Tư vấn pháp luật

Bán nhà chung khi chồng bị tai biến?

Báo TN&MT 31/01/2024 - 22:47

(TN&MT) - Vợ của nguời bị tai biến, không có khả năng nhận thức có được quyền bán nhà ở, là tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân hay không?

Vợ chồng tôi có ngôi nhà với diện tích 100m2, đây là tài sản chung của hai vợ chồng. Tuy nhiên, hiện tại, chồng tôi đang bị tai biến, không có khả năng nhận thức nên tôi muốn bán ngôi nhà trên để lấy tiền chữa bệnh và mua căn nhà nhỏ hơn. Vậy tôi có được quyền thay mặt chồng bán nhà hay không?

Bạn đọc Nguyễn Thanh Loan (Từ Sơn, Bắc Ninh)

Vấn đề bạn hỏi, Văn phòng luật sư tư vấn như sau:

Theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014:

Năng lực hành vi dân sự của cá nhân là khả năng của cá nhân bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự.

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 22 Bộ luật Dân sự năm 2015:

“Khi một người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần.

Khi không còn căn cứ tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự thì theo yêu cầu của chính người đó hoặc của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định hủy bỏ quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự.”

Tại Điều 24 Bộ luật dân sự quy định hạn chế năng lực hành vi dân sự cụ thể như sau:

“1.Người nghiện ma túy, nghiện các chất kích thích khác dẫn đến phá tán tài sản của gia đình thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án có thể ra quyết định tuyên bố người này là người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.

Tòa án quyết định người đại diện theo pháp luật của người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự và phạm vi đại diện.

2. Việc xác lập, thực hiện giao dịch dân sự liên quan đến tài sản của người bị Tòa án tuyên bố hạn chế năng lực hành vi dân sự phải có sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật, trừ giao dịch nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày hoặc luật liên quan có quy định khác.

3. Khi không còn căn cứ tuyên bố một người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự thì theo yêu cầu của chính người đó hoặc của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định hủy bỏ quyết định tuyên bố hạn chế năng lực hành vi dân sự.”

Theo quy định tại Khoản 1, Khoản 3 Điều 53 Bộ luật dân sự 2015:

1. Trường hợp vợ là người mất năng lực hành vi dân sự thì chồng là người giám hộ; nếu chồng là người mất năng lực hành vi dân sự thì vợ là người giám hộ.

Bên cạnh đó, Khoản 3 Điều 24 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, cụ thể:

3. Vợ, chồng đại diện cho nhau khi một bên mất năng lực hành vi dân sự mà bên kia có đủ điều kiện làm người giám hộ hoặc khi một bên bị hạn chế năng lực hành vi dân sự mà bên kia được Tòa án chỉ định làm người đại diện theo pháp luật cho người đó, trừ trường hợp theo quy định của pháp luật thì người đó phải tự mình thực hiện quyền, nghĩa vụ có liên quan.

Trong trường hợp một bên vợ, chồng mất năng lực hành vi dân sự mà bên kia có yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn thì căn cứ vào quy định về giám hộ trong Bộ luật dân sự, Tòa án chỉ định người khác đại diện cho người bị mất năng lực hành vi dân sự để giải quyết việc ly hôn.

Trong trường hợp trên, bạn chỉ có quyền đại diện cho chồng bán nhà là tài sản chung của vợ chồng với điều kiện chồng bạn phải có quyết định của Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự.

Tuy nhiên, tại khoản 2 Điều 69 Bộ luật Dân sự quy định: “Người giám hộ được thực hiện các giao dịch liên quan đến tài sản của người được giám hộ vì lợi ích của người được giám hộ. Việc bán, trao đổi, cho thuê, cho mượn, cho vay, cầm cố, thế chấp, đặt cọc và các giao dịch khác đối với tài sản có giá trị lớn của người được giám hộ phải được sự đồng ý của người giám sát việc giám hộ”.

Người giám sát người giám hộ được quy định tại Điều 59 Bộ luật Dân sự: “Người thân thích của người được giám hộ có trách nhiệm cử người đại diện làm người giám sát việc giám hộ để theo dõi, đôn đốc, kiểm tra người giám hộ trong việc thực hiện giám hộ, xem xét, giải quyết kịp thời những đề nghị, kiến nghị của người giám hộ liên quan đến việc giám hộ".

Theo quy định tại khoản 19, Điều 3 của Luật hôn nhân và gia đình: Người thân thích là người có quan hệ hôn nhân, nuôi dưỡng, người có cùng dòng máu về trực hệ và người có họ trong phạm vi ba đời. Vì vậy, gia đình bạn có thể lựa chọn một trong số người sau: cha, mẹ, con, ông, bà, anh ruột, chị ruột, em ruột, bác, chú, cậu, cô, dì của người chồng bạn để giám sát việc bán nhà. Việc bán ngôi nhà và diện tích đất nói trên của vợ chồng bạn phải được người giám sát việc giám hộ đồng ý bằng văn bản và bạn phải chứng minh được việc bán là lo cho cuộc sống gia đình

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bán nhà chung khi chồng bị tai biến?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO