Tiềm năng và thách thức
Việt Nam có vị trí địa lý thuận lợi về biển, hơn 3.260km bờ biển trải dài 28 tỉnh, thành phố theo chiều dài đất nước với diện tích tự nhiên 126.747km2, tỉ lệ đất liền với bờ biển của Việt Nam thuộc loại cao so với thế giới. Việt Nam có lợi thế về giao thông đường biển, khi gần các tuyến đường hàng hải quốc tế và khu vực. Vùng biển Việt Nam nằm tại khu vực có tốc độ phát triển kinh tế cao và là cầu nối giữa nhiều cường quốc kinh tế và chính trị trên thế giới. Có khoảng 35 loại khoáng sản với trữ lượng khai thác khác nhau từ nhỏ đến lớn, thuộc các nhóm: nhiên liệu, kim loại, vật liệu xây dựng, đá quý và bán quý, khoáng sản lỏng trong vùng biển Việt Nam. Nguồn lợi hải sản vùng biển nước ta có độ phong phú cao. Trữ lượng cá ở vùng biển nước ta khoảng 5 triệu tấn/năm. Biển Việt Nam có hệ thống rừng ngập mặn, rạn san hô, thảm cỏ biển, đầm phá đều có tính đa dạng sinh học cao.
Các tỉnh, thành phố ven biển đóng góp khoảng 47 - 48% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cả nước, trong đó các ngành kinh tế thuần biển đóng góp khoảng 20 - 22% GDP. Tại các tỉnh, thành phố ven biển, chỉ số phát triển con người cao hơn mức trung bình của cả nước; thu nhập bình quân đầu người gấp từ 1 - 2 lần trở lên so với thu nhập bình quân của cả nước.
Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, bên cạnh những thành tựu đạt được, kinh tế biển nước ta vẫn phải đối mặt với các thách thức lớn về môi trường và tài nguyên biển, biến đổi khí hậu, nước biển dâng và sinh kế của người dân.
Hiện nhiều khu kinh tế ven biển chưa tạo ra sự lan tỏa lớn bởi chất lượng dự án đầu tư còn thấp, vốn đầu tư tập trung vào những ngành tiêu tốn tài nguyên và năng lượng như: Hóa dầu, thép, xi măng, nhiệt điện...; các dự án đầu tư trong các khu thuộc đa ngành nghề, lĩnh vực, ít có tính cộng sinh công nghiệp... Quy hoạch và triển khai quy hoạch còn thiếu thực tế do phần lớn các khu kinh tế ven biển phát triển dựa trên mô hình đa ngành nghề, ít theo mô hình tập trung, chuyên sâu...
Các khu bảo tồn biển chưa được quản lý hiệu quả, chưa đáp ứng yêu cầu. Cũng chưa ngăn chặn được nạn khai thác hủy diệt nguồn lợi thủy sản và các hành vi khai thác tài nguyên biển, vùng ven biển và đảo thiếu thân thiện với môi trường. Mặc dù các hoạt động kinh tế trên biển rất đa dạng, bao gồm khai thác dầu khí, du lịch, nuôi trồng thủy hải sản, giao thông vận tải, năng lượng... Tuy nhiên, các hoạt động kinh tế này đều chứa các nguy cơ gây ô nhiễm môi trường biển. Hệ sinh thái biển đang đối diện với nhiều thách thức: chất thải từ các sông đổ ra biển, hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương ven biển và tác động của biến đổi khí hậu.
Những năm gần đây, nguồn lợi thủy sản suy giảm do dư thừa cường lực đánh bắt. Cơ sở hạ tầng ngành hải sản chưa đáp ứng yêu cầu, quản lý môi trường vùng nuôi chưa hiệu quả. Tiềm năng phát triển điện gió ngoài khơi ở Việt Nam rất lớn, trong khi công nghệ và hiệu suất điện gió đang được cải tiến liên tục, giảm chi phí và tăng khả năng cạnh tranh. Thế nhưng điện gió ngoài khơi đang đối mặt với nhiều thách thức: thiếu quy hoạch đồng bộ - xung đột sử dụng không gian biển.
Chúng ta chưa phát huy tối đa lợi thế, tiềm năng là cửa ngõ vươn ra thế giới của các địa phương có biển, đó là do chưa tạo được chuỗi kết nối giữa các địa phương có biển và các địa phương không có biển, giữa các ngành, các lĩnh vực kinh tế, kết cấu hạ tầng. Chính vì vậy, chưa phát triển được các cảng biển mang tầm cỡ quốc tế; một số ngành kinh tế mũi nhọn như hàng hải, dầu khí, công nghiệp đóng tàu chưa tận dụng được cơ hội, các tiềm năng lợi thế để phát triển.
Kinh tế biển xanh - xu thế phát triển bền vững
Kinh tế biển xanh vừa bảo đảm cho kinh tế phát triển, vừa bảo đảm được sự phát triển của các hệ sinh thái biển thông qua các phương thức, như giảm phát thải các-bon, tăng trưởng theo chiều sâu, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, thân thiện với môi trường. Việc phát triển kinh tế biển xanh thể hiện rõ vai trò của việc bảo tồn, phát triển bền vững hệ sinh thái biển, hay còn gọi phát triển theo hướng tiếp cận hệ sinh thái.
Muốn phát triển dựa vào biển và hưởng lợi từ biển, Việt Nam cần phải cân bằng giữa khai thác và bảo tồn chính những giá trị mà biển mang lại, xử lý và phòng ngừa các vấn đề về an ninh môi trường biển. Song song với đó, cần ưu tiên mở rộng hệ thống khu bảo tồn biển và hải đảo để kiến tạo những khu dự trữ về dài hạn; đồng thời thúc đẩy hợp tác quốc tế và khu vực nhằm giải quyết hòa bình các nguy cơ xung đột lợi ích từ biển.
Phát triển kinh tế biển xanh là một lựa chọn đúng để phát triển kinh tế biển hiệu quả và bền vững theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Vì vậy, đòi hỏi các hoạt động phát triển của các ngành kinh tế biển cần chuyển từ nền kinh tế khai thác và gây ô nhiễm môi trường sang kinh tế biển xanh, giảm các nguồn gây ô nhiễm môi trường biển ngay từ trong đất liền.
Cần sớm quy hoạch không gian biển và phân định rõ các khu chức năng, nhất là các khu bảo tồn biển; tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học và hệ sinh thái biển; lượng hóa được các giá trị kinh tế biển để làm căn cứ cho việc thực hiện kinh tế biển xanh.
Hoàn thiện thể chế và hành lang pháp lý cho ngành dầu khí, tiếp tục phát triển theo chiều sâu trong chuỗi giá trị, nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua chuyển đổi số và hoàn thiện hệ thống quản trị. Giảm sản lượng khai thác xuống mức bền vững tối ưu, phù hợp với trữ lượng nguồn lợi. Phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu. Chuyển từ nuôi trồng, khai thác hải sản theo phương thức truyền thống sang công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao. Thúc đẩy các hoạt động nuôi trồng, khai thác hải sản bền vững, tăng cường bảo vệ, tái sinh nguồn lợi hải sản. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến trong nuôi trồng, khai thác, bảo quản, chế biến hải sản, tạo ra các sản phẩm chủ lực, có chất lượng, giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Sớm hoạch định được lộ trình phát triển điện gió ngoài khơi, tích hợp quy hoạch phát triển điện lực quốc gia với quy hoạch sử dụng không gian biển.
Xây dựng chiến lược mới phát triển đội tàu quốc gia theo hướng trẻ hóa, hiện đại, đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế về khí thải. Phát triển hệ thống cảng biển phải đồng bộ hệ thống dịch vụ logistics sau cảng. Ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao thân thiện với môi trường, công nghiệp nền tảng, công nghệ nguồn. Phát triển hợp lý các ngành sửa chữa và đóng tàu, lọc hóa dầu, năng lượng, cơ khí chế tạo, công nghiệp chế biến, công nghiệp phụ trợ.
Để hoàn thành mục tiêu Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh, đạt cơ bản các tiêu chí về phát triển bền vững, trong đó, kinh tế biển xanh đóng vai trò chủ đạo; cần có sự thống nhất tư tưởng, nhận thức về vị trí, vai trò và tầm quan trọng đặc biệt của biển đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân. Phát triển bền vững biển Việt Nam phải được coi là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, quyền và nghĩa vụ của mọi tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư và mỗi người dân.