Xã hội

Bác sỹ Tôn Thất Tùng với Điện Biên

Việt Hải - Minh Quân 25/04/2024 - 14:11

(TN&MT) - Giáo sư, bác sĩ, thầy thuốc ưu tú Tôn Thất Tùng là danh nhân y học, Anh hùng Lao động, trí thức tiêu biểu thời đại Hồ Chí Minh. Trong hành trình cống hiến cho sự nghiệp y tế nước nhà, ông đã từng nhiều năm phục vụ đắc lực công tác chăm sóc sức khỏe bộ đội, cứu chữa thương bệnh binh trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Ông lên chiến trường Điện Biên khi đang giữ chức Thứ trưởng Bộ Y tế.

Cuối năm 1953, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân ta bước sang giai đoạn phản công. Với việc quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ, Chính phủ đã huy động tối đa sức người, sức của cho mặt trận.

ton-that-tung-1947(1).png
GS. BS Tôn Thất Tùng. Ảnh: Tư liệu Trường Đại học Y Hà Nội

Với những cống hiến cho sự nghiệp cách mạng và sự nghiệp y tế của đất nước, Giáo sư, Bác sĩ, Thầy thuốc ưu tú Tôn Thất Tùng đã được Chủ tịch Hồ Chí minh ký quyết định tặng thưởng Huân chương Chiến sĩ hạng Nhất (ngày 14/7/1954); được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động (1962), Huân chương Hồ Chí Minh (1982); Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và kỹ thuật (1996). Tên ông được trang trọng đặt tên đường tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và nhiều địa phương khác.

Ngày 23/3/1954, GS Tôn Thất Tùng nhận được một lá thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong thư, Chủ tịch Hồ Chí Minh ngỏ ý mời ông và bác sĩ Vũ Đình Tụng - Bộ trưởng Bộ Thương binh ra mặt trận trực tiếp làm công tác phẫu thuật cứu chữa thương binh. Lời lẽ bức thư mộc mạc nhưng hàm chứa sự thiết tha, đại ý sự có mặt của hai bác sĩ ngoại khoa giỏi tại Trạm phẫu thuật tiền phương chăm lo sức khoẻ cho bộ đội lúc này là vô cùng cần thiết cho kháng chiến, việc này cũng nhằm làm cho chiến sĩ ta yên tâm đánh thắng giặc.

Bác sĩ Tôn Thất Tùng khi ấy đang là cố vấn giải phẫu của Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam. Xuất thân trong một gia đình yêu nước, sớm giác ngộ cách mạng, lại có lòng từ tâm và nổi tiếng là một bác sĩ giỏi chuyên môn, bác sĩ Tôn Thất Tùng đã được tin cậy giao nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe Chủ tịch Hồ Chí Minh ngay từ ngày đầu Cách mạng tháng Tám thành công, vinh dự được gần gũi Bác, được Người trực tiếp dìu dắt với niềm tin yêu và tình cảm đặc biệt.

Nhận thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bác sĩ Tôn Thất Tùng không lấy làm bất ngờ vì việc ra chiến trường phục vụ bộ đội, cứu chữa thương bệnh binh đã được ông nung nấu từ rất sớm.

Sáng 23/3 nhận được thư, làm các công tác chuẩn bị, đến chiều 25/3, đoàn mới xuất phát. Từ Chiêm Hóa - nơi ông đang công tác, ông cùng các bác sĩ xuống thuyền nan thẳng hướng trung tâm tỉnh lị Tuyên Quang. Nhật ký của Giáo sư Tôn Thất Tùng còn ghi rõ: “Đợi máy bay "đi ngủ", cùng đoàn mổ xẻ riêng, tôi đáp thuyền nan xuôi dòng Lô chảy xiết, vượt qua bao núi xanh, thác bạc để đến đúng giờ ở chỗ hẹn. Chúng tôi biết Chiến dịch Điện Biên Phủ sắp bước vào giai đoạn 2, ác liệt hơn”.

gs.bs-ton-that-tung-dung-giua-giang-bai-cho-cac-sinh-vien-y-khoa-tai-chiem-hoa-nam-1947.-anh-tu-lieu.png
GS.BS Tôn Thất Tùng (đứng giữa) giảng bài cho các sinh viên Y khoa tại Chiêm Hóa năm 1947. Ảnh: Tư liệu Trường Đại học Y Hà Nội

Đến Tuyên Quang đã có xe ô tô chờ sẵn, đoàn bác sĩ lên xe đi ngay… Đường lên Điện Biên đông như trẩy hội, hàng nghìn dân công xe thồ, gánh gồng, tải lương thực, vũ khí, thuốc men hướng về Điện Biên; từng đoàn bộ đội ra trận, khí thế cuồn cuộn như nước chảy. Lại có cả đoàn tù binh Pháp trên những chiếc xe do quân ta quản thúc, xuôi về đồng bằng.

Qua những chặng đường quanh co đèo dốc, chằng chịt ổ gà, hố bom, ngày 3/4, đoàn đến nơi đóng quân của đội điều trị I. Bác sĩ Tôn Thất Tùng được bố trí ở tại một lán nhỏ ven suối. Đội điều trị I do sinh viên Đào Bá Khu là Đội trưởng, làm nhiệm vụ của một bệnh viện dã chiến, thu dung thương, bệnh binh của mặt trận, chuyên xử trí các vết thương ở đầu và sọ não, là những vết thương nguy hiểm nhất. Bệnh viện dựng dưới rừng cây có phòng mổ và các lán thương binh nằm trên các sàn bằng nứa.

Song song với hoàn thành lán trại, bác sĩ và đoàn công tác bắt tay vào khám bệnh cho thương binh. Ngày 4/4, ông bắt đầu mổ các vết thương sọ não. Đứng trước những người thương binh dù đau đớn do vết thương gây ra và có thể đe doạ đến tính mạng nhưng họ rất bình tĩnh, cắn răng chịu đựng, trong ông trào lên nỗi xúc động, khâm phục. Ông tự nhủ: “Chiến sĩ của ta là những con người đặc biệt quý và bộ óc của các anh em là đáng quý nhất, mong cho các anh bị thương ở sọ não chóng khỏi để tiếp tục suy nghĩ, làm việc và chiến đấu được bình thường”. Rồi ông nhớ đến những lời căn dặn của Hồ Chủ tịch: “Năm nay chiến trường mở ở xa, bộ đội có thể khổ, dân công cũng vậy, nhưng chớ để thương binh, bệnh binh khổ”.

Ở nơi rừng thiêng nước độc, điều kiện làm việc căng thẳng, khó khăn gian khổ và khí hậu khắc nghiệt, dĩn cắn đầy người, ruồi vàng đầy cả rừng. Ruồi vàng đẻ vào các vết thương phần mềm của thương binh khiến vết thương nhiễm trùng, thậm chí sinh giòi bọ, gây thêm đau đớn. Sau mấy ngày đêm suy nghĩ, thử nghiệm, GS. BS Tôn Thất Tùng quyết định cho dùng quinacrin (ký ninh - thuốc sốt rét) có sẵn, hòa tan với nước thành dung dịch 1% để rửa các vết thương có giòi. Kết quả thật bất ngờ, các vết thương đều sạch, nhanh khô. Sáng kiến này được phổ biến cho quân y toàn mặt trận để xử lý các vết thương tương tự.

gs.-ton-that-tung-ben-trai-va-gs.-ho-dac-di-hieu-truong-truong-dai-hoc-y-tai-chiem-hoa-tuyen-quang.png
GS. Tôn Thất Tùng bên trái và GS. Hồ Đắc Di, Hiệu trưởng Trường đại học Y tại Chiêm Hóa, Tuyên Quang

Chiến trường ngày thêm ác liệt, thương binh mỗi ngày một tăng. Có thời điểm số thương binh lên tới 700 nhưng Đội điều trị chỉ có 6 y sĩ, 20 y tá. Anh em trong đội thức cả đêm để làm việc. Trong khi dụng cụ nấu nướng thì thiếu thốn. Thường bữa ăn sáng có khi vào lúc rất muộn, bữa ăn chiều vào 11 giờ đêm. Nhiều tối mổ xong, bác sĩ Tùng rất mệt, không ăn hết bát cơm. Nhưng nỗi mệt không thấm vào đâu so với việc vì điều kiện thiếu thốn trang thiết bị đối với những ca đặc biệt khó nên có lúc ông và đồng đội phải bó tay. Những khi ấy, mỗi lúc đêm xuống, ông vùi mặt vào một góc đau khổ, dằn vặt. Nhiều đêm ông không ngủ được, cứ mỗi lần nhắm mắt, hình ảnh những người thương binh lại rõ mồn một trong hình dung của ông, khiến ông càng thêm nung nấu tìm ra cách khắc phục điều kiện để cứu chữa tốt nhất cho thương binh.

Ông thường nói nói với các đồng nghiệp của mình rằng: “Người thầy thuốc mổ xẻ không quyết tâm chưa phải là người biết mổ xẻ. Phải xây dựng một truyền thống mổ xẻ, một nền y học vì dân. Phải xứng đáng với nền y học của Đảng. Phải luôn luôn nhớ lời Bác dạy”.

Ông là người đề cao lý tưởng sống, một lòng một dạ trung thành với Đảng, với Bác Hồ, phụng sự cách mạng, phục vụ nhân dân. Ông từng viết trong nhật ký: “Nếu không có cuộc kháng chiến vĩ đại này, có lẽ không bao giờ mình thấy rõ tinh thần anh dũng của nhân dân ta, một dân tộc anh hùng đã từng chống ngoại xâm. Kháng chiến, chiến trường đã thay đổi rất nhiều con người của mình, đã cách mạng rất mạnh mẽ tư tưởng và hành động của mình”.

Trong nhật ký của ông, ông dành rất nhiều trang viết về công việc, dành nhiều tình cảm cho bộ đội, chiến sĩ, sự quan tâm cho các thương binh. Ông viết: “Ngày 5/4/1954: Chuẩn bị đi thăm trọng thương. Đêm qua, mưa, nghĩ đến thương binh ở tiền tuyến dưới hào giao thông mà ứa nước mắt, nôn nao trong ruột như có cơn đau. Chưa bao giờ cảm thấy thương bộ đội như hôm nay. Sáng sớm, trời tạnh rồi. May cho các anh đang giao chiến”...; “Ngày 9/4: Mưa dầm dề dai dẳng suốt ngày đêm, suốt tuần. Ngoài kia, các anh bộ đội ngâm mình trong bùn chiến hào lõng bõng”...

cham-soc-thuong-benh-binh-tai-chien-truong-dien-bien-phu.trung-tam-luu-tru-quoc-gia-iii-thuoc-cuc-van-thu-luu-tru-nha-nuoc.png
Chăm sóc thương bệnh binh tại chiến trường Điện Biên Phủ.

Ông đã sống trọn những ngày gian khổ ác liệt nhất ở chiến trường Điện Biên Phủ, làm việc quên ăn quên ngủ, quên cả thời gian. Chỉ đến chiều 7/5/1954, biết tin Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp sắp đi thăm các đội điều trị, khi ông đang sửa soạn ra ô tô đi đến một bản cháy ở cây số 64 để đón Đại tướng thì bỗng nghe một tiếng hô rất to: "Điện Biên Phủ giải phóng rồi! Giải phóng rồi". Trái tim ông như ngưng lại trong mấy giây rồi bật lên đập rộn. Rồi nữa, một đồng đội chạy đến nói như hét lên: "Anh Tùng ơi, ta chiếm Điện Biên Phủ rồi!". Giây phút ấy, ông ôm chầm lấy Vũ Đình Tụng và hét to: "Hoan hô! Hoan hô!". Từ rừng xanh, có tiếng "Hoan hô! Hoan hô!" dội lại.

Quân dân ta đã toàn thắng tại mặt trận Điện Biên Phủ. Một trang lịch sử mới đã bắt đầu. Kết thúc chiến dịch Điện Biên, ông trở về Hà Nội, đề xuất trao lại chức Thứ trưởng Bộ Y tế để tập trung vào chuyên môn. Một sự trùng hợp ngẫu nhiên là ngày mất của ông nhằm đúng ngày 7/5. Nhiều năm ông đi xa nhưng phẩm chất cách mạng, y đức, danh đức của ông vẫn khắc ghi trong lòng người, trong bảng vàng y học, trong lịch sử nước nhà và trong lĩnh vực y khoa thế giới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bác sỹ Tôn Thất Tùng với Điện Biên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO