Bài dự thi “Cùng giữ màu xanh của biển”: Hồi sinh biển quê tôi

Nguyễn Phương Trang (Học viện Báo chí & Tuyên truyền)| 09/03/2021 11:29

(TN&MT) - “Con có nhìn thấy những vệt xanh kia không, những gì con người lấy của biển thì phải trả lại cho biển, con ạ” cha thường nói với tôi như thế mỗi lần dẫn tôi ra biển dạo chơi. Qua những câu chuyện kể của cha và cuộc sống thực tế diễn ra nơi vùng đất này, giờ thì tôi hiểu, cá tôm cho con người nơi đây cuộc sống, nhưng màu xanh của biển mới là yếu tố tạo nên chất lượng cuộc sống bình yên nhất, giá trị nhất.

Ký ức về biển

Ký ức về biển trong tôi không quá nhiều, nhưng tôi luôn ngẫm về những điều cha tôi muốn nói. Những lần đưa tôi về quê nội, hai cha con lại đi dọc dài bờ biển từ Hòa Lộc tới các xã Hải Lộc, Minh Lộc, Ngư Lộc, Hưng Lộc, Đa Lộc (Hậu Lộc, Thanh Hóa), cha kể: Người dân các xã vùng biển vào những năm 80 của thế kỷ XX trở về trước là những xã nghèo, lạc hậu. Thế nhưng, cuộc sống khi đó dẫu không nhà cao cửa rộng mà bình lặng, thanh đạm vô cùng.

Những cánh rừng phòng hộ ven biển Hậu Lộc xanh tốt trở lại

Cha tôi kể, thời đó, cứ mỗi khi về quê thăm ông bà, đi dọc bờ biển rất thú vị, gió thổi thoang thoảng đem theo hương vị mặn mòi từ biển, len lỏi qua những rừng phi lao Đa Lộc (người dân địa phương quê tôi thường gọi phi lao là sa mộc), rừng sú, vẹt, bần chua Hải Lộc chi chít vết chân cua, cáy. Những khi lặng còn nghe tiếng tôm bật tanh tách, tiếng cá còi quẫy mình nhí nhách trong bùn. Ra xa một chút là những bãi cát mênh mông, khi thủy triều, xuống muốn có bát canh ngao chỉ cần đưa chân khẩy lớp cát phía trên là lộ ra những con ngao to, mình đỏ. Về nhà sẽ có ngay bữa canh ngao nấu với rau mồng tơi ngọt lịm. Cha còn kể, những lần cha theo người dân trong làng đi ra bờ biển Hải Lộc, Ngư Lộc để đào con dắt, con don, cha mang cả bao tải về, nhà dùng không hết còn chia cho cả bà con chòm xóm.

Nhất là cái giống cá còi như tôi đã nhắc ở trên. Cá còi sống ở bãi bùn ven biển dưới những tán rừng sú, vẹt, tập trung nhiều nhất ở vùng bờ biển Đa Lộc. Cá tuy nhỏ (chỉ bằng ngón tay) nhưng thịt dai, thơm, ngon, kho với gừng ăn vào có vị ngậy béo như thịt mỡ, nên người dân nơi đây thường có câu: “Cá còi béo hơn thịt lợn”.

Cứ thế, cuộc sống của người dân cứ bình lặng trôi qua. Hàng năm, cũng nhiều trận bão về mất nhà trôi của, nhưng người dân quê tôi vẫn kiên cường chống chọi vượt qua. Ngày ngày chồng vẫn đi biển, vợ ở nhà chăm sóc con cái, khi rảnh rỗi lại xách giỏ đi dọc bờ biển bắt con tôm, con cá bán, rồi mua rau, mua gạo phụ thêm... Những nếp nhà nhỏ nép mình dưới tán cây xanh hưởng cái gió trong lành của biển cứ mỗi chiều khói lại cuộn lên ấm áp.

Đoàn viên Thanh niên và người dân Hậu Lộc tham gia trồng rừng ngập mặn

Hệ lụy từ “tàn phá” rừng phòng hộ

Nhưng khi nền kinh tế thị trường phát triển, phong trào nuôi tôm, nuôi ngao bùng phát, một số chủ đầu tư đã “nhẫn tâm” chặt phá những rừng sú, vẹt, bần chua để lấy chỗ nuôi tôm, nuôi ngao. Có những thời điểm phong trào nuôi ngao, nuôi tôm lên cao, người ta còn sử dụng bãi bùn Đa Lộc rồi mua cát về đổ để tạo bãi nuôi ngao. Hàng trăm, hàng nghìn, rồi hàng vạn héc-ta đất bờ biển dần dần trở thành những đồng nuôi ngao, nuôi tôm cũng là lúc hàng nghìn, hàng vạn héc-ta đất bờ biển trồng phi lao, sú, vẹt bị người ta “cạo trọc” không thương tiếc.

Khi mà những cánh rừng phòng hộ không còn nữa, cũng là lúc người dân phải gánh chịu hậu quả từ thiên tai. Những cơn bão liên tiếp ập về, có những trận bão đã làm vỡ hàng trăm mét đê biển khiến nước mặn tràn vào đồng ruộng, nhiều cánh đồng ở Hưng Lộc, Minh Lộc bị nhiễm nước mặn không thể canh tác được. Cùng với đó, do mật độ đồng nuôi ngao quá dày, lại thiếu kinh nghiệm, nguồn nước bị ô nhiễm, nhiều năm liền ngao, tôm “lăn ra” chết hàng loạt.

Ông Nguyễn Văn Loan, người dân xã Hải Lộc bàng hoàng nhớ lại: “Tôi năm nay gần 80 tuổi rồi, cũng chứng kiến không biết bao nhiêu cơn bão, tôi không nhớ chính xác, nhưng hình như đầu những năm 1990, có cơn bão to đổ bộ vào, toàn bộ dãy đê này vỡ tan hoang, nước mặn tràn vào, những bãi nuôi ngao, nuôi tôm cũng “bay” sạch. Tuy cơn bão này không to bằng cơn bão số 6 năm 1986 nhưng mức độ tàn phá thì thật ghê gớm”. Khi được hỏi vì sao lại thế, trầm ngâm một lúc, ông Loan chỉ tay về phía biển chậm rãi nói: “Theo tôi, cơn bão số 6 năm 1986 to, nhưng thiệt hại ít hơn là bởi vì lúc đó dọc bờ biển này vẫn còn những rừng sú, vẹt che chắn. Nhưng khi những rừng này bị chặt phá, không còn vật cản làm chậm cường độ, tốc độ của sóng, gió nữa thì thiệt hại nhiều hơn là điều đương nhiên”.

Cùng với những hệ lụy từ thiên nhiên do chặt phá rừng phòng hộ ven biển, thì vào thời điểm đó, nếu ai đã từng về Ngư Lộc, đi dọc theo bờ biển sẽ chứng kiến cảnh tượng hàng chục “núi rác” xuất hiện. Rác đủ mọi thể loại từ túi ni lông, vỏ chai, mảnh sành, dầu mỡ thừa, các loại rác xú uế, xác chết động vật… Người dân còn không dám ra bờ đê hóng mát vào mỗi buổi chiều vì mùi xú uế, hôi thối bốc lên nồng nặc.

Thành quả của người dân Hậu Lộc sau những ngày ra khơi

Xanh lại từ trái tim và bàn tay con người

Trong những câu chuyện về biển với cha, mẹ cũng hồ hởi góp vui bằng những câu chuyện về trồng rừng phòng hộ ven biển. Ấy là, vào những năm 2005, thời gian mẹ đang công tác tại Trường Tiểu học Hải Lộc, mẹ cũng đã cùng Công đoàn trường, Đoàn Thanh niên, Phụ nữ xã tham gia trồng rừng phòng hộ ven biển. Khi đó phong trào trồng rừng phòng hộ ở đây lan tỏa rất mạnh, nhiều cụ già, trẻ em không ai bảo ai đã xắn tay áo cùng tham gia trồng rừng. Chỉ một thời gian ngắn, dọc bãi biển dần mọc lên những rừng sú, vẹt, bần chua, màu xanh cũng dần hiện lên.

Đặc biệt, trong giai đoạn 2016 - 2025, khi UBND tỉnh Thanh Hóa tập trung quy hoạch 3 loại rừng. Tại Quyết định số 3230/QĐ- UBND ngày 29/8/2017 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa thì rừng phòng hộ ven biển Hậu Lộc phải trồng 601,8 ha.

Quy mô dự án triển khai trên địa bàn huyện Hậu Lộc bao gồm: Trồng rừng ngập mặn giảm sóng, ổn định bãi, bảo vệ tuyến đê biển, đê cửa sông huyện Hậu Lộc với tổng diện tích 228 ha trên đất quy hoạch rừng phòng hộ; loại cây trồng cơ bản là bần chua; Xây dựng công trình hạ tầng lâm sinh bảo vệ rừng ven biển: kè chống xâm thực ổn định bờ biển dài 400 m; tường mềm giảm sóng và ổn định bãi bồi, bảo vệ rừng  trồng mới với chiều dài 9.185 m; tạo hàng rào bảo vệ cây trồng mới với chiều dài 14.385 m; 5 chòi canh; cắm các biển bảo vệ rừng (4 biển); xây 1 khu nhà tránh trú bão cộng đồng. Với tổng mức đầu tư 93.000 triệu đồng, trong đó: cần nâng cấp rừng ngập mặn số diện tích còn lại 127,24 ha (xã Đa Lộc còn lại 58,8 ha, Hải Lộc 63,96 ha và Minh Lộc 4,98 ha).

Cá còi được coi là đặc sản của người dân Đa Lộc

Trong những ngày đầu Xuân Tân Sửu, tôi có dịp trở lại thăm quê. Đi trên tuyến đê biển được kè lát và đổ bê tông, dọc bờ biển là những vạt cây sú, vẹt, bần chua xanh tốt đã tạo nên hàng rào chắn sóng vô cùng hiệu quả, nhiều ngư dân đang bắt tôm, bắt cá dưới những tán rừng ngập mặn xanh mướt trong làn gió nhẹ của cái rét cuối đông sót lại, xa xa những cánh cò trắng lên xuống chập chờn... một không gian đẹp và bình yên biết bao. Những cánh rừng ngập mặn xanh tốt này không chỉ be bờ chắn sóng cho dân, mà còn là hàng rào chắn rác xả ra biển. Để có được những cánh rừng ngập mặn xanh tốt và hữu ích như hôm nay đó là công sức, mồ hôi của không biết bao nhiêu người. Vậy nên mỗi chúng ta hãy đối xử tốt với rừng, trồng và giữ gìn rừng, bởi giữ rừng là góp phần giữ màu xanh cho biển.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài dự thi “Cùng giữ màu xanh của biển”: Hồi sinh biển quê tôi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO