Bắc Sơn (Lạng Sơn): Sử dụng hợp lý tài nguyên để phát triển bền vững
(TN&MT) - Huyện Bắc Sơn (Lạng Sơn) đã nỗ lực đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH, đồng thời quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả tài nguyên đất đai, BVMT, chủ động ứng phó BĐKH vì mục tiêu phát triển bền vững.
Xung quanh vấn đề này, Phóng viên Báo TN&MT đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Ngọc Thiều – Chủ tịch UBND huyện Bắc Sơn.
PV: Những năm qua, công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai nhiệm vụ quản lý tài nguyên, BVMT trên địa bàn huyện đã được thực hiện như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Ngọc Thiều:
Xác định quản lý tài nguyên, BVMT là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, hàng năm, UBND huyện đã xây dựng kế hoạch, chỉ đạo cơ quan chuyên môn, các ngành chức năng phối hợp với UBND các xã, thị trấn tăng cường quản lý nhà nước về tài nguyên môi trường; tuyên truyền, giáo dục, nâng cao hiểu biết về chính sách pháp luật; thường xuyên kiểm tra giám sát việc thực hiện các chính sách, pháp luật về TNMT nhằm phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các vi phạm.
Hướng dẫn UBND các xã xây dựng quy ước, hương ước tại các thôn gắn với BVMT; đưa tiêu chí môi trường vào tiêu chí cứng đế đánh giá xếp loại gia đình văn hóa cuối năm. Tổ chức ký cam kết của các hộ gia đình, các cơ sở sản xuất kinh doanh thực hiện BVMT tại các xã đã về đích nông thôn mới (NTM), NTM nâng cao, kiểu mẫu và đang tiếp tục tuyên truyền ở các xã còn lại ký cam kết về BVMT.
Nhờ đó, từ năm 2022 đến nay, công tác quản lý nhà nước về TNMT đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần tích cực trong thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển KT-XH, từng bước giải quyết những vướng mắc trong quá trình quản lý nhà nước ở địa phương.
PV: Ông có thể thông tin cụ thể hơn về kết quả công tác quản lý TNMT từ năm 2022 đến nay trên địa bàn huyện? Qua đó, đã đóng góp như thế nào vào công cuộc phát triển KT-XH của địa phương?
Ông Nguyễn Ngọc Thiều:
Thời gian qua, công tác đăng ký, cấp GCNQSDĐ, giao đất trên địa bàn huyện được đẩy mạnh, đảm bảo quản lý, sử dụng đất đai theo đúng quy định. Huyện đã công khai Điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030, Kế hoạch sử dụng đất năm 2023 huyện sau khi được UBND tỉnh phê duyệt. Tăng cường quản lý tài nguyên nước, khoáng sản, từng bước khắc phục vi phạm về khai thác khoáng sản và khoan, khai thác nước dưới đất trái phép.
Từ năm 2022 đến nay, UBND huyện cấp 7 giấy phép môi trường cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh; 11/17 xã đạt chuẩn tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM; 3 xã đạt chuẩn tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM nâng cao; 1 xã đạt chuẩn tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM kiểu mẫu. Hiện nay, Bắc Sơn đã thực hiện xã hội hóa hoạt động thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt vùng nông thôn tại 8/17 xã.
Tăng cường kiểm tra, đôn đốc các cơ sở sản xuất kinh doanh thực hiện cam kết BVMT, kịp thời ngăn chặn nguy cơ ô nhiễm, nâng cao ý thức của người dân trong việc BVMT xanh, sạch, đẹp. Quá trình thực hiện các dự án đầu tư, xây dựng các công trình dự án trên địa bàn huyện luôn gắn liền với công tác BVMT. Hướng tới thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển KT-XH bền vững.
PV: Theo ông, quá trình triển khai quản lý TM&MT trên địa bàn huyện còn gặp những khó khăn, thách thức nào?
Ông Nguyễn Ngọc Thiều:
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác quản lý nhà nước về TNMT trên địa bàn huyện còn một số tồn tại chưa được xử lý dứt điểm. Việc chấp hành pháp luật về đất đai của một số tổ chức, cá nhân còn hạn chế, một số tổ chức sử dụng đất chưa tự giác đăng ký đất đai bắt buộc với đất đang quản lý và sử dụng.
Tỷ lệ cấp GCNQSDĐ so với các loại đất cần cấp chưa cao; việc giải quyết các thủ tục hành chính về đất đai nhiều khi còn chậm hạn hoặc đã giải quyết nhưng chưa thực hiện sao quét kết quả để tái sử dụng.
Công tác xử lý rác thải nguy hại (bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng) chưa kịp thời, hiệu quả. Công tác thu gom, xử lý rác thải mới chỉ được thực hiện trên địa bàn thị trấn từ nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, rác thải tại nông thôn chủ yếu do người dân tự xử lý tại hộ gia đình.
Hoạt động thu gom rác thải theo hình thức xã hội hóa mới triển khai được tại 8/17 xã, song kinh phí thu từ xã hội hóa chưa đáp ứng được yêu cầu so với thực tế đầu tư của các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ…
PV: Tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên, BVMT, hướng đến phát triển xanh, bền vững, huyện Bắc Sơn đã và đang triển khai những nhiệm vụ trọng tâm nào giai đoạn tới, thưa ông?
Ông Nguyễn Ngọc Thiều:
Thời gian tới, UBND huyện tiếp tục chỉ đạo cơ quan chuyên môn, các cơ quan liên quan, UBND cấp xã, thị trấn thực hiện tốt Nghị quyết số 35-NQ/HU ngày 19/12/2019 của Ban Thường vụ Huyện ủy về tăng cường vệ sinh môi trường trên địa bàn huyện. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về tài nguyên, môi trường, duy trì tổ chức ra quân hưởng ứng các ngày lễ về môi trường.
Đẩy nhanh tiến độ đo đạc chỉnh lý bản đồ, lập hồ sơ địa chính, cấp GCNQSDĐ và xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính thị trấn Bắc Sơn. Đôn đốc, kiểm tra, giám sát quản lý nhà nước về đất đai tại cơ sở; thực hiện kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất của người sử dụng đất; các hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản; việc quản lý, sử dụng tài nguyên nước, hoạt động hành nghề khoan, khai thác nước dưới đất và BVMT trên địa bàn huyện.
Song song đó, tăng cường kiểm tra, cấp giấy phép môi trường cho các tổ chức, cá nhân có hoạt động sản xuất kinh doanh. Tăng cường phối hợp với UBND các xã rà soát, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM, đặc biệt với xã điểm được lựa chọn đạt chuẩn NTM của huyện, tỉnh. Đẩy mạnh công tác BVMT đô thị, công tác xã hội hóa về thu gom, xử lý rác thải vùng nông thôn…
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Huyện Bắc Sơn hiện còn 2.024 hộ nghèo, chiếm 11,61%; 1.359 hộ cận nghèo, chiếm 7,8%. Năm
2023, để hoàn thành tốt kế hoạch phát triển KT-XH, UBND huyện Bắc Sơn đã đề ra 10 nhiệm vụ trọng tâm để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo. Song song đó, tiếp tục triển khai hiệu quả các chương trình MTQG giảm nghèo, kịp thời tháo gỡ khó
khăn, vướng mắc, nhất là các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đầu tư hạ tầng vùng đặc biệt khó khăn, hỗ trợ cho các hộ nghèo, hộ đồng bào DTTS phát triển KT-XH.