Ngày 6/5, Hội thảo “Thị trường bất động sản du lịch Việt Nam: Những nút thắt pháp lý, thực tiễn và giải pháp tháo gỡ” đã được tổ chức với nhiều ý kiến đóng góp của các chuyên gia, luật sư.
Giải cứu 30 tỷ USD mắc kẹt
Theo số liệu thống kê của VNREA, tính đến 9/2021, 239 dự án bất động sản du lịch tại 15 địa phương có tổng giá trị 681.886 tỷ đồng, tương đương 30 tỷ USD.
Tại hội thảo, TS Cấn Văn Lực – Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính – Tiền tệ Quốc gia cho biết, theo số liệu thống kê của VNREA đề xuất cần có giải pháp để tháo gỡ hàng trăm nghìn tỷ đồng đang bị ứ đọng ở các dự án BĐS du lịch, không làm gián đoạn đầu tư của doanh nghiệp, kích thích doanh nghiệp đầu tư, phát triển kinh tế, tiếp tục thu hút ngồn vốn đầu tư, giúp tăng thu cho ngân sách.
TS Cấn Văn Lực cũng cho biết, hoạt động đầu tư, kinh doanh BĐS du lịch đang chịu sự điều chỉnh của hệ thống pháp lý chung của khá nhiều luật chuyên ngành nhưng có 5 điểm chưa được, gây thách thức đối với loại hình BĐS này như: chưa được định danh; chưa nằm trong quy hoạch phát triển du lịch; chưa được cấp giấy chứng nhận (GCN) sơ hữu (sổ đỏ, sổ hồng..); chưa theo kịp nhu cầu và năng lực cạnh tranh quốc tế; chưa đồng bộ, thiếu nhất quán phù hợp với đặc trưng riêng của loại hình này, dẫn đến khó khăn, phức tạp trong quá trình áp dụng cho cả phía cơ quan quản lý Nhà Nước, nhà đầu tư và rủi ro cho các tổ chức tín dụng trong quá trình tài trợ vốn, xử lý nợ xấu.
Còn theo PGS.TS. Trần Việt Dũng - Trưởng Khoa Luật Quốc tế, Đại học Luật TP.HCM, tại rất nhiều dự án bất động sản du lịch, việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu cho căn hộ/ biệt thự du lịch bị “đóng băng”. Các cơ quan chức năng “không dám” cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà cho các cá nhân vì những lấn cấn về chế độ pháp lý của đất cấp cho các dự án bất động sản du lịch, mặc dù về mặt chính sách Việt Nam đã có những chủ trương cho mô hình kinh doanh này.
Cần một Nghị quyết tháo gỡ ách tắc cho BĐS du lịch
Các chuyên gia cho rằng, để tháo gỡ vướng mắc, khơi thông thị trường bất động sản nghỉ dưỡng, điều rất cần là phải sửa 5 Luật, bao gồm Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở và Luật Du lịch. Tuy nhiên, trong 5 luật này, Luật Đất đai được đánh giá là khó sửa nhất, vì luật này tiếp tục chồng chéo với rất nhiều luật khác, như Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu. Do đó, dù đã có chủ trương sửa Luật Đất đai từ lâu, nhưng cho tới nay vẫn chưa thể sửa được.
Trước những bế tắc về pháp lý với các dự án BĐS du lịch, nghỉ dưỡng, nhiều chuyên gia luật, chuyên gia bất động sản đã kiến nghị Quốc hội ban hành 1 Nghị quyết để tháo gỡ những vướng mắc pháp lý cho các dự án trên. Đây cũng là giải pháp từng được áp dụng để vấn đề tồn đọng về vấn đề nhà đất do nhà nước đã quản lý như Nghị quyết 23 của Quốc Hội trước đây.
Đưa ra giải pháp cần có một văn bản dưới luật để gỡ khó cho BĐS du lịch, TS. Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam đề xuất: “Hiện Luật Đất đai 2013 đang trong thời gian chờ sửa đổi, bổ sung. Để có thể kịp thời điều chỉnh những vướng mắc hiện có, các Bộ ngành chức năng cần có các văn bản dưới luật, như nghị định hay thông tư về việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu đối với “đất ở không hình thành đơn vị ở” đối với bất động sản du lịch…”.
Ngoài việc đưa ra giải pháp cần định danh chính thức các loại BDS du lịch trong luật kinh doanh BĐS và luật xây dựng, TS. Cấn Văn Lực – Chuyên gia Kinh tế kiến nghị sớm ban hành các văn bản dưới luật để hướng dẫn thống nhất các địa phương cấp giấy chứng nhận sở hữu tài sản, chuyển nhượng cho nhà đầu tư theo đúng hồ sơ pháp lý mà doanh nghiệp/ chủ đầu tư dự án đã được cơ quan quản lý nhà nước tại các địa phương cấp trước đó.
Cùng quan điểm, PGS.TS. Nguyễn Thị Nga, giảng viên Đại học Luật Hà Nội cũng kiến nghị: Quốc hội cần ban hành 1 Nghị quyết để kịp thời giải quyết những vấn đề pháp lý đối với BĐS du lịch đang tồn đọng.
TS Nguyễn Văn Đính – Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam cũng đề nghị, Chính phủ cần ban hành các văn bản dưới luật để giải quyết cấp bách về pháp lý cho bất động sản du lịch nghỉ dưỡng, để có cơ sở tiếp tục thực hiện các dự án đã và đang triển khai.
Theo ông Đính, thực tế hiện nay, việc đầu tư của nhà đầu tư chỉ được khẳng định bằng hợp đồng hợp tác đầu tư hay góp vốn… mà không có giấy tờ pháp lý đủ mạnh hơn để họ có thể tự do chuyển nhượng tài sản đầu tư trên thị trường dẫn đến việc kém thanh khoản, rủi ro pháp lý. Điều này, không chỉ gây thiệt hại cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, gây thiệt hại cho ngân sách mà còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường đầu tư kinh doanh nói chung, thị trường bất động sản nói riêng.
"Tóm lại, trong ngắn hạn, cần thiết nghiên cứu ban hành những quy định đảm bảo nhà đầu tư thứ cấp có những giấy tờ có giá trị khẳng định quyền quyết định đối với bất động sản du lịch nghỉ dưỡng mà họ đã đầu tư. Những loại giấy tờ đó đủ điều kiện giúp nhà đầu tư chuyển nhượng quyền sử dụng, thế chấp…. Nói cách khác chính là tài sản của nhà đầu tư được pháp luật bảo vệ…." -TS. Nguyễn Văn Đính kiến nghị.
Đại diện Hội Luật gia Việt Nam cho biết sẽ tổng hợp các ý kiến và kiến nghị gửi lên Chính phủ và các cơ quan, ban ngành Trung ương để sớm có những giải pháp cấp bách cũng như lâu dài hoàn thiện hành lang pháp lý cho bất động sản du lịch./.