Tại buổi tập huấn, các hộ sản xuất được trang bị những kiến thức cơ bản về rơm rạ, tác hại của việc xử lý rơm rạ không đúng cách; hướng dẫn các cách sử dụng rơm rạ trong canh tác lúa thân thiện với môi trường, như: Dùng rơm rạ để phủ gốc cho cây vụ đông, phủ gốc cho cây ăn quả, sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý rơm rạ làm phân bón cho lúa, xử lí rơm rạ ngay tại ruộng và xử lí rơm rạ để trồng nấm.
Trong chương trình tập huấn, cán bộ kỹ thuật của Dự án cũng đã trực tiếp hướng dẫn các hộ sản xuất thực hành phương pháp sử dụng chế phẩm sinh học trong ủ rơm rạ làm phân bón tại ruộng thực nghiệm.
Thông qua hoạt động này góp phần thay đổi hành vi, thói quen của hội viên, nông dân trong canh tác lúa và sử dụng hiệu quả nguồn phụ phẩm nông nghiệp sau thu hoạch, nhằm hạn chế những tác động tiêu cực của hoạt động sản xuất nông nghiệp đối với môi trường.
Được biết Dự án"Tuyên truyền, vận động nông dân áp dụng canh tác lúa thân thiện với môi trường" của T.Ư Hội Nông dân Việt Nam đã phối hợp với Tổ chức Ủng hộ các giải pháp khu vực vì cộng đồng và hệ sinh thái (BRACE) xây dựng nhằm mở rộng mô hình áp dụng kỹ thuật canh tác lúa cải tiến (SRI) và nâng số lượng nông dân được tiếp cận và áp dụng phương pháp canh tác SRI.
Theo báo cáo của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, hệ thống canh tác lúa cải tiến là phương pháp canh tác lúa hướng tới phát triển nông nghiệp sinh thái bền vững, được tiến hành tại hơn 50 quốc gia trên toàn thế giới. Áp dụng hệ thống canh tác lúa cải tiến mang lại hiệu quả và năng suất cao, góp phần giảm phát thải nhà kính trên cơ sở các tác động về mặt kỹ thuật giúp giảm chi phí đầu vào như giống, phân bón, thuốc trừ sâu và tiết kiệm nước tưới.
Đặc biệt, việc áp dụng rộng rãi hệ thống thâm canh lúa cải tiến là rất cần thiết trong bối cảnh nền nông nghiệp hiện nay đang chịu tác động lớn từ biến đổi khí hậu
Chương trình SRI bắt đầu từ năm 2003. Đến nay đã được triển khai ứng dụng rộng rãi trên toàn quốc với hàng triệu nông dân ở 35 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tham gia.