Bắc Kạn: Xúc tung quả đồi đem đi làm gạch!
(TN&MT) - Thời gian qua, tổ hợp sản xuất gạch trong khu vực của Công ty CP Xi măng Bắc Kạn đã ngang nhiên dùng máy xúc, xúc đất từ quả đồi bên cạnh của nhà máy đem xuống làm gạch. Trong khi chở đất đã rơi vãi ra đường gây ô nhiễm môi trường và khó khăn cho người dân đi lại. Tuy nhiên, chính quyền địa phương lại không hề nắm được việc này (?!).
Dân khốn khổ vì… nhà máy gạch
Trao đổi với phóng viên, bà N.T.K và anh T.V.N, đang sinh sống tại tổ 6, phường Xuất Hóa, TP. Bắc Kạn cho biết: Hằng ngày, ai cũng nhìn thấy mấy chiếc máy xúc màu xanh đỗ trên đồi để xúc, gạt đất đồi xuống. Một chiếc máy xúc ở dưới, cứ thế xúc lên mấy chiếc xe tải, chở vào bãi của nhà máy gạch. Còn than thì họ chở từ dưới xuôi lên để trộn với đất phục vụ sản xuất gạch.
Anh N. bức xúc, người dân ở đây thường xuyên “nếm” đủ các loại khói. Từ khói lò gạch, lò đốt lốp tạo dầu Fo, trạm bê tông asphalt cứ vô tư xả khói, khói theo gió bay về khu dân cư.
Trong khi bà K. cho biết: Người dân chúng tôi bức xúc lắm, tổ 6 chúng tôi là khổ nhất phường. Bà con đi họp kiến nghị lên UBND phường Xuất Hóa nhưng chẳng ai quan tâm. Họ nghe xong rồi đâu lại vào đó. Cả quả đồi phía cạnh nhà máy đó, vốn là đất rừng trồng sản xuất. Trên vẫn trồng keo, nhưng họ cứ cho máy lên đào, dùng xe ô tô chở xuống dưới bãi của nhà máy để đóng gạch. Ngoài ra, xe họ chạy ngang đường liên tục, rất nguy hiểm cho người dân.
Cũng theo bà K. bà sinh sống ở đây từ những năm 1990, từ ngày họ cho ra đời “tổ hợp công nghiệp” ở đây, lợi đâu chưa thấy, chỉ thấy dân “hít bụi”. Trước thì có nhà máy xi măng, nhưng giờ xi măng “đóng cửa”, lại có mấy “ông chủ” dưới Thái Nguyên kéo lên làm gạch, làm dầu chiết FO từ lốp xe cũ và cả trạm đốt nhựa đường bê tông asphalt nữa.
“Mục sở thị” tại hiện trường, PV thấy những tố cáo của người dân là có cơ sở. Quả đồi cạnh lò gạch đang bị những chiếc máy xúc của nhà máy đào xới, chở xuống, nham nhở. Hỏi một công nhân lái máy ở đây, người này cho biết: Nhà máy gạch này của mấy “ông chủ” ở đâu cũng không rõ. Các anh chỉ làm thuê, còn lúc nào chủ bảo dừng thì dừng. Còn không, các anh cứ làm. Qua điều tra, phóng viên được biết tổ hợp sản xuất gạch tuynel này thuộc Công ty CP Xi măng Bắc Kạn.
Chính quyền có thờ ơ?
Rộng đường dư luận, phóng viên đã đến UBND phường Xuất Hóa để tìm hiểu việc khai thác đất đồi tại khu vực tổ 6. Ông Vi Công Suất, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Xuất Hóa đang đứng ở khu nhà hội trường UBND phường. Sau khi nghe PV trình bày, ông này lấy lý do chưa hẹn trước, chưa nắm được… rồi bỏ đi. Sau đó, phóng viên liên tục gọi điện thoại đến số máy cá nhân của ông này, thì ông Suất bật lên rồi dập đi, không trả lời.
Phóng viên tiếp tục đến UBND TP. Bắc Kạn để tìm hiểu vụ việc, tại đây bà Tạ Thị Lan Anh, Trưởng phòng và ông Nguyễn Kiên Cường, Phó phòng TN&MT TP. Bắc Kạn sau khi phóng viên trao đổi vụ việc, theo lẽ thường về quản lý Nhà nước trên địa bàn, họ phải nắm rất chắc thông tin nhưng dường như 2 vị này đang “né tránh” sự thật và hướng dẫn phóng viên lên Sở TN&MT tỉnh Bắc Kạn để tìm hiểu (?!).
Ông Nguyễn Kiên Cường, Phó phòng TN&MT TP. Bắc Kạn sau đó còn cho biết thêm: Mới đây, nhà máy gạch cũng bị phạt rồi. Phóng viên đề nghị cung cấp các văn bản, giấy tờ liên quan vụ việc thì ông Cường từ chối cung cấp.
Được biết, ngày 5/1/2024, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn, ông Nguyễn Đăng Bình đã ký Quyết định số 18/QĐ-UBND xử phạt Công ty CP Xi măng Bắc Kạn (DATC) đối với vi phạm không có giấy phép môi trường theo quy định tại Điều 39, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 nhưng đã đưa nhà máy sản xuất gạch đi vào hoạt động, với tổng số tiền phạt 320 triệu đồng.
Trao đổi với phóng viên về sự việc trên, Luật sư Nguyễn Thu Phương (Đoàn Luật sư Hà Nội) phân tích: Việc để các đối tượng tự ý khai thác khoáng sản trái phép, mà các cấp chính quyền địa phương “vô cảm” là có vấn đề! Căn cứ theo khoản 1, Điều 2, Luật Khoáng sản quy định: "Khoáng sản là khoáng vật, khoáng chất có ích được tích tụ tự nhiên ở thể rắn, thể lỏng, thể khí tồn tại trong lòng đất, trên mặt đất, bao gồm cả khoáng vật, khoáng chất ở bãi thải của mỏ". Như vậy, vật liệu san lấp để xây dựng các công trình như san lấp nền nhà, nền đường… (gồm đất, đá cuội, sỏi, sạn...) đều được tích tụ tự nhiên, phân bố ở tầng phong hóa của vỏ trái đất là khoáng sản. Theo quy định nêu trên thì đất của các ruộng sản xuất nông nghiệp là khoáng sản, việc khai thác đất mặt của ruộng sản xuất nông nghiệp để sử dụng vào mục đích như san lấp nền nhà, bán làm vật liệu sản xuất nông nghiệp cho những nơi khác là hoạt động khai thác khoáng sản, nếu hoạt động này chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép thì đó là khai thác khoáng sản trái phép. Các hành vi khai thác khoáng sản trái phép bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định số 36/2020/NĐ-CP ngày 24/3/2020 của Chính phủ, quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản và Nghị định số 04/2022/NĐ-CP ngày 6/1/2022 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai; tài nguyên nước và khoáng sản; khí tượng thủy văn; đo đạc và bản đồ.
Căn cứ theo tình tiết sự việc trên đây, các cơ quan quản lý nhà nước cần phải sớm làm rõ: Có hay không việc buông lỏng quản lý ở đây(?!), luật sư Phương nhấn mạnh.
Đã đến lúc UBND tỉnh Bắc Kạn cần vào cuộc, làm rõ sự “thờ ơ” của các cấp chính quyền TP. Bắc Kạn.
Báo Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục thông tin.