Theo Báo cáo của Bộ TN&MT vào tháng 7/2020 về kết quả thực hiện Nghị quyết số 112/2015/QH13 ngày 15/11/2015 và Nghị quyết số 113/2015/QH13 ngày 27/11/2015 của Quốc hội cho thấy, cả nước đã tiến hành rà soát 275 công ty, trong đó: giữ lại là 257 công ty (124 công ty nông nghiệp, 133 công ty lâm nghiệp; 97 công ty do Trung ương quản lý, 160 công ty do địa phương quản lý).
Diện tích các nông, lâm trường dự kiến bàn giao về địa phương theo Nghị quyết số 112/2015/NQ-QH13 là 465.029 ha, nâng tổng số diện tích bàn giao về địa phương từ trước đến nay đạt 1.086.594 ha (theo Nghị quyết số 28-NQ/TW là 621.565 ha, theo Nghị quyết số 30-NQ/TW là 465.029 ha).
Trong đó, UBND các tỉnh đã có quyết định thu hồi tại 120 công ty với diện tích là 237.715 ha, chiếm 22% tổng diện tích dự kiến bàn giao về địa phương; Đã xây dựng phương án sử dụng đất là 158.046 ha, bằng 67% tổng diện tích đã thu hồi (trong đó phương án giao cho hộ gia đình cá nhân là 10.983 ha, giao cho tổ chức là 57.312 ha; chuyển toàn bộ công ty thành Ban Quản lý rừng phòng hộ 89.751 ha).
Rà soát, sắp xếp đất của các nông, lâm trường. |
Đặc biệt, phần diện tích chưa có phương án (tạm giữ lại chưa giao) là 928.548 ha, bằng 85% tổng diện tích dự kiến bàn giao về địa phương.
Để giải quyết vấn đề này, tại Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung các Thông tư quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai do Bộ TN&MT đang xây dựng đã có hướng tháo gỡ để nhanh chóng đưa đất giao về địa phương sử dụng.
Cụ thể, tại Điều 9, Dự thảo Thông tư về sửa đổi, bổ sung Thông tư số 07/2017/TT-BTNMT26/02/2015 quy định việc lập phương án sử dụng đất; lập hồ sơ ranh giới sử dụng đất; đo đạc, lập bản đồ địa chính; xác định giá thuê đất; giao đất, cho thuê đất và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với công ty nông, lâm nghiệp, trong đó sửa đổi, bổ sung Điều 8 về các bước xử lý quỹ đất đã bàn giao cho địa phương.
Bước 1, Sở TN&MT chủ trì tổ chức đo đạc xác định cụ thể quỹ đất bàn giao cho địa phương theo đề án hoặc phương án sắp xếp, đổi mới và phát triển công ty nông, lâm nghiệp, phương án sử dụng đất của công ty nông, lâm nghiệp đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Bước 2, Sở TN&MT lập hồ sơ thu hồi đất trình UBND cấp tỉnh ký quyết định thu hồi đất.
Bước 3, UBND cấp huyện lập phương án sử dụng đất gửi Sở TN&MT. Trường hợp quỹ đất bàn giao cho địa phương thuộc địa giới hành chính của nhiều đơn vị hành chính cấp huyện thì Sở TN&MT có trách nhiệm lập phương án sử dụng đất. Sở TN&MT chủ trì phối hợp với Sở NN&PTNT và các Sở, ngành có liên quan tổ chức thẩm định phương án sử dụng đất trước khi trình UBND tỉnh.
Bước 4, UBND tỉnh có trách nhiệm quy định cụ thể nội dung phương án sử dụng đất phù hợp với thực tế quản lý, sử dụng đất của địa phương và đảm bảo các nguyên tắc như phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Đồng thời, phù hợp với quy định của pháp luật đất đai về phân loại đất, đối tượng sử dụng đất, hình thức, thời hạn, hạn mức sử dụng đất, điều kiện để công nhận quyền sử dụng đất.
Đặc biệt phải ưu tiên giao đất cho đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương không có đất hoặc thiếu đất sản xuất; ưu tiên giao đất cho hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất đất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản tại địa phương chưa được giao đất hoặc thiếu đất sản xuất.
Dự thảo cũng hướng dẫn việc giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất được thực hiện công khai, dân chủ, khách quan, trung thực, bình đẳng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người liên quan.
Cuối cùng, Dự thảo Thông tư hướng dẫn cơ quan quản lý TN&MT có trách nhiệm lập hồ sơ trình UBND cấp có thẩm quyền có quyết định giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất cho người đang sử dụng theo phương án sử dụng đất đã được phê duyệt; ký hợp đồng cho thuê đất đối với trường hợp thuê đất; chỉnh lý bản đồ địa chính (nếu có) để cấp Giấy chứng nhận, bàn giao đất trên thực địa và cập nhật hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai.