Bài dự thi “Cùng giữ màu xanh của biển”: Bảo vệ “thế giới dưới lòng đại dương”

Minh Châu (Thanh Khê, Đà Nẵng)| 01/03/2022 09:49

Ẩn sâu dưới làn nước xanh trong của bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng) là thế giới rộng lớn và đa sắc màu của các loài động vật biển... Những loài động vật này sinh sôi nảy nở và đem đến cho biển Sơn Trà một sức quyến rũ không thể quên đối với ai đã từng đặt chân đến.

1. Trên mặt biển và dưới đáy đại dương ở bán đảo Sơn Trà luôn có những điều khiến du khách phải ấn tượng. “Cảnh đẹp của bán đảo Sơn Trà ở Đà Nẵng không thua kém gì cảnh đẹp ở nước ngoài. Mọi thứ nơi đây đều gợi lên cảm giác trong lành, hoang sơ và hùng vĩ khiến tôi luôn muốn quay lại. Tôi đã được trải nghiệm về tour du lịch lặn biển ngắm san hô dưới nước, nhìn thấy sinh vật biển bơi sâu dưới biển, đó là những cảm giác tuyệt vời của tự do mà ai cũng sẽ mong muốn được khám phá” - Jordane, nữ du khách người Pháp cho biết.

Cũng như Jordane, nhiều du khách khi đến Đà Nẵng cũng mong muốn được khám phá vẻ đẹp dưới lòng đại dương xanh mênh mông. Đây là nhu cầu chính đáng của du khách đòi hỏi ngành du lịch Đà Nẵng, thành phố Đà Nẵng có sự quan tâm tạo điều kiện phát triển các dịch vụ du lịch lặn biển. Tuy nhiên, cùng với yêu cầu về hỗ trợ, phát triển du lịch từ tiềm năng biển, khai thác du lịch từ dịch vụ lặn biển ngắm san hô cũng có tác động không hề nhỏ đến môi trường tự nhiên dưới nước, đặc biệt là ảnh hưởng đến thế giới động vật của các loài sinh vật, san hô dưới biển. Do vậy trong nhiều năm trở lại đây, vấn đề bảo vệ hệ động vật tự nhiên dưới biển khỏi tác động xấu của con người đang là vấn đề bức thiết mà thành phố Đà Nẵng cần phải quan tâm.

sanho1.jpg

Lặn vớt rác bám vào san hô ở bán đảo Sơn Trà

Anh Đào Đặng Công Trung - công dân tiêu biểu của TP. Đà Nẵng trong vấn đề bảo vệ môi trường cho biết, anh thường xuyên lặn xuống dưới biển để vớt rác thải do du khách vứt lại nên thấy những rác thải này có tác động rất tiêu cực đến san hô, ngoài ra hệ thống nước thải và dầu từ ghe của ngư dân trôi nổi trong nước cũng là tác nhân gây ô nhiễm môi trường khiến san hô bị chết.

“Mỗi năm san hô chỉ phát triển tối đa 1cm và chỉ có thể phát triển ở điều kiện những vùng biển nhiệt đới nước ấm và sạch. Quần thể san hô quanh bán đảo Sơn Trà bao gồm nhiều loại đặc hữu mà không phải vùng biển nào cũng có, có thể ví san hô như là cánh rừng nguyên sinh của thế giới nước, là nhà cho các loại hải sản sinh sản, tồn tại và trú ngụ. Để bảo vệ san hô phải có những khuyến cáo và chế tài nghiêm ngặt đối với người dân và du khách, đồng thời cơ quan chức năng phải có lực lượng thường xuyên lặn kiểm tra phát hiện những tổn hại mà san hô gặp phải như, lưới, rác, hiện tượng gãy bể… để có kế hoạch vệ sinh và nuôi trồng trở lại, cắm bù giới hạn tiếp xúc khu vực đánh bắt tối thiểu”, anh Trung có ý kiến.

2. Khu vực bán đảo Sơn Trà có 5 vị trí thuộc vùng bảo vệ san hô, trong đó có 4 vị trí Bãi Nam, Đông Bãi Bắc, Hục Lỡ và Bãi Bụt nằm trong diện tích mặt nước đã được UBND thành phố giao cho 3 chủ dự án lần lượt là Công ty Cổ phần Sơn Trà, Công ty Cổ phần Địa Cầu, Công ty Cổ phần Hải Duy và 1 vị trí tại Hòn Sụp thuộc khu vực công cộng giao cho Ban Quản lý (BQL) Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng giám sát quản lý.

Qua công tác tuần tra, giám sát cho thấy có rất nhiều nguy cơ xâm hại từ bên ngoài làm ảnh hưởng đến môi trường sống của các rạn san hô tự nhiên, tại bán đảo Sơn Trà nhiều phương tiện thủy nội địa không đủ điều kiện hoạt động theo quy định của thành phố, các chủ này có lắp đặt một số bè nổi nhằm phục vụ mục đích làm nơi tập trung, nghỉ ngơi của du khách, sử dụng làm nhà hàng, chòi câu phục vụ du khách, đưa khách lặn ngắm san hô mà không đảm bảo được sự an toàn đối với môi trường tự nhiên, một số người dân, du khách thiếu ý thức cố ý “phớt lờ” quy định và khuyến cáo của cơ quan chức năng, cố lặn vào khu vực bảo vệ, dẫm đạp làm gẫy cành hoặc chết san hô.

Để bảo vệ môi trường biển, trước đây, UBND thành phố Đà Nẵng cũng đã có văn bản giao Sở Du lịch Đà Nẵng quản lý việc lặn ngắm san hô của du khách tại các khu vực bảo vệ theo quy định của pháp luật. Đồng thời ban hành các văn bản, quy định yêu cầu các đơn vị chức năng phối hợp tuần tra, kiểm soát và ngăn chặn các hành vi xâm hại liên quan như: Giao Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố yêu cầu Đồn Biên phòng Sơn Trà chủ trì, phối hợp UBND quận Sơn Trà và các cơ quan đơn vị liên quan xử nghiêm tình trạng hoạt động trái phép của các phương tiện; giao UBND quận Sơn Trà chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và các ngành liên quan xử lý dứt điểm tình trạng hoạt động tự phát của các lồng bè nuôi trồng thủy sản khu vực bán đảo Sơn Trà.

Ông Phan Minh Hải - Phó BQL Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng cho biết, nhu cầu của du khách muốn tham quan, trải nghiệm, khám phá các sản phẩm du lịch dưới nước như lặn ngắm san hô, thể thao trên biển… tại bán đảo Sơn Trà ngày càng cao, do đó BQL đề xuất UBND thành phố, Sở Du lịch về việc khoanh vùng để khi phát triển các loại hình dịch vụ nhưng vẫn bảo tồn hệ sinh thái biển. BQL đã nhiều lần nhắc nhở đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động du lịch thủy nội địa trái phép, yêu cầu tuyệt đối không thực hiện việc đón trả khách tham quan tour đường biển tại bán đảo Sơn Trà khi chưa được phép.

sanho2.jpg

Rác thải từ hoạt động đánh bắt thuỷ hải sản tác động rất tiêu cực đến san hô.

“Để bảo vệ khu vực trong vùng quản lý (khu vực Hòn Sụp), định kỳ hàng năm, cơ quan chức năng cũng tiến hành thả phao khoanh vùng, nhắc nhở người dân và du khách thực hiện nghiêm các quy định tại khu vực bảo vệ san hô, phối hợp với các đơn vị liên quan xử lý những trường hợp vi phạm về khai thác và bảo vệ san hô” - ông Phan Minh Hải cũng thông tin thêm, đơn vị đã xúc tiến các thủ tục cần thiết để đưa bến thủy nội địa CT15 đi vào hoạt động, đề xuất giải pháp khoanh vùng rạn san hô tại bãi Nam để thuận lợi trong công tác quản lý và bảo tồn.

Đối với việc phát triển dịch vụ du lịch trong tương lai, BQL Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng cho biết sẽ triển khai theo hướng thả bù neo khoanh vùng khu vực bảo vệ, phân chia rõ khu vực phục vụ mục đích du lịch và khu vực dành cho việc bảo tồn, phục hồi rạn san hô và hệ sinh thái biển. Đề nghị các đơn vị, doanh nghiệp khai thác dịch vụ neo tàu phía ngoài bù neo, không thả neo trực tiếp lên rạn san hô, sử dụng các phương tiện di chuyển phù hợp (thúng đáy kính, sup…) trải nghiệm dịch vụ đảm bảo không ảnh hưởng đến san hô và hệ sinh thái biển, đồng thời đào tạo nhân viên, trang bị đầy đủ công cụ, dụng cụ và hướng dẫn các kỹ năng cơ bản cho du khách trước khi trải nghiệm dịch vụ để không ảnh hưởng đến san hô và hệ sinh thái biển.

Các khu vực đã giao cho các chủ dự án khoanh vùng quản lý (đặc biệt khu vực bãi Nam), BQL Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng tuyên truyền cho người dân và du khách bằng cách cắm bảng quy định, phát thanh trên hệ thống loa, cử cán bộ túc trực nhắc nhở người dân và du khách không tham gia sử dụng các dịch vụ lặn ngắm san hô, nhà hàng ăn uống trên bè nổi tại khu vực Bãi Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài dự thi “Cùng giữ màu xanh của biển”: Bảo vệ “thế giới dưới lòng đại dương”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO