Ứng dụng CNTT trong quản lý đất đai tại Bắc Ninh bảo đảm công khai, minh bạch. |
Để nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước và thực hiện cải cách hành chính, cải thiện các chỉ số ICT Index, PCI, PAPI, PAR Index trong ứng dụng CNTT về trao đổi văn bản điện tử qua mạng, sử dụng hệ thống quản lý văn bản trong công tác chỉ đạo, điều hành; phục vụ người dân và doanh nghiệp về cung cấp thông tin trên cổng thông tin điện tử và cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 (số lượng dịch vụ, mức độ cung cấp trực tuyến)... Sở Tài nguyên và Môi trường đang tập trung xây dựng hạ tầng CNTT.
Bằng việc đầu tư đồng bộ hạ tầng, trang thiết bị CNTT phục vụ cải cách hành chính. Nâng cấp, thay thế một số trang thiết bị CNTT đã lạc hậu, xuống cấp không đáp ứng được yêu cầu công việc như hệ thống máy tính, hạ tầng mạng máy tính để bảo đảm an toàn thông tin; ứng dụng chữ ký số. Dùng chung Trung tâm dữ liệu của tỉnh và mạng truyền số liệu chuyên dụng cho hoạt động của các hệ thống CNTT trong cơ quan, đơn vị, chuyển đổi các hệ thống thông tin hiện có về Trung tâm dữ liệu của tỉnh.
Từng bước xây dựng và kết nối hạ tầng kỹ thuật CNTT của các đơn vị trực thuộc Sở thành một đầu mối để chuẩn hóa và cung cấp thông tin kịp thời, phục vụ công tác chỉ đạo điều hành, kết nối với mạng diện rộng và mạng truyền số liệu chuyên dùng của tỉnh. Dựa trên nền hạ tầng CNTT, hệ thống thông tin đất đai, môi trường, khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu được nắm bắt kịp thời, công khai, minh bạch, từ đó hoạch định các chính sách quản lý, thực hiện hiệu quả. Đồng thời triển khai kịp thời chế độ chính sách liên quan đến lĩnh vực tài nguyên, môi trường đã được tỉnh ban hành.
Ông Đàm Đình Định - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Hiện nay, Sở đang tiếp tục phát triển hệ thống nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu dùng chung cấp bộ, tỉnh (LGSP) và kết nối, liên thông các hệ thống thông tin ở trung ương và địa phương (NGSP) để khai thác các cơ sở dữ liệu quốc gia, hệ thống thông tin từ trung ương đến địa phương. Thực hiện tích hợp kết nối, chia sẻ thông tin của ngành với hệ thống thông tin của tỉnh và Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Triển khai sử dụng Chứng thư số cá nhân và tổ chức cho các đơn vị trực thuộc. Sử dụng chữ ký số trong các hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh như hệ thống quản lý văn bản và điều hành, hệ thống thư điện tử, cổng thông tin điện tử, dịch vụ công trực tuyến… nhằm bảo đảm tính pháp lý và trao đổi văn bản, tài liệu an toàn trên môi trường mạng; ứng dụng chữ ký số trên nền tảng di động để thuận lợi cho công việc.
Tiếp tục xây dựng và phát triển hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, cơ sở dữ liệu quan trọng có nhu cầu tích hợp, chia sẻ, tiến đến chuẩn hóa dữ liệu các ngành, tích hợp để hình thành kho dữ liệu dùng chung của tỉnh, tạo nền tảng phát triển Chính quyền điện tử, Chính quyền số và xây dựng thành phố thông minh. Duy trì, nâng cấp và nâng cao chất lượng cung cấp nội dung, đa dạng thông tin, tăng cường các chức năng đối thoại trực tiếp, giao tiếp điện tử với người dân và doanh nghiệp, cung cấp hầu hết các dịch vụ công cơ bản trực tuyến mức độ 3, mức độ 4, phù hợp với nhu cầu thực tế, tiết giảm chi phí, thời gian cho người dân, doanh nghiệp khi đến làm việc.
Ứng dụng CNTT hiệu quả, toàn diện, liên thông giữa các cơ quan nhà nước và các cấp địa phương góp phần tăng cường trao đổi, xử lý hồ sơ qua mạng, bảo đảm tính liên thông giữa các đơn vị trong quy trình xử lý thủ tục, tin học hóa tối đa các hoạt động trong quy trình thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất để tăng cường cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân và doanh nghiệp, góp phần đắc lực trong lĩnh vực quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường trên địa bàn.