Đồng bộ các giải pháp
Để ứng phó hiệu quả với triều cường, nước biển dâng, ngập lụt, mặn xâm nhập, nắng nóng, tỉnh Bạc Liêu đã thực hiện đồng bộ các giải pháp công trình và phi công trình, trong đó, tập trung xây dựng các công trình trọng điểm như tuyến đường Hộ Phòng - Gành Hào; nâng cấp đê biển Đông, sửa chữa các tuyến đê, kè xung yếu; xây dựng các âu thuyền, khu neo đậu tránh trú bão cho các phương tiện tàu, thuyền; cải tạo, xây dựng hệ thống kênh thủy lợi, trữ nước ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Cùng với đó, tập trung đầu tư mở rộng hệ thống cấp nước sinh hoạt cho khu vực nông thôn, nhất là các vùng sâu, vùng xa nhằm hạn chế tác động của hạn hán, xâm nhập mặn. Thống kê của ngành chức năng tỉnh Bạc Liêu cho thấy, trong giai đoạn từ năm 2017 đến 2020, tỉnh Bạc Liêu đã triển khai tổng cộng 17 dự án cung cấp nước sạch cho người dân trên địa bàn tỉnh với tổng mức đầu tư hơn 225 tỉ đồng.
Theo Sở TN&MT Bạc Liêu, hiện tại, tỉnh Bạc Liêu đã tiến hành cập nhật kịch bản BĐKH, rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch ngành, lĩnh vực phù hợp với kịch bản nước biển dâng; thực hiện đề án chống ngập đối với những vùng thường xuyên bị ảnh hưởng nặng nề do tác động của BĐKH, nước biển dâng và có nguy cơ xảy ra sạt lở cao như huyện Đông Hải, huyện Hòa Bình và TP. Bạc Liêu; xây dựng phương án di dời, sắp xếp lại các điểm dân cư.
Song song đó, tỉnh Bạc Liêu tập trung thực hiện chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, điều chỉnh mùa vụ, mở rộng diện tích sản xuất lúa trên đất tôm tại các huyện Vĩnh Lợi, Hòa Bình, Đông Hải, TP. Bạc Liêu để nâng cao hiệu quả sản xuất; tăng cường các biện pháp kỹ thuật, nâng cao năng suất nuôi tôm quảng canh cải tiến, sản xuất lúa thích ứng với hạn hán, mặn xâm nhập, phát triển mô hình đa cây, đa con trên cùng một diện tích giúp người dân ổn định sinh kế, thích ứng với BĐKH.
Ông Nguyễn Bình Thuận - Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bạc Liêu cho biết, với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, sâu sát của của các bộ, ngành Trung ương, Tỉnh ủy và UBND tỉnh Bạc Liêu cùng với những nỗ lực, cố gắng của các cấp, các ngành, đoàn thể chính trị - xã hội và người dân, công tác ứng phó với BĐKH và phòng, chống thiên tai đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bạc Liêu ngày càng ổn định, bền vững.
Quan tâm bố trí vốn
Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bạc Liêu Nguyễn Bình Thuận cho hay, tỉnh Bạc Liêu luôn quan tâm bố trí nguồn vốn cho các dự án ứng phó với BĐKH, nhiều công trình dự án nhằm ứng phó, thích ứng với BĐKH đã được đầu tư xây dựng mới và nâng cấp. Trong đó, điển hình như tuyến đê Biển Đông ở thị trấn Gành Hào, cống âu thuyền Ninh Quới; công trình phân ranh mặn, ngọt giữa tỉnh Bạc Liêu và tỉnh Sóc Trăng; lắp đặt các trạm quan trắc nước mặt tự động liên tục nhằm giám sát tài nguyên nước mặt và cảnh báo hạn hán, xâm nhập mặn, góp phần giúp người dân chủ động triển khai các giải pháp ứng phó, giảm nhẹ thiệt hại trong sản xuất trên địa bàn tỉnh.
Theo ông Thuận, trước xu thế BĐKH, thiên tai ngày càng gia tăng, bất thường, cực đoan trên địa bàn tỉnh, tỉnh Bạc Liêu sẽ tiếp tục nâng cao công tác dự báo, cảnh báo sớm, theo dõi, giám sát thiên tai bảo đảm kịp thời, đủ độ tin cậy, góp phần giảm thiểu thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn, ngập lụt, sạt lở, giông bão gây ra; đồng thời, chú trọng nghiên cứu ứng dụng khoa học về ứng phó với BĐKH; tăng cường ứng dụng công nghệ viễn thám, công nghệ mới, tiên tiến trên nền tảng công nghệ thông tin trong dự báo, cảnh báo, điều tra, đánh giá, ứng phó với BĐKH.
Bên cạnh đó, tỉnh Bạc Liêu cũng sẽ ưu tiên đổi mới công nghệ sản xuất, đồng thời, nghiên cứu phát triển và tiếp nhận chuyển giao công nghệ tiên tiến theo hướng thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng, sử dụng có hiệu quả tài nguyên, ít chất thải và carbon thấp nhằm nâng cao khả năng ứng phó với BĐKH, phòng chống thiên tai; chủ động xây dựng các phương án ứng phó với bão mạnh, siêu bão phù hợp với từng ngành, lĩnh vực, nhất là các địa phương ven biển, vùng dễ bị tổn thương.
Ngoài ra, tỉnh Bạc Liêu sẽ đẩy mạnh việc nhân rộng các mô hình sản xuất bền vững, thân thiện với môi trường, hạn chế phát thải khí nhà kính, giảm thiểu sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật, phân bón hóa học trong sản xuất để bảo vệ môi trường; tập trung thu hút, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực năng lượng tái tạo, phát triển cơ chế sạch thích ứng với BĐKH; có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các dự án phát triển năng lượng sạch như điện mặt trời, điện gió, điện khí.
Cũng theo ông Nguyễn Bình Thuận, thời gian tới, tỉnh Bạc Liêu cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về BĐKH cho cán bộ, công chức, viên chức, người dân; lồng ghép phổ biến các kiến thức về BĐKH cho người dân thông qua các sự kiện hàng năm như: Ngày Môi trường thế giới, Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn, Ngày Quốc tế đa dạng sinh học, Ngày Nước thế giới…