lập bản đồ địa chất và điều tra khoáng sản tỷ lệ 1:50.000 nhóm tờ Phong Thổ” tại tỉnh Lai Châu, ông Nguyên, lúc đó là Tổ trưởng Tổ Bản đồ (Liên đoàn Intergeo) chia sẻ: Năm đó, chuyến đi từ nơi tổ đang thi công thực địa về Hà Nội để nghỉ tết, anh em địa chất phải mất 3 ngày. Từ xã Dào San (huyện Phong Thổ) đi bộ đến nơi có xe ô tô mất 1 ngày, chờ có vé mất 1 ngày, thêm 1 ngày xe khách mới ra được bến tàu hỏa ở thành phố Lào Cai. Cả đoàn phải nhờ người dân trong xã chở ra điểm bắt xe, phương tiện lúc bấy giờ chủ yếu là xe u oát và nếu không phải là người bản địa thì việc di chuyển trên những cung đường ngoằn ngoèo bằng chiếc xe đời cổ này không tránh khỏi hiểm nguy.
Phương tiện về quê thuận tiện nhất với họ khi ấy chỉ có một lựa chọn duy nhất là tàu hỏa. Mỗi chuyến tàu dịp Tết thường rất đông khách, bởi đã quen với cảnh ngủ trong lán trại, nhà tranh mái lá dựng tạm ở vùng miền núi và nếm trải khổ cực nên dù có vế, họ thường nhường chỗ ngồi cho các hành khác khác, còn mình xuống toa hàng. Cảnh những người ba lô lỉnh kỉnh búa chồng đất đá, ngồi xen lẫn những bao hàng, những chồng lá dong của người dân mang về quê gói bánh chưng là hình ảnh quá quen thuộc vào thời điểm đó.
Đó chỉ là một trong rất nhiều hình ảnh đẹp của người địa chất. Bởi ông và nhiều đồng nghiệp đã từng tham gia tư vấn, tham mưu cho cán bộ bản, xã trong các dịp bầu cử hay tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; tham gia giảng dạy các lớp xóa mù chữ cho người dân, hỗ trợ các thầy cô giáo vùng cao dạy văn hóa buổi tối cho đồng bào dân tộc, thường xuyên ủng hộ sách vở, quần áo cho trẻ em; thậm chí, hướng dẫn người dân các biện pháp kế hoạch hóa gia đình…
Các đề án liên quan đến đo vẽ bản đồ do các Liên đoàn thực hiện cũng đã tạo công ăn việc làm cho bà con, góp phần giảm nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương. Vì thế, ông bảo: “Người dân địa phương luôn cộng tác giúp đỡ từ vận chuyển máy móc, trang thiết bị, lương thực đến tham gia một số phần việc như phụ lấy mẫu, dẫn đường, phát tuyến, hỗ trợ thi công các công trình hào, khoan. Nói thật, nếu không có sự cộng tác đó, chúng tôi sẽ rất khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ”.
Thứ nữa, ba lô của những người làm công tác địa chất trong mỗi chuyến đi chủ yếu là búa, bản đồ, bút chì, nhật ký, máy ảnh và một ít đồ ăn khô dự trữ, nên họ thường được người dân chia sẻ thức ăn và chỗ ngủ, giúp họ vượt qua nhiều giai đoạn khó khăn, nhất là khi thi công ở khu vực không có chợ hay các điểm bán đồ ăn hằng ngày.
Bước chân các nhà địa chất đã in dấu khắp mọi miền đất nước. Không chỉ điều tra, đo vẽ bản đồ địa chất, thăm dò khoáng sản, họ còn tìm kiếm dấu tích lịch sử hình thành và phát triển của Trái đất. Thành tựu đáng tự hào của các nhà địa chất là đã đo vẽ phủ kín bản đồ địa chất tỷ lệ 1:500.000, 1:200.000 toàn bộ lãnh thổ Việt Nam và hơn 70% diện tích đất liền của Tổ quốc đã được đo vẽ địa chất và điều tra khoáng sản ở tỷ lệ 1:50.000 - điều không phải quốc gia nào cũng làm được.
Sau những chuyến đi thực địa dài ngày, các Báo cáo kết quả thực hiện đề án với hàm lượng khoa học cao, có tính thuyết phục, khẳng định kết quả thực hiện các đề án lập bản đồ địa chất, đánh giá khoáng sản, nghiên cứu chuyên đề thuộc các lĩnh vực địa chất đã góp phần làm sáng tỏ nhiều vấn đề về địa chất khu vực, xác định được nhiều diện tích có triển vọng khoáng sản để đánh giá tiếp theo hoặc để phát triển các dự án khai thác khoáng sản.
Thế nhưng, còn đó những trăn trở băn khoăn. Ví như vấn đề tại Lào Cai, khoáng sản đồng, vàng có nhiều tiền đề dấu hiệu tồn tại ở dưới sâu lớn hơn hàng trăm mét nhưng chưa được đánh giá, nghiên cứu và thăm dò một cách đồng bộ, toàn diện. Còn tại Lai Châu, khu vực dọc sông Đà, tiền đề, tiềm năng vàng có thể tồn tại kiểu mỏ vàng sulfur hàm lượng vừa phải, qui mô lớn nhưng chưa được phát hiện triệt để và việc đầu tư khai thác với kiểu mỏ như ở sông Đà đòi hỏi công nghệ hiện đại hơn.
Trong khi đó, ở các tỉnh thuộc địa khối Kon Tum, hiện nay mọi nơi đều phát hiện có tài nguyên vàng lớn nhưng chính xác có bao nhiêu tài nguyên, phân bố của các thân quặng, thân khoáng vàng này nằm ở độ sâu bao nhiêu, cần phải chờ kết quả của Đề án Đánh giá tổng thể tiềm năng khoáng sản vùng Trung Trung Bộ, mức độ để hoàn thành đề án này.
Rồi ở Tây Nguyên, phần trên trong và dưới lớp phong hóa, ngoài khoáng sản bauxit, sắt laterit, bazan dạng cột... liên quan đến sự có mặt của các phun trào trung tính đến mafic như một lớp phủ trên diện tích Tây Nguyên rộng lớn, có lẽ còn nhiều những thành tạo địa chất cổ hơn, các khoáng sản ở dưới các lớp bazan, bởi vậy rất cần được đo vẽ, lập bản đồ tỷ lệ 1:50.000 theo đúng qui trình kỹ thuật ngành. Hoặc với những tiến bộ về công nghệ hiện nay và điều kiện địa chất gián tiếp và trực tiếp khẳng định tiềm năng khoáng sản đất hiếm kiểu hấp thụ ion, cần được sớm triển khai đánh giá tổng thể toàn quốc như các đề án đánh giá titan - zircon trong tầng cát đỏ, đánh giá bauxit - sắt laterit Tây Nguyên... đã được triển khai hiệu quả. Hay cấu trúc địa chất dọc các sông miền Trung, miền Nam có thể tàng trữ nước, để mùa mưa có nước nhiều không gây lũ lụt, mùa khô không bị hạn hán cần được đầu tư nghiên cứu kết hợp với điều tra đánh giá tài nguyên cát sỏi...
Công việc vẫn bộn bề. Nhưng làm thế nào để tạo điều kiện thu hút, “giữ chân” giúp họ yên tâm làm việc, cống hiến cho ngành vẫn là một câu hỏi khó.
Nhưng giống như một lời ước hẹn, đông qua rồi xuân sẽ tới, dẫu có gian khổ khó khăn thì niềm đam mê vẫn là thứ men thôi thúc họ gắn bó với nghề. Vậy nên ngày ngày, dấu chân người địa chất vẫn in hằn khắp nơi. Và “Bài ca người địa chất” vẫn âm vang, mở cánh cửa cho những tầng đất sâu thức giấc.