Ngày 19/1, Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia đã tổ chức gặp gỡ các cơ quan thông tấn báo chí để thông tin về nhận định diễn biến khí tượng thủy văn năm 2016; đặc biệt là công tác dự báo thời tiết (khu vực Hà Nội nơi diễn ra Đại hội) trong những ngày Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII; dịp Tết Nguyên đán Bính Thân 2016.
Theo kế hoạch, thời gian phát bản tin là trước 15 giờ 30 hằng ngày kể từ ngày 19/1 cho đến kết thúc Đại hội Đảng và được gửi đến Văn phòng Trung ương Đảng. Các thông tin dự báo thời tiết sẽ liên tục được cập nhật trên website nchmf.gov.vn; kttv.gov.vn.
Nhận định về xu thế diễn biến khí tượng thủy văn trong năm 2016, ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cho rằng, hiện tượng El Nino khởi phát từ cuối năm 2014 đã tác động trong năm 2015 và có khả năng tiếp tục duy trì cường độ mạnh trong những tháng mùa Đông-Xuân, sau đó có xu hướng giảm dần về cường độ vào những tháng đầu Hè năm 2016.
Dưới tác động của El Nino, nhiều khả năng số lượng bão, áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông và ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam trong năm 2016 tương đương hoặc ít hơn so với trung bình nhiều năm (trung bình nhiều năm).
Diễn biến có thể theo chiều hướng ít hơn về số lượng vào đầu mùa, nhưng bão cường độ mạnh và nhiều bão hơn vào cuối mùa khi Enso trở lại trạng thái trung gian.
Nhiệt độ trung bình trong các tháng nửa đầu năm 2016 tiếp tục có xu hướng cao hơn trung bình nhiều năm với 0,5-1 độ C ở Bắc Bộ; từ 1-1,5 độ C ở Trung Bộ, Nam Bộ.
Rét đậm, rét hại ở Bắc Bộ không kéo dài và nắng nóng có khả năng xuất hiện sớm hơn so với trung bình nhiều năm ở Tây Bắc, Trung Bộ, Nam Bộ.
Trong 6 tháng đầu năm 2016, lượng mưa ở Bắc Bộ có khả năng cao hơn khoảng 10-20% so với trung bình nhiều năm. Còn ở Trung Bộ, Tây Nguyên, Nam Bộ phổ biến thiếu hụt từ 30-50% so với trung bình nhiều năm.
Mưa trái mùa có khả năng xuất hiện trong các tháng mùa Đông Xuân ở Bắc Bộ. Một số nơi tại Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ có khả năng xuất hiện khô hạn nghiêm trọng trong nửa đầu năm 2016.
Trong tháng 1 đến tháng 2, nguồn dòng chảy tại Hà Nội, hạ lưu sông Hồng có khả năng cao hơn trung bình nhiều năm khoảng 15-20 %. Mực nước thấp nhất tại trạm Hà Nội có thể xuống mức 0,4-0,6 m vào tháng 2-3. Ở các tháng tiếp theo, dòng chảy trên các sông, suối giảm dần và khả năng thiếu hụt so với trung bình nhiều năm.
Ở khu vực Bắc Bộ có khả năng cao sẽ xảy ra thiếu nước cục bộ, vùng núi cao phía Bắc và trung du Bắc Bộ có diễn biến nghiêm trọng hơn vùng đồng bằng. Tình trạng khó khăn trong cấp nước, giao thông thủy và phát điện trong các tháng cuối mùa khô năm 2015-2016.
Từ nay đến cuối tháng 5, dòng chảy trên các sông Trung Bộ và Khu vực Tây Nguyên tiếp tục giảm dần. Dòng chảy trên các sông ở Bắc Trung Bộ có khả năng thấp hơn trung bình nhiều năm cùng kỳ từ 50-70%, ở Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ thấp hơn từ 60-80% và khoảng 30-50% trong tháng 5-6.
Tình trạng khô hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn có khả năng xảy ra sớm, trên diện rộng và khốc liệt tương đương hoặc cao hơn so với năm 2015.
Trong các tháng đầu năm 2016, tổng lượng dòng chảy sông Mekong về khu vực Đồng bằng sông Cửu Long khả năng thiếu hụt so với trung bình nhiều năm từ 20-40%, nên mực nước các trạm chính sông Cửu Long ở mức thấp và chịu ảnh hưởng mạnh của thủy triều.
Khả năng xâm nhập mặn vùng cửa sông Nam Bộ sẽ cao hơn, sớm hơn và sâu hơn cùng kỳ mùa khô năm 2015 và so với trung bình nhiều năm.
Trên sông Tiền, sông Hậu độ mặn 4g/l có thể xâm nhập sâu khoảng 50-60 km, tính từ cửa sông, có thời kỳ 70km. Độ mặn sẽ tăng cao và kéo dài từ cuối tháng 1 đến đầu tháng 5.
Dự báo thời tiết trong những ngày diễn ra Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII tại Hà Nội, ông Vũ Anh Tuấn, Trưởng phòng dự báo hạn ngắn, Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương cho biết xu thế thời tiết từ 20-21/1, khu vực Hà Nội chịu ảnh hưởng của không khí lạnh suy yếu.
Khoảng 22/1 không khí lạnh sẽ được tăng cường rất mạnh, sau đó được bổ sung vào ngày 23/1 nên khả năng gây ra rét đậm, rét hại trong các ngày từ 23-27/1. Từ ngày 28/1, thời tiết ổn định dần.
Cụ thể ngày 20, 21/1 khu vực Hà Nội không mưa, nhiệt độ từ 19-22 độ C (về đêm thời gian từ 19 giờ đến 7 giờ ngày 20/1, nhiệt độ từ 17-20 độ C; ngày 21/1 có lúc có mưa, nhiệt độ từ 17-20 độ C). Ngày 22/1 có mưa, nhiệt độ từ 15-20 độ C, về đêm nhiệt độ giảm xuống từ 12-15 độ C. Ngày 23/1 có lúc có mưa nhỏ, nhiệt độ từ 12-14 độ C; các ngày 24, 25/1 không mưa, nhiệt độ dao động từ 9-14 độ C; ngày 26, 27/1 có mưa, mưa rào, nhiệt độ dao động từ 10-15 độ C; ngày 28/1 không mưa, nhiệt độ từ 14-19 độ C.
Thông tin về đợt không khí lạnh từ 21-27/1, theo ông Vũ Anh Tuấn đêm 21, ngày 22/1 không khí lạnh có cường độ mạnh ảnh hưởng đến Việt Nam, thêm vào đó hoạt động của rãnh gió Tây trên cao khoảng 5.000m gây mưa diện rộng ở khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ từ đêm 21/1 đến sáng 23/1.
Từ ngày 22/1, gió Đông Bắc mạnh cấp 6-8, giật cấp 9-10 ở vịnh Bắc Bộ. Từ ngày 23/1 trên toàn bộ khu vực Biển Đông, vùng biển ngoài khơi Trung Bộ và Nam Bộ có gió mạnh cấp 6-8, giật cấp 9-10 và duy trì dài ngày từ 22/1 đến hết ngày 26/1, rất nguy hiểm cho tàu thuyền và các hoạt động trên biển.
Nhiệt độ thấp nhất trong đợt rét đậm, rét hại này ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ phổ biến từ 8-11 độ C, vùng núi từ 3-6 độ C, một số nơi vùng cao xảy ra băng tuyết, mưa tuyết ở những vùng núi cao (khả năng này có thể xảy ra từ ngày 23 đến 25/1, khả năng cao là xảy ra vào đêm 24 và ngày 25/1 ở những khu vực như Sa Pa, Đồng Văn, Mẫu Sơn... không loại trừ khu vực Bắc Trung Bộ, vùng núi cao trên 1.500m. Khu vực Mẫu Sơn, Sa Pa, Đồng Văn nhiệt độ có thể giảm xuống dưới 0 độ C).
Nhận định về thời tiết dịp Tết Nguyên đán Bính Thân năm 2016, ông Nguyễn Đăng Quang, Trưởng phòng dự báo hạn ngắn, hạn dài, Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương cho biết xu thế chung trong tháng 2 là nhiệt độ tại Bắc Bộ phổ biến xấp xỉ trung bình nhiều năm, phía Nam có xu thế thấp hơn trung bình nhiều năm; lượng mưa ở Bắc Bộ có xu hướng xấp xỉ hoặc cao hơn trung bình nhiều năm, các khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ phổ biến thấp hơn trung bình nhiều năm.
Trong tháng Tết (tháng 2) có khả năng xảy ra khoảng 4-5 đợt không khí lạnh ảnh hưởng đến các tỉnh miền Bắc, các đợt không khí lạnh này có thể gây rét, có thể xảy ra một đợt rét đậm trong tháng 2 nhưng không kéo dài.
Trước Tết (những ngày đầu tháng 2), có khả năng ảnh hưởng của một đợt không khí lạnh, gây mưa và trời rét ở Bắc Bộ, sau đó khoảng những ngày trong Tết không khí lạnh có thể tiếp tục được bổ sung yếu và duy trì tình trạng trời rét (nhưng ít khả năng rét đậm).
Thời tiết ở Bắc Bộ những ngày trước Tết có mưa nhỏ do ảnh hưởng của không khí lạnh, trời rét, những ngày trong Tết nhiệt độ phổ biến dao động trong khoảng 14-22 độ C, mưa không đáng kể.
Thời tiết dịp Tết Nguyên Đán tại các tỉnh phía Nam về cơ bản là tốt, riêng miền Trung (khu vực Bắc và Trung Trung Bộ) có thể có mưa và trời rét ở Bắc Trung Bộ vào thời điểm có không khí lạnh./.
TTXVN