Báo Tài nguyên & Môi trường nhận được đơn của người dân thôn Trần Xá (xã Yên Trung, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) phản ánh về việc họ khiếu nại chính quyền địa phương giải quyết không thỏa đáng trong đền bù hỗ trợ đất đai phục vụ dự án.
Theo trình bày, năm 2006, tỉnh bắt đầu thu hồi đất nông nghiệp ở Yên Phong để giao cho Tổng công ty Viglacera xây dựng KCN Yên Phong. Trong đó thôn Trần Xá với hơn 300 hộ cũng bị thu hồi hàng chục hecta. Nhưng chủ đầu tư Viglacera chưa có năng lực tài chính và tiềm lực thi công nên chưa trả tiền mà 2 năm sau mới có phương án bồi thường hỗ trợ cho dân. Theo đó giá bồi thường được chia theo từng đợt và giá không giống nhau: 25 triệu/sào, 28 triệu/sào, và đợt cuối 69 triệu/sào vào cuối 2010, 2011.
Người dân cho rằng, tại thời điểm bồi thường, Nghị định 69/CP đã có hiệu lực thi hành. Nhưng việc thu hồi đã diễn ra khi Nghị định 84/CP còn hiệu lực. Đáng lẽ việc bồi thường phải thực hiện theo Nghị định 84, nghĩa là những hộ bị thu hồi trên 30% đất nông nghiệp phải được giao đất dịch vụ 10%. Vậy nhưng chủ đầu tư thực hiện phương án này mà chỉ thực hiện mỗi phương án bằng tiền.
Vào năm 2009. sau khi kết thúc việc GPMB cho KCN Yên Phong, UBND xã Yên Trung lập dự án đất dân cư dịch vụ 10% để giao cho các hộ bị thu hồi tại dự án KCN Yên Phong. Tổng số đất bị thu hồi tiếp là hơn 13ha. Như vậy, tính cả lần phục vụ cho KCN Yên Phong, có những hộ bị thu 2 lần.
Sau khi họp với dân và được duyệt Nghị định 84, khi triển khai thực hiện, xã không làm theo theo Nghị định 84 mà lại áp dụng nghị định 69, nghĩa là: những diện tích bị thu hồi trước 1/10/2009 (đã nhận tiền đền bù) thì được đất 10%, nếu sau 1/10/2009 thì không được. Theo đó, xã chỉ duyệt giao 290 lô đất cho những trường hợp nhận bồi thường trước tháng 10/2009. Còn 165 lô nữa không giao cho các trường hợp nhận tiền sau tháng 10/2009.
Người dân thôn Trần Xá cho rằng, điều này trái quy định, quy hoạch đã được lập, được bàn, được duyệt. Người dân yêu cầu giải quyết cho dân xong thì mới tiếp tục triển khai. Nhưng xã không thực hiện, nhiều chỗ chưa bồi thường cho dân nhưng xã vẫn san lấp. Xã còn tự ý huy động vốn: yêu cầu thu khoảng 300 triệu/1 lô 100m2. Việc thu tiền này là theo Hướng dẫn 04 của Sở TN&MT về việc những người được đất thì phải chịu tiền hạ tầng. Nhưng xã thu không đúng vì việc xây dựng phương án không rõ ràng.
Sau khi người dân đơn thư lên xã và huyện Yên Phong, huyện trả lời theo đúng quan điểm của xã, và nói rằng phần 165 lô nói trên sẽ để bán đấu giá. Dân không đồng tình vì huyện vận dụng không đúng kết luận của thường vụ tỉnh ủy trước đó đã nói rằng xã chỉ được bán một số lô đất để đầu tư lại công trình. Tiếp đến UBND tỉnh vẫn theo quan điểm của huyện.
Ông Phạm Văn Mạnh (74 tuổi) cho biết gia đình ông bị thu hồi trên 2.000m2 cho dự án KCN Yên Phong, hơn 800m2 cho dự án dân cư dịch vụ 10%. Nhưng ông chỉ được xã duyệt 1 lô 100m2. Theo quy định, gia đình ông phải được 200m2. Đến nay ông cũng chưa được đền bù phần thu hồi 800m2 nhưng xã vẫn san lấp.
Cũng theo ông Mạnh, đất của ông và các hộ gia đình được bồi thường sau 1/10/2009 nhưng bị thu hồi từ trước đó thì phải được hưởng quyền lợi áp dụng phương án bồi thường hỗ trợ theo Nghị định 84 (tức quy định cũ), không thể áp dụng theo phương án mới. Ngoài ông Mạnh, còn có gia đình ông Đinh Văn Viết bị mất 3700m2 cho Yên Phong, 500m2 cho đất dịch vụ. Xã chỉ đồng ý trả 200m2. Ông Mạnh cũng chưa nhận đền bù.
Một trường hợp khác là bà Lương Thị Hoa bị thu hồi 800m2 cho KCN Yên Phong. Nhưng khi thu hồi 3 sào đất của bà phục vụ cho dự án đất dịch vụ, xã chỉ định bồi thường cho bà 2 sào khiến bà rất bức xúc.
Làm việc với PV báo Tài nguyên & Môi trường, ông Lương Đức Quý (phụ trách Văn phòng UBND xã Yên Trung) cho biết, người dân thôn Trần Xá có đơn lên xã, huyện và tỉnh và các cơ quan đã đứng ra giải quyết nhiều lần. Tỉnh cũng đã có kết luận thanh tra. Theo đó, tỉnh cũng như các cấp chính quyền địa phương viện dẫn Nghị định 69/2009 để bác bỏ yêu cầu của các hộ dân này. Theo ý kiến của tỉnh, những người dân này đã được bồi thường đất bằng tiền 1 lần và không thuộc diện được giao đất dịch vụ 10% nữa. Chỉ những hộ dân bị thu hồi đất và nhận bồi thường hỗ trợ trước khi Nghị định 69 có hiệu lực thì mới được giao đất dịch vụ này.
Theo ông Quý, dự án KCN Yên Phong được phê duyệt phương án đền bù làm 6 lần. Các lần có thời gian cách xa nhau, trong đó có những lần được duyệt sau khi Nghị định 69 có hiệu lực. "Bồi thường hỗ trợ tại thời điểm nào thì phê duyệt phương án bồi thường áp dụng theo quy định luật pháp ở thời điểm đó." - Ông Quý nhìn nhận. Vì vậy ông Quý khẳng định hàng trăm trường hợp thuộc diện được phê duyệt sau Nghị định 69 đã được bồi thường tiền mặt và không được giao đất là đúng.
PV đề nghị cung cấp văn bản thể hiện việc phê duyệt thu hồi đất và đền bù tiền đối với các hộ dân sau 1/10/2009 (Nghị định 69 có hiệu lực). Tuy nhiên ông Quý chưa cung cấp được. Đại diện UBND xã Yên Trung cũng cho biết thêm, hiện nay xã đang triển khai dự án đất dân cư dịch vụ, trong đó có phần đất dịch vụ 10% để giao cho những hộ dân bị thu hồi đất trong dự án KCN Yên Phong. Xã chưa có danh sách và kết quả cụ thể.
Ông Lương Đức Quý cũng giải thích việc thu 300 triệu đồng đối với mỗi 100m2 đất được giao và nhiều hộ dân chưa đồng ý mà xã đã thu hồi san lấp mặt bằng. Theo ông, dự án đất dân cư dịch vụ được thực hiện bằng nguồn vốn hoàn toàn huy động của dân, xã không thể chi trả ngay cho việc san lấp mặt bằng, xây dựng hạ tầng. Vì vậy việc thu tiền của những hộ được giao đất chỉ là tạm thu. Sau khi cân đối thu chi các khoản đầu tư cơ sở hạ tầng, xã sẽ có mức cụ thể.
Vị đại diện Văn phòng UBND xã Yên Trung cũng thừa nhận rằng "đương nhiên trong quá trình thực hiện dự án thì khó tránh khỏi vướng mắc. Một số hộ dân đang chưa đồng ý thì xã vẫn đang khoanh vùng lô đất chứ chưa san lấp."
Báo Tài nguyên & Môi trường sẽ tiếp tục thông tin...